Hà Nội

Vòng xoắn bệnh lý

01-05-2012 07:27 | Bệnh thường gặp
google news

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy: tăng huyết áp (THA) gây suy thận và ngược lại, suy thận lại gây THA. Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát được huyết áp để tránh bị suy thận. Đồng thời cần điều trị tốt suy thận mới hạn chế được THA.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy: tăng huyết áp (THA) gây suy thận và ngược lại, suy thận lại gây THA. Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát được huyết áp để tránh bị suy thận. Đồng thời cần điều trị tốt suy thận mới hạn chế được THA.

THA và suy thận tác động lẫn nhau

Tình trạng THA cao và kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp tăng cao còn phá hủy bộ lọc ở cầu thận, dẫn đến hậu quả là thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài. Nước ứ thừa ở trong hệ mạch máu ngày một nhiều làm huyết áp lại càng tăng cao hơn. Do đó, THA là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn.

Trong cơ thể, thận có chức năng giữ cho huyết áp được ổn định. Nhưng khi thận bị tổn thương, khả năng điều hòa huyết áp suy giảm làm cho huyết áp tăng cao. Nếu bạn bị suy thận, bệnh THA làm cho bệnh thận của bạn càng tăng nặng. Như vậy, THA có thể là một biến chứng của suy thận mạn. Nếu rơi vào tình trạng này, bạn cần thực hiện đúng chỉ định điều trị của bác sĩ nhằm kiểm soát huyết áp ở mức cho phép, kìm hãm tốc độ tổn thương thận và phòng tránh bệnh lý tim mạch bởi THA còn gây tổn thương tim.

Cách ngăn chặn và điều trị suy thận?

Khi đã bị THA thì nguy cơ bị suy thận là khá cao. Người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế để được làm thêm các xét nghiệm nhằm đánh giá chức năng thận và tổn thương của các cơ quan khác.

Khi đã được chẩn đoán THA, được bác sĩ điều trị theo phác đồ, người bệnh ngoài việc tự theo dõi HA bằng cách đo huyết áp tại nhà và ghi vào sổ theo dõi, còn cần phải nghiêm túc tuân thủ khám định kỳ để đánh giá chức năng thận và các cơ quan khác,... Giai đoạn này ngoài các xét nghiệm đánh giá mức độ suy thận, bạn còn được đo lượng kali trong máu, vì khi thận bị suy, lượng kali có thể tăng cao trong máu, rất nguy hiểm cho trái tim. Mặt khác, một số loại thuốc điều trị THA và suy thận cũng có thể làm tăng lượng kali. Bác sĩ sẽ chỉ định thực đơn ăn kiêng cho bạn nếu lượng kali trong máu bạn tăng cao.

Điều trị thế nào nếu bị cả THA và suy thận?

Mục tiêu điều trị cần đạt được là: kiểm soát huyết áp dưới 130/80mmHg; ngăn chặn thận không bị tổn thương nặng thêm; giảm nguy cơ bị bệnh tim. Để đạt được những mục tiêu này, người bệnh cần tuân thủ theo một phác đồ điều trị phù hợp với bệnh suy thận.

Bạn cũng cần kết hợp ăn kiêng và thực hiện một lối sống phù hợp với giai đoạn suy thận. Nếu ở giai đoạn 1 - 2, bạn ăn chế độ nhiều trái cây, rau, bơ sữa; ở giai đoạn 2 - 3, bạn cần phải ăn nhạt mỗi ngày, giảm chất béo và cholesterol vì chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim; giai đoạn 3 - 4, để hạn chế những bệnh về xương, bạn cần kiểm soát lượng protein, ăn rất ít thức ăn chứa nhiều phốtpho (vì nó sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh về xương) như sữa, phomát, sữa chua, bia, coca; giảm lượng kali trong bữa ăn. Ngoài ra, bạn cần phải giảm cân nếu đang béo quá; nên tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày; không uống rượu, bia; không hút thuốc lá. Dùng thuốc điều trị THA phối hợp từ 2 loại trở lên kèm theo thuốc lợi tiểu. Bạn không được tự ý bỏ thuốc, không kiểm soát huyết áp là nguy hiểm vẫn rình rập bạn vì THA là “kẻ giết người thầm lặng”.   

 

Những xét nghiệm cần làm gồm:

- Xét nghiệm creatinine máu để đánh giá mức lọc máu cầu thận (GFR), từ đây có thể biết chức năng thận của bạn, nếu GFR quá thấp, nghĩa là thận không còn khả năng loại bỏ các chất thải độc hại và nước dư thừa trong máu.

- Xét nghiệm nước tiểu xem có protein không, khi có protein trong nước tiểu là một dấu hiệu cho thấy thận đã bị tổn thương, lượng protein càng cao chứng tỏ thận bị tổn thương càng nặng.

- Nếu đã bị suy thận thì bên cạnh xét nghiệm kiểm tra GFR và protein nước tiểu, cần phải làm thêm các xét nghiệm: siêu âm để kiểm tra thận xem có vấn đề gì bất thường về kích cỡ, cấu trúc hoặc có tắc nghẽn; điện tâm đồ kiểm tra chức năng tim; xét nghiệm glucose, lipid (mỡ, cholesterol) trong máu; kiểm tra cân nặng và chiều cao để tính chỉ số khối cơ thể (BMI: body mass index).

 BS. Phạm Trần Linh


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn