Vụ cháy tác động thế nào đến trú ngụ của các loài quý hiếm?
Ngày 11/6, Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cháy lớn, thiêu rụi nhiều diện tích rừng tràm, cây ăn trái, uy hiếp khoảng 100 hộ dân, trưa 11/6.
Khoảng 12h, đám cháy phát ra từ khu bảo tồn các sinh cảnh đất ngập nước làm nơi các loài chim cư trú, kiếm ăn (phân khu A1) vườn quốc gia. Nơi này cách tỉnh lộ 843 khoảng 300 m, cột khói cao hàng trăm mét che kín khu vực rộng lớn.
Khói mù mịt tràn ra đường kèm bụi than che khuất tầm nhìn trên tỉnh lộ dài khoảng một km, gây ra ùn ứ xe trên đường huyện Tam Nông và Tân Hồng. Nhiều ôtô phải dừng lại, một số tài xế bật đèn cảnh báo, cho xe chạy chậm.
Chiều 11/6, tại UBND xã Phú Đức, huyện Tam Nông, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, báo cáo nhanh về vụ cháy Vườn quốc gia Tràm Chim xảy ra sáng cùng ngày.
Đại tá Bùi Bé Năm, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau khi phát hiện vụ cháy, Vườn quốc gia Tràm Chim đã huy động lực lượng tại chỗ và phương tiện đến ngay hiện trường chữa cháy. Đám cháy nằm cặp tuyến đê số 4, thuộc xã Phú Đức, phân khu A1. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được nhận định do có người xâm nhập trái phép vào rừng dùng lửa bất cẩn gây ra; lực lượng công an sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân cháy.
Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân vụ cháy do có người xâm nhập trái phép dùng lửa bất cẩn gây ra. Ước tính tổng diện tích đám cháy hơn 20 hecta, trong đó 18 hecta cháy dưới tán rừng tràm và 2 hecta đồng cỏ. Thiệt hại về tài sản, có 5 xe mô tô và 14 triệu đồng tiền mặt của lực lượng tham gia chữa cháy.
Về ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Tràm Chim do vụ cháy gây ra, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn ) cho biết, khu vực có sếu đầu đỏ sinh sống là ở khu vực có đồng cỏ năn kim trong khi khu vực cháy là ở vùng ven nên không ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên tác động đến hệ sinh thái động thực vật sẽ cần được tính toán kỹ lưỡng để có các biện pháp khắc phục dài hạn.
Theo chuyên gia môi trường Nguyễn Tất Đạt, bất kỳ sự tác động nào cũng sẽ làm ảnh hướng đến quá trình trú ngụ của các loài động vật nơi đây. Cơ quan chức năng sớm điều tra nguyên nhân vụ cháy và tiến hành các biện pháp ứng phó với "giặc lửa" hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Chuyên gia khuyến cáo, dù đã hết mùa khô nhưng người dân cần hết sức cảnh giác khi vào rừng, không được để phát sinh nguồn lửa. Lý do là khu vực Nam Bộ đã kết thúc mùa khô, bắt đầu có mưa nhưng do nắng hạn kéo dài, lá, cây bụi bị khô nên rất dễ phát sinh cháy.
Sinh thái thay đổi quá mức đe dọa sếu đầu đỏ
Vườn Quốc gia Tràm Chim rộng gần 7.500 ha, là Ramsar thứ 4 của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Vào những năm 1990, vườn ghi nhận hàng nghìn sếu bay từ Campuchia sang, song số lượng ngày càng thưa vắng, có năm chim không về. Đồng Tháp đang có đề án khôi phục loài chim quý hiếm này.
Tháng 11/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 184 tỷ đồng. Mục tiêu chung của đề án là phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Cụ thể, trong vòng 10 năm (từ năm 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia.
Ngày 7/3/2023, trong lúc kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy và chuẩn bị các bước cần thiết phục vụ cho đợt diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhân viên của Vườn Quốc gia Tràm Chim đã ghi nhận 4 cá thể sếu đầu đỏ tại phân khu A5.
Thời gian 4 cá thể sếu đầu đỏ đáp xuống bãi ăn là khoảng 30 phút. Sau đó, đàn sếu bay về hướng phân khu A4. Lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi 24/24 giờ tại bãi ăn khu A5 và các phân khu khác (nơi sếu từng kiếm ăn) cũng như các vùng lận cận, để giám sát và có định hướng quản lý phù hợp; đồng thời, phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra xung quanh các tuyến đê nhằm ngăn chặn người dân vào đánh bắt ong, khai thác tài nguyên bên trong, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.
Theo TS Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Tràm Chim là thay đổi hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, dịch bệnh, loài ngoại lai và biến đổi khí hậu Việc thay đổi hệ sinh thái là do nước ở Vườn Quốc gia Tràm Chim trao đổi chỉ qua các cống, thời gian khô giảm, thời gian ngập gần như quanh năm, cây tràm xâm lấn tất cả các quần xã khác, chất hữu cơ chưa phân hủy tích tụ nhiều hơn trên mặt đất và trong kênh rạch là điều kiện để các loài ngoại lai phát triển.
Trước áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu đe dọa các hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh việc phối hợp, liên kết thực hiện các đề tài nghiên cứu về thực trạng thảm thực vật, động vật tại các Khu Bảo tồn để có những giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững, thì cũng đẩy mạnh triển khai các dự án giúp cho công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học tại các Khu Bảo tồn được tốt hơn.
Vườn quốc gia Tràm Chim nằm giữa các xã: Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thọ, Tân Công Sính, Phú Thành A và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông cách thành phố Cao Lãnh 40km. Nó rộng gần 7.500 ha, là nơi bảo tồn đầy đủ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước.
Vườn quốc gia Tràm Chim có thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, với 6 kiểu quần xã đặc trưng: quần xã sen, lúa trời, năng, mồm mốc, cỏ ống và quần xã rừng tràm. Hệ chim nước có 231 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, có 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim tìm thấy ở Việt Nam; có nhiều loài chim quí hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN như: Cốc đế, giang sen, già sói... và đặc biệt là sếu đầu đỏ đang được thế giới bảo vệ. Thủy sản có 150 loài cá nước ngọt, các loài cá nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: cá còm, cá mang rổ, cá duồng, cá hô; 191 loài thực vật, hệ thủy sinh vật đa dạng, phong phú với gần 180 loài tảo, 110 loài thực vật nổi, 26 loài thực vật đáy, gần 350 loài phiêu sinh thực vật, 34 loài bò sát lưỡng cư...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thời tiết tuần này: Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng, Nam Bộ mưa rào | SKĐS