Thiên Lương là dịch giả mà những năm gần đây liên tục cho ra đời các bản dịch lớn của những đại văn hào như Vladimir Nabokov, James Joyce, Oscar Wilde.
Theo lời dịch giả, thì mặc dù là một người mê văn chương Vladimir Nabokov, đã dịch 5 tiểu thuyết (Lolita; Pnin; Mashenka; Phòng thủ Luzhin; Những thứ trong suốt) và 51 truyện ngắn của ông (in trong 3 tập Mỹ nhân Nga; Mây, hồ, tháp; Thanh âm), nhưng Gatsby vĩ đại vẫn có sức hấp dẫn lớn không chỉ vì sự nổi tiếng của nó hay vì bộ phim tuyệt vời cùng tên với Leonardo DiCaprio trong vai Gatsby, mà còn vì một thắc mắc hết sức cá nhân: Rốt cuộc trong câu chuyện ngoại tình có vẻ rất tầm thường ấy, với một cái chết không thể vô nghĩa hơn của nam chính, làm sao có thể che giấu được nhân vật nào mà vĩ đại đến mức hàng trăm triệu người trên toàn thế giới và thuộc đủ quốc tịch phải say mê, thậm chí tôn thờ (như nhà văn Murakami, một trong các tác giả lớn nhất của Nhật, ứng cử viên hàng đầu của giải Nobel văn chương nhiều năm nay, còn để cuốn sách lên “ban thờ” [một cách nói ẩn dụ] nhà mình suốt 30 năm trời trước khi thấy đủ can đảm “mang” nó xuống để dịch qua tiếng mẹ đẻ.)
Gatsby vĩ đại của F. Scott Fitzgerald
Tuy nhiên chính F. Scott Fitzgerald, tác giả Gatsby vĩ đại, lại không biết cuốn sách của mình sẽ thành công đến thế, do trước khi ông qua đời, vào năm 1940, khi mới 44 tuổi, vì một cơn đau tim, chỉ có chưa đến 25 ngàn bản được bán tại Mỹ.
Sau khi F. Scott Fitzgerald qua đời, cuốn sách mới bắt đầu được chú ý đến. Vào mùa xuân năm 1942, chỉ vài tháng sau khi Mỹ tham gia Đệ nhị Thế chiến, một Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ đã lập ra Hội đồng sách thời chiến với mục đích chọn sách để phát cho quân nhân. Gatsby vĩ đại là một trong các cuốn được chọn và chỉ sau đó vài năm đã có 155 ngàn bản được đưa ra chiến trường cho các quân nhân.
Và đến ngày nay đã có khoảng 30 triệu bản Gatsby vĩ đại được bán ra trên khắp thế giới. Mỗi năm lại có thêm khoảng nửa triệu bản được bán ra, với nhiều bản dịch bằng các thứ tiếng khác nhau. Tác phẩm này còn được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông của Mỹ, như một trọng điểm văn hóa đại chúng Mỹ.
Khi đến Việt Nam, cuốn sách này gây tranh cãi từ ngay chính nhan đề. Bản gốc tiếng Anh là The Great Gatsby, nhưng nhiều người dịch không chịu chấp nhận nghĩa này của bản gốc và tự chuyển nó qua cách hiểu của mình, ví dụ như Đại gia Gatsby (giữ được chữ Đại, nhưng lại với một cái nghĩa khác hẳn). Theo lời nhiều người thì với một cuộc sống như vậy – buôn lậu, ngoại tình, ăn chơi, giả mạo,… thì Gatsby không thể là một nhân vật vĩ đại được, chỉ có thể là một đại gia. Và đại gia ở đây có mang nghĩa xấu hay không thì cũng không thấy ai nói rõ.
Để hiểu được Gatsby vĩ đại, cần phải đặt Gatsby ở dưới lăng kính quan sát cái tôi phương Tây. Dưới lăng kính này, Gatsby hiện ra không phải là một nhà giàu xổi, một tay buôn lậu, mà là một con người kiên cường, dám thách thức với số phận, mong đổi thay được dĩ vãng.
Gatsby nỗ lực đi từ giai cấp bình dân xuất thân lên giới thượng lưu không phải để hoà hợp, sống dài lâu và an nhàn trong sự giàu có, mà trái lại, để thách thức nó. Nàng Daisy mà Gatsby yêu thật ra không đơn thuần chỉ là một cô gái giàu có xinh đẹp, mà là một biểu tượng chiến thắng, chiến thắng chính mình, chiến thắng dĩ vãng, chiến thắng số phận.
Nếu đoạt lại được Daisy từ Tom, chồng nàng, tức là Gatsby đã một mình chiến đấu và chiến thắng toàn bộ tầng lớp thượng lưu lâu đời mà chính Daisy là một đại diện hoàn hảo: xinh đẹp, thờ ơ, sặc mùi tiền. Giai cấp thượng lưu sống thờ ơ, vô cảm, chối bỏ trách nhiệm và điều đáng sợ là cái ác của họ rất hồn nhiên vì họ còn không biết như thế là ác. Họ sống vô tâm đến tàn nhẫn, vô tâm không chỉ với người ngoài mà cả với nhau.
Gatsby yêu Daisy, trong khi hoàn toàn ý thức được sự trống rỗng của nàng, bởi vì tình yêu của Gatsby vĩ đại và cao thượng hơn chính đối tượng của nó, bởi vì tình yêu ấy gửi gắm hoài bão cả đời của Gatsby. Đó là hoài bão chinh phục và chiến thắng. Gatsby vĩ đại vì tầm cỡ giấc mơ của mình, vì những nỗ lực và hy sinh cho giấc mơ ấy.
Nếu nhìn nhân vật Gatsby dưới lăng kính như vậy, chúng ta có thể thấy đó không phải là một lãng tử lụy tình, mà là một anh hùng đúng nghĩa. Gatsby, giống như một anh hùng trong các bi kịch Hy Lạp, dẫu thất bại, nhưng trong tư thế chiến đấu đầy bi tráng vì giấc mơ đơn độc. Và đó cũng là giấc mơ của hàng triệu người khác, không chỉ trong thời đại Jazz vàng son của nước Mỹ.
Ngoài tính anh hùng ca của chủ đề chung thì kỹ thuật viết siêu đẳng của F. Scott Fitzgerald, với cấu trúc 9 chương đậm chất nhạc tính và những thủ pháp xây dựng nhân vật vô cùng tinh tế đã làm cho Gatsby vĩ đại trở thành một trong các tiểu thuyết hàng đầu, nếu như không muốn nói là số Một, của nền văn chương Mỹ. Dĩ nhiên nó không dễ đọc với độc giả Việt Nam, nhưng sẽ cho chúng ta thấy một cánh cửa rộng mở tới một nền văn hóa khác, tới những cánh đồng mênh mông khác dưới bầu trời chung, nhưng vẫn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, tình yêu và hận thù của những phận người.