"Trong vụ án Cát Tường, cái khó cho cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án là vụ án chưa từng có trong lịch sử tố tụng nước ta".
Ngày 14/4 sắp tới, vụ án liên quan đến Thẩm mỹ viện Cát Tường sẽ được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thi thể của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền chưa được tìm thấy và đối tượng Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về hai tội: “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 BLHS và tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.
Hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi về việc chị Huyền chết trước khi bị vứt xác hay chết sau khi vứt xác bởi hai tình huống này có liên quan trực tiếp đến tội danh của bác sỹ Tường. Trao đổi với chúng tôi, một số luật sư đã có những phân tích xác đáng quanh những vấn đề pháp lý liên quan đến bác sỹ Tường.
PV: Cho đến thời điểm này, khi vụ án sắp được đưa ra xét xử, nhớ lại hành vi ném thi thể chị Huyền xuống sông Hồng của bác sỹ Tường, là một luật sư, cảm xúc của chị như thế nào?
LS Trịnh Cẩm Bình: Sau thời gian điều tra vụ án và cùng song song là thời gian gia đình chị Huyền nỗ lực tìm kiếm xác chị Huyến, vụ án về thẩm mỹ viện Cát Tường sắp được đưa ra xét xử. Tôi cũng như tất cả mọi người quan tâm đến vấn đề này có lẽ đều rất bức xúc về những hành vi ném xác bệnh nhân xuống sông của bác sĩ Tường. Dù với bất cứ lý do gì, hành vi này là không thể chấp nhận được cả về phương diện đạo đức cũng như pháp luật.
Lẽ ra, khi xảy ra sự cố, bác sỹ Tường phải kịp thời khắc phục hậu quả, đưa nạn nhân đi cấp cứu dù sự cấp cứu đó có muộn đến mức nào. Nhưng ngược lại với cách xử trí thông thường đó, bác sỹ Tường đã tìm cách phi tang, tính toán một cách tinh vi, kỹ lưỡng, thủ tiêu tang chứng, che giấu tội ác của mình. Hành vi này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận và trong cả ngành y.
Cùng với sự phẫn nộ với hành vi của bác sỹ Tường là sự thông cảm chia sẻ với gia đình chị Huyền đã và vẫn đang phải gánh chịu nỗi đau và hy vọng tìm kiếm được thi thể chị Huyền dù đó chỉ hết sức mong manh.
PV: Chị đánh giá như thế nào về hai tội danh do Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội cáo buộc bác sỹ Tường phạm tội? Hai tội danh đó đã thật chính xác trong vụ án này chưa?
LS Trịnh Cẩm Bình: Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Tường bị truy tố về 2 tội danh "Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo Khoản 1 Điều 242 BLHS và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" theo Khoản 2 Điều 246 BLHS. Tổng mức án cao nhất bị cáo phải đối mặt là 10 năm tù.
Đến thời điểm hiện tại, xác chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Do đó, căn cứ vào những chứng cứ thu thập trong vụ án như lời khai của các bị cáo và những người liên quan, dấu vết và tang vật thu được từ các địa điểm như Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, nơi vứt xác chị Huyền, nơi phát hiện xe máy của chị Huyền..., cơ quan tố tụng truy tố Tường về hai tội danh trên đến thời điểm này là có căn cứ pháp luật. Bác sỹ Tường không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ, Trung tâm Cát Tường không được cấp phép thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nhưng bác sỹ Tường vẫn thực hiện và gây ra hậu quả chết người là đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 242 BLHS. Việc bác sỹ Tường mang xác nạn nhân vứt, thủ tiêu thi thể chị Huyền là đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 246 BLHS.
PV: Với quan điểm “trọng chứng hơn trọng cung” trong vụ án, cách hiểu: “chỉ với những lời khai của bác sỹ Tường thì chưa thể đưa vụ án này ra xét xử khi chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền” có đúng không, thưa luật sư?
LS Trịnh Cẩm Bình: Tôi không đồng tình với cách hiểu "chỉ với những lời khai của bác sỹ Tường thì chưa thể đưa vụ án này ra xét xử khi chưa tìm thấy thi thể của chị Huyền".
Mặc dù với quan điểm “trọng chứng hơn trọng cung” nhưng chúng ta cũng phải khẳng định rằng không phải lúc nào cũng thu thập được những bằng chứng một cách tuyệt đối bởi vì có trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đã dùng thủ đoạn khôn ngoan, tinh vi để thủ tiêu vật chứng là phương tiện phạm tội hoặc mang dấu vết tội phạm làm cho quá trình điều tra gặp không ít khó khăn.
Theo quy định tại Điều 64 BLTTHS thì "Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự ....làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án"; Chứng cứ được xác định bằng vật chứng, lời khai của các bên liên quan, kết luận giám định...
Như vậy, quá trình điều tra và truy tố, cơ quan tố tụng không chỉ căn cứ vào lời khai duy nhất của bác sỹ Tường mà còn căn cứ vào rất nhiều chứng cứ khác như lời khai của nhân chứng và những người liên quan, các vật chứng thu giữ được trong vụ án. Và điều quan trọng hơn cả là lời khai của bác sỹ Tường phải phù hợp với lời khai của nhân chứng và người liên quan khác, phù hợp với các vật chứng thu giữ được thì đủ căn cứ để truy tố và xét xử đối với bác sỹ Tường.
Trong vụ án này, cái khó cho cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án là vụ án chưa từng có trong lịch sử tố tụng nước ta. Do đó, quá trình điều tra, truy tố và xét xử càng cần phải thực hiện một cách hết sức chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ một cách tuyệt đối trình tự tố tụng hình sự. Có như vậy, việc giải quyết vụ án mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, khiến dư luận xã hội đồng tình ủng hộ với hình phạt áp dụng đối với bác sỹ Tường.
PV: Nếu ở vào vị trí của luật sư bào chữa cho BS Tường, sau khi có những lập luận bào chữa cho thân chủ của mình mà chị bị gia đình nạn nhân la ó, thậm chí xúc phạm, chị sẽ ứng xử như thế nào? Chị có lời nhắn nhủ nào tới gia đình bị hại?
LS Trịnh Cẩm Bình: Tôi đã từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho người bị hại trong các vụ án Giết người và tôi hiểu được sự bức xúc, phẫn nộ của gia đình người bị hại đối với bị cáo. Có những vụ án, gia đình người bị hại còn có những lời lẽ xúc phạm luật sư bào chữa cho bị cáo như "có học mà đi bảo vệ thằng giết người...".
Nếu trong cương vị là luật sư bào chữa cho bác sỹ Tường, tôi cho rằng sự bức xúc và phản ứng của gia đình chị Huyền tại phiên tòa còn tăng lên gấp nhiều lần và không thể tránh khỏi việc bị gia đình nạn nhân la ó, thậm chí xúc phạm đến bản thân tôi khi tôi đưa ra những lập luận bào chữa cho thân chủ. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ về những đau thương, mất mát mà họ phải gánh chịu. Tôi sẽ thể hiện để gia đình người bị hại hiểu rằng trong một phút giây, một hoàn cảnh nào đó, con người ta không tránh khỏi những sai lầm nghiêm trọng, những sai lầm khiến họ đánh mất tất cả và dù họ có muốn đổi bằng tính mạng của mình cũng không thể chuộc lại được những lỗi lầm, những mất mát đã gây cho người khác. Bác sỹ Tường sẽ phải chịu những hình phạt của pháp luật và quan trọng hơn là hình phạt từ lương tâm, từ sự phán xét của dư luận sẽ dai dẳng và khắc nghiệt hơn nhiều. Do đó, tôi hy vọng, với sự ăn năn, hối cải thực sự của bác sỹ Tường, gia đình người bị hại và công luận sẽ tha thứ cho bị cáo.
PV: Theo luật sư, với những cáo buộc phạm 2 tội như cáo trạng vụ án đã được công bố, BS Tường có thể được HĐXX xem xét những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào khi nghị án?
LS Trịnh Cẩm Bình: Theo thông tin tôi được biết thì gia đình bác sỹ Tường đã tự nguyện bồi thường cho gia đình chị Huyền một khoản tiền.
Do đó, khi Tòa án nghị án, BS Tường có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b và điểm p Khoản 1 Điều 46 BLHS về tình tiết Người phạm tội tự nguyện bồi thường và tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Xin trân trọng cảm ơn luật sư đã chia sẻ!