Trong các ngày từ 21 - 23/8/2013, đoàn công tác phối hợp của các tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam gồm Trưởng đại diện WHO, UNFPA, UNICEF, UNAIDS, FAO, IOM và WB cùng đại diện của Chính phủ Việt Nam gồm lãnh đạo Bộ Y tế do PGS. TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc miền núi... đã có chuyến làm việc tại tỉnh Ninh Thuận nhằm đánh giá hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tại tỉnh Ninh Thuận và đánh giá các chương trình, dự án y tế do các tổ chức LHQ và các đối tác phát triển đang thực hiện tại địa phương này.
Đây là nỗ lực của các tổ chức LHQ tại Việt Nam trong sáng kiến Một Liên hợp quốc cùng với các cơ quan của Chính phủ để thực hiện cam kết hợp tác và điều phối chặt chẽ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế do Liên hợp quốc hỗ trợ cho lĩnh vực y tế. Đoàn công tác của Chương trình Một Liên hợp quốc nhận thấy đây là một kinh nghiệm quý báu cho các tổ chức quốc tế đang làm việc tại Việt Nam.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Trạm y tế xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận.
Đoàn đã có chương trình làm việc với UBND tỉnh, Sở Y tế và các sở ban ngành liên quan của tỉnh, thăm và làm việc tại bệnh viện đa khoa tỉnh, một số trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã và các hộ nhà dân tại các huyện khó khăn của tỉnh Ninh Thuận.
Thay mặt Nhóm Điều phối Chương trình Y tế LHQ, Trưởng đại diện của UNFPA và WHO đã bày tỏ ấn tượng trước những kết quả quan trọng mà tỉnh đã đạt được đối với một số chỉ tiêu y tế then chốt và những nỗ lực của tỉnh trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là việc bệnh viện tỉnh sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ mới vừa được đưa vào sử dụng vào tháng 10 năm ngoái đã góp phần tích cực vào tăng cường chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương. Đồng thời, theo các tổ chức LHQ, Sở Y tế Ninh Thuận đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo nguồn nhân lực y tế có chất lượng và bền vững cho địa phương.
Theo đánh giá của Trưởng đại diện UNFPA và WHO, Việt Nam được biết đến với một hệ thống y tế cơ sở vững mạnh. Điều này đã mang lại những thành tựu to lớn về y tế trong những năm qua, bao gồm việc thực hiện đúng tiến độ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế, trong đó bao gồm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.
Các tổ chức LHQ cũng ấn tượng trước việc hệ thống y tế đã cung ứng dịch vụ cho đại đa số người dân, đặc biệt cho nhóm đồng bào dân tộc miền núi, vùng khó khăn và các hộ nghèo. Tại Ninh Thuận, mô hình Cô đỡ thôn bản được triển khai tốt đã góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ dân tộc Chăm và Rắc Lây. Các tổ chức LHQ cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục tìm ra các giải pháp để đưa dịch vụ y tế tiếp cận được với các nhóm dễ bị tổn thương nhằm giảm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế trên toàn quốc. Đồng thời, các tổ chức LHQ và các đối tác phát triển đã trao đổi về vai trò của công tác lập kế hoạch và của hệ thống thông tin y tế trong quá trình hoạch định chính sách.
Cơ cấu bệnh tật ở Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Các thay đổi này yêu cầu hệ thống y tế phải thiết kế lại phương thức cung cấp dịch vụ y tế cho phù hợp với mô hình bệnh tật thay đổi. Đồng thời, theo khuyến cáo của đoàn công tác, hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng cho cộng đồng, bao gồm việc quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, góp phần vào giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
TS. Trần Thị Giáng Hương
(Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế)