Tối 19/4, Trường Trung cấp kỹ thuật Tăng thiết giáp vận chuyển hai xe tăng T-54 mang số hiệu 822 và 173 đến sân vận động Mỹ Đình để phục vụ chương trình chính luận nghệ thuật "Hẹn ước Bắc - Nam" diễn ra vào tối 22/4. Cả hai xe được phủ bạt kín khi vận chuyển và được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi hạ tải nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và chuẩn bị.
Dù đã có nhiều năm sử dụng, xe tăng T-54 vẫn giữ tính ổn định và cơ động cao. Theo chia sẻ từ kíp lái, mỗi xe nặng khoảng 36 tấn, vận hành bởi tổ lái gồm 4 người: trưởng xe, lái xe, nạp đạn và pháo thủ.

Tối 19/4, 2 xe tăng T-54 được vận chuyển đến sân vận động Mỹ Đình để chuẩn bị cho chương trình chính luận nghệ thuật "Hẹn ước Bắc - Nam" diễn ra vào tối 22/4.
Lý giải việc lựa chọn xe tăng T-54, Đại tá Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, nhấn mạnh đây là loại xe tăng có dấu ấn lịch sử đặc biệt trong quá trình chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. T-54 là loại xe tăng chủ lực của lực lượng Tăng thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam, từng tham gia nhiều trận đánh lớn, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh. Sự xuất hiện của T-54 không chỉ mang yếu tố kỹ thuật mà còn mang tính biểu tượng: biểu tượng của chiến thắng, của sức mạnh quân đội nhân dân, và của khát vọng độc lập, thống nhất non sông.
Theo Đại tá Tú, trong chương trình, xe tăng tiến vào sân khấu không đơn thuần là đạo cụ mà là một phần tạo dựng không gian lịch sử. Hình ảnh “cua thép” tiến vào giữa sân khấu tượng trưng cho sự chi viện chiến lược từ miền Bắc vào Nam, cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta. Đây là cách để khán giả, đặc biệt là giới trẻ, không chỉ nghe mà còn nhìn thấy, cảm nhận được khí thế và gian khổ của những năm tháng chiến tranh. "Chúng tôi không muốn lịch sử chỉ nằm trong sách vở hay lời kể. Chúng tôi muốn nó sống lại trên sân khấu, thật và xúc động", ông nói.


Chương trình "Hẹn ước Bắc - Nam" là điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, với sân khấu thực cảnh quy mô lớn, kết hợp âm nhạc, hình ảnh lịch sử và công nghệ trình diễn hiện đại.
Quá trình đưa xe tăng vào sân Mỹ Đình cũng đặt ra nhiều thách thức. Mặt sân được thiết kế bằng bê tông nhựa mềm để phục vụ điền kinh, không chịu được tải trọng xe tăng. Ban tổ chức phải dùng các thanh ghi của đường băng dã chiến để tạo lối đi riêng biệt, đảm bảo không làm hư hỏng mặt sân. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị như Tăng thiết giáp và Quân chủng Phòng không – Không quân.
Sân khấu chương trình được xây dựng trên diện tích 2.700 mét vuông, chia thành hai khối thể hiện hai miền Bắc – Nam, nối với nhau bằng hình ảnh cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Trong bối cảnh đó, xe tăng T-54 xuất hiện như một mắt xích không thể thiếu trong dòng chảy tái hiện lịch sử, góp phần khắc họa hành trình gian khổ nhưng hào hùng để đi tới hòa bình, thống nhất.
Chương trình "Hẹn ước Bắc - Nam" diễn ra lúc 20h10 ngày 22/4 tại sân vận động Mỹ Đình, quy tụ 800 nghệ sĩ, dự kiến đón hơn 14.000 khán giả và được truyền hình trực tiếp trên kênh Quốc phòng Việt Nam. Đây là hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, kết hợp chính luận – nghệ thuật, tư liệu lịch sử, âm nhạc và công nghệ trình diễn hiện đại.
Xem thêm video được quan tâm:
Ấn tượng màn tổng hợp luyện lần cuối ở sân bay Biên Hòa trước khi hội quân ở TP.HCM.