Hà Nội

Việt Nam không áp dụng biện pháp 'phong sát, cấm sóng' các nghệ sĩ vi phạm

05-05-2023 15:32 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một số nước đã áp dụng các biện pháp như "phong sát", "cấm sóng" nghệ sĩ có vi phạm về pháp luật, đạo đức lối sống hay thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT Lê Quang Tự Do cho biết, các biện pháp "phong sát", "cấm sóng" nghệ sĩ không phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ngày 5/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của bộ, của ngành Thông tin truyền thông trong tháng 4/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của bộ trong thời gian tới.

Đồng thời,  trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của bộ, của ngành Thông tin truyền thông đang được báo chí và dư luận quan tâm.

Việt Nam không áp dụng biện pháp 'phong sát, cấm sóng' các nghệ sĩ vi phạm  - Ảnh 1.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ TTTT và Bộ VHTTDL đã thống nhất không dùng từ "phong sát" mà sử dụng từ "hạn chế hình ảnh". Ảnh: Bộ TT&TT

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về quy định liên quan đến việc xử lý các trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng có các vi phạm, hành vi lệch chuẩn trên môi trường mạng, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH-TTĐT) cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã áp dụng các biện pháp như "phong sát", "cấm sóng" nghệ sĩ có vi phạm về pháp luật, đạo đức lối sống hay thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, Việt Nam không áp dụng các biện pháp này.

"Phong sát" là từ có nguồn gốc tiếng Trung. Trong đó, phong tạm hiểu là phong tỏa, sát nghĩa là giết hại. Tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, "phong sát" được sử dụng khi một người bị cấm hoặc phong tỏa để ngăn họ tiếp tục xuất hiện trong một lĩnh vực nhất định. Các cụm từ đồng nghĩa với "phong sát" là tẩy chay, cấm sóng.

Ông Lê Quang Tự Do cho hay, Bộ chưa bao giờ nói sẽ triển khai "phong sát" hay cấm sóng nghệ sĩ. Trong cuộc họp báo cuối năm 2022, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã nói rõ, qua nghiên cứu cho thấy, các nước gần chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc có các cách xử lý nghệ sĩ lệch chuẩn như tẩy chay, "phong sát", cấm sóng. 

Tuy nhiên, áp dụng vào trường hợp Việt Nam, Bộ TT&TT và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã thống nhất không dùng từ "phong sát" mà sử dụng từ "hạn chế hình ảnh".

"Từ trước đến giờ, tôi chưa nói "phong sát", cấm sóng nghệ sĩ. Mà chúng tôi, Bộ TT&TT, luôn nói là sẽ "hạn chế hình ảnh" trên các phương tiện phát thanh truyền hình, báo chí, mạng xã hội, các chương trình biểu diễn... đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng có những hành vi lệch chuẩn, sai phạm", ông Do nói.

Ông Tự Do lý giải "không dùng từ 'phong sát', 'cấm' vì khi đưa những khái niệm này vào các hướng dẫn xử lý liên quan đến quy phạm pháp luật, phải được đưa vào luật". Theo luật, để cấm hoạt động của công dân phải đưa vào trong luật. Do đó, chưa thể nói đến việc “cấm sóng” hay “cấm xuất hiện” trên mạng hay trên truyền thông.

Đại diện Cục PTTH-TTĐT cũng thông tin thêm, hiện Bộ VHTT&DL đã hoàn thành việc xin ý kiến các cơ quan ban ngành liên quan với “Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức xã hội ”. Hiện tại, việc xây dựng quy trình đã đến công đoạn chỉnh sửa hoàn thiện.

Việc ban hành Quy trình quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức xã hội do Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT. “Bởi lẽ, việc quản lý nghệ sĩ là chức năng nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL, tuy nhiên, ở trên môi trường báo chí, môi trường mạng thì liên quan đến Bộ TT&TT nên cần có sự phối hợp chặt chẽ của  Bộ”, đại diện Cục PTTH-TTĐT lý giải.

Về kế hoạch thanh tra toàn diện Tiktok, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT&TT đã gửi công văn cho các Bộ, ngành liên quan để cử người, có đề cương kiểm tra. Dự kiến sẽ làm việc từ 15/5 đến hết tháng 5.


Như Hoa (t/h)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn