Vụ bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô: 'Bài học cũ nhưng là nỗi đau mới'

30-05-2024 16:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, ngoài tất cả quy trình trong Luật, cần cân nhắc chặt chẽ hơn đối với các trường hợp đưa đón trẻ mẫu giáo hay tiểu học.

Sở GD&ĐT Thái Bình báo cáo gì vụ việc cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên trên ô tô?

Liên quan đến vụ bé trai 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón học sinhh, ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình đã có báo cáo gửi đến Bộ GD&ĐT.

Theo đó, Trường Mầm non Hồng Nhung 2 là trường tư thục. Trường được thành lập năm 2022 do UBND thành phố quyết định thành lập, phòng GD&ĐT thành phố cấp phép hoạt động. Quy mô đào tạo trường có 12 lớp, nhóm với 272 trẻ.

Giáo viên phụ trách lớp có học sinh tử vong là cô Đoàn Thị Nhâm, sinh năm 1998, trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm mầm non; cô Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1966, trình độ đào tạo Đại học sư phạm Mầm non.

Nhân viên đưa đón học sinh là cô Phương Quỳnh Anh, trình độ đào tạo Trung cấp Dược. Lái xe đưa đón học sinh là ông Nguyễn Văn Lâm, tham gia lái xe đưa đón học sinh từ ngày 22/5/2024, lý do người lái xe chính xin nghỉ phép 1 tuần và bàn giao lại cho lái xe mới. Phương tiện đưa đón là xe ôtô 29 chỗ do nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ.

Vụ bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô: 'Bài học cũ nhưng là nỗi đau mới'- Ảnh 1.

Cháu bé bị bỏ quên trên xe ôtô dẫn tới tử vong.

Về diễn biến sự việc, theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thái Bình, vào hồi 6 giờ 20 phút ngày 29/5, lái xe Nguyễn Văn Lâm và nhân viên Phương Quỳnh Anh có nhiệm vụ đón trẻ mầm non từ các gia đình đến Trường Mầm non Hồng Nhung 2, trong đó có cháu Trần Gia Huy. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, người thân của cháu Huy đến đón, không thấy cháu ở lớp nên đã khẩn trương báo cho nhà trường, tập trung tìm kiếm cháu Huy và phát hiện cháu Huy vẫn ở trên xe đưa đón học sinh của nhà trường (xe đậu tại khuân viên nhà trường) do lái xe không có mặt tại trường nên phải phá cửa xe đưa cháu đi cấp cứu. Khi được đưa tới BVĐK tỉnh cấp cứu, bệnh viện xác định cháu Huy đã tử vong.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thái Bình đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo TP. Thái Bình phối hợp chỉ đạo Phòng Giáo dục thành phố, chính quyền xã Phú Xuân, các cơ quan, đơn vị: kịp thời thăm hỏi, chia sẻ, động viên, hỗ trợ gia đình trẻ bị nạn; phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, nhất là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các trường mầm non tư thục; chỉ đạo chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn trường học, trong đó có công tác đưa đón trẻ bằng phương tiện xe ô tô. Đồng thời, chỉ đạo Trường Mầm non Hồng Nhung 2 làm tốt công tác ổn định tâm lý cho phụ huynh, giáo viên để nhà trường hoạt động bình thường không để ảnh hưởng đến các học sinh khác.

"Đây là nỗi đau cũ, bài học mới và quy trình của tận tâm, lương tâm"

Chia sẻ với PV Báo Sức khoẻ và Đời sống xung quanh vụ việc đau lòng này, PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, đây không phải là sự việc đầu tiên, chúng ta từng bàn thảo và nói về vấn đề này.

"Sự việc xảy ra với cháu bé bị bỏ quên trên xe ôtô rất đau lòng. Nó cũng có thể gợi lại nỗi đau cũ, nếu xử lý không khéo gây khủng hoảng truyền thông mới".

Vụ bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô: 'Bài học cũ nhưng là nỗi đau mới'- Ảnh 2.

PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội).

PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, áp lực giáo dục mầm non khiến phần nào quy trình an toàn bị nới lỏng, thể hiện sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của cả nhà trường, phụ huynh, giáo viên. Trong vụ việc đau lòng trên không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên.

"Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi tới Bộ GTVT đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ quy định một số nội dung về dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôtô, tuy nhiên tôi nghĩ đều chưa đủ vì cần phải rất đặc thù, tham khảo thông lệ của quốc tế. Chúng ta bắt buộc phải có hệ thống cảnh báo phát hiện trẻ ngủ quên ở trên xe, có hệ thống cảnh báo bắt buộc người cung cấp dịch vụ đưa trẻ đến trường phải đi dọc hai hàng ghế, phải tắt thiết bị đó đi thì mới hoàn thành quy trình đóng cửa xe được.

Thậm chí, chúng ta cần tham khảo các quy định, khảo sát tỷ lệ ở các quốc gia khác trong những năm qua và phương pháp ứng dụng công nghệ mới. Họ sử dụng để phòng chống trường hợp này thế nào. Có rất nhiều công nghệ mới như yêu cầu trẻ lên trên xe bắt buộc thắt dây an toàn, dây an toàn nào chưa được mở có cảnh báo luôn ở vị trí chỗ ngồi".

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, ngoài tất cả quy trình trong Luật, cần cân nhắc chặt chẽ hơn đối với các trường hợp đưa đón trẻ mẫu giáo hay tiểu học. "Đây là nỗi đau cũ, bài học mới và quy trình của tận tâm, lương tâm. Điều này không quy định trong luật nhưng làm thế nào để nâng cao được trách nhiệm tận tâm của những người làm dịch vụ giáo dục, đặc biệt cho trẻ nhỏ thì mới là điều chúng ta cần phải làm.

Ngoài ra, mỗi nhà trường, mỗi đầu năm học mới cần rà soát lại một loạt quy trình an toàn như quy trình quản lý ra vào, khách ra vào. Quy trình an toàn xe đưa đón, đậu xe, kiểm tra những trẻ có thể nguy cơ bỏ quên trên xe hay những quy trình liên quan đến an toàn ở những khu sân chơi, khu giải trí, khu thể thao, nhà ăn, bể bơi…

"Chúng ta cần xem xét các quy định về hệ thống giám sát, xem có quy trình thủ tục khẩn cấp hay không, đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường đảm bảo an toàn cho học sinh như thế nào. Trong sự việc này, rõ ràng học sinh không đến lớp, giáo viên cũng không chia sẻ, báo cáo với cha mẹ, đó là việc dẫn đến trẻ bị quên suốt 11 tiếng đồng hồ", PGS.TS. Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Những vụ việc trẻ tử vong thương tâm vì bị bỏ quên trên xe ôtô

Vụ việc một em nhỏ 5 tuổi bị bỏ quên trên xe ôtô suốt cả ngày đã tử vong vừa xảy ra hôm qua, 29/5 tại Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (trụ sở tại xã Phú Xuân, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Trước đó, tháng 8/2019, vụ việc đau lòng tương tự đã diễn ra tại Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi một học sinh lớp 1 đã tử vong do bị quên trên xe ôtô từ sáng tới chiều.

Cũng trong năm 2019, tiếp tục xảy ra vụ một cháu bé 3 tuổi ở Bắc Ninh đã bị bỏ quên trên ôtô đưa đón từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Trường hợp này, cháu bé đã may mắn được cứu sống.

Tháng 6/2020, một nam sinh lớp 4 trường tiểu học Nam Từ Liêm bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón học sinh. May mắn, cháu bé tỉnh dậy, đập cửa, nhờ người dân trợ giúp đưa ra ngoài.

Tháng 9/2020, một học sinh lớp 3 của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm bị bỏ quên trên xe đưa đón. Do đã được nhà trường hướng dẫn cách thoát hiểm trên ôtô nên học sinh này đã tự mở cửa xe để đi vào trường.

Tháng 6/2023, một học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Archimedes (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị bỏ quên trên xe đưa đón khi đi dã ngoại nhưng may mắn đã được trường phát hiện sớm.

Chuyên gia hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm trên ôtô khi cửa đã khóaChuyên gia hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm trên ôtô khi cửa đã khóa

SKĐS - Vụ việc một trẻ mầm non ở Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên ôtô đưa đón học sinh đang khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Để giúp trẻ thoát hiểm khi một mình trên xe đã khóa cửa, cha mẹ cần trang bị kiến thức gì cho con?


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn