Do nằm ở ngay vị trí cửa ngõ giữa đường ăn uống và đường thở nên Amidan rất dễ viêm nhiễm mỗi khi có sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm, khói bụi, hóa chất, vệ sinh miệng họng kém, cơ thể suy giảm sức đề kháng,… Bệnh có thể tiến triển cấp tính hay mạn tính, trong đó thường gặp là viêm Amidan hốc mủ.
Viêm Amidan hốc mủ là gì?
Amidan có chức năng sản sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể chống các vi khuẩn xâm nhập qua đường ăn và đường thở. Tuy nhiên do có cấu trúc nhiều hốc, ngăn nên giống như một hạch bạch huyết nghĩa là có nhiều múi, chia nhiều ngăn tạo thành các hốc nên thức ăn và vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm. Vi khuẩn khi xâm nhập ẩn náu lâu ngày trong các hốc Amidan tạo nên các khối mủ bã đậu, vón cục. Do hoạt động của các cơ họng khi nhai nuốt cùng sự cọ xát của thức ăn khi đi qua thành họng, các kén mủ trong hốc Amidan bật ra có hình dạng như những hạt tấm màu trắng xanh như mủ và có mùi hôi.
Người bệnh cần phải được thầy thuốc chuyên khoa tai - mũi - họng khám và có chỉ định điều trị phù hợp. Ảnh: H. Hải
|
Triệu chứng khi bị viêm Amidan hốc mủ
Khi bị viêm Amidan hốc mủ, người bệnh có biểu hiện đau họng, rát họng, có thể sốt hoặc không, hoặc có cảm giác hơi ngây ngấy sốt; Có đờm vướng trong cổ, rất khó khạc hoặc nuốt; Hơi thở hôi; Thỉnh thoảng khi ho, hắt hơi khạc ra những hạt nhỏ màu trắng xanh như hạt tấm, có mùi rất hôi;…
Viêm Amidan hốc mủ nếu không được điều trị tốt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như thấp tim, viêm cầu thận, viêm khớp,…
Điều trị và phòng ngừa như thế nào?
Đối với viêm Amidan mạn tính, chủ yếu là viêm Amidan hốc mủ, người bệnh thường được áp dụng biện pháp điều trị là phẫu thuật cắt amidan. Chỉ định cắt amidan được đặt ra trong những trường hợp sau: Viêm amidan từ 3 - 5 lần một năm trong hai năm liên tiếp; gây hơi thở hôi do vi khuẩn yếm khí Weillon; biến chứng tại chỗ như viêm tấy, áp-xe quanh amidan; có các biến chứng viêm xoang, viêm thanh khí phế quản; biến chứng toàn thân như viêm cầu thận, thấp tim, thấp khớp cấp,... Tuy nhiên phải được thầy thuốc chuyên khoa tai - mũi - họng khám và đánh giá cụ thể trên từng bệnh nhân để có được quyết định chính xác.
Để phòng ngừa bệnh viêm Amidan hốc mủ cần luôn chú ý giữ sức khỏe tốt, nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng của cơ thể bằng rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao; Giữ vệ sinh răng miệng, mũi, họng bằng cách đánh răng sau khi ăn, súc họng bằng nước muối ấm; Tránh dùng nước đá quá nhiều và ra vào phòng lạnh đột ngột, nhất là khi nhiệt độ ngoài môi trường cao; Nên dùng khẩu trang tránh bụi khi làm việc những nơi có mức độ ô nhiễm cao; Khi có biểu hiện viêm Amiđan cấp cần đi khám và điều trị dứt điểm.
Bác sĩ Trọng Nghĩa