Vị Giáo sư gắn bó với cả 2 lĩnh vực đào tạo và y tế

19-11-2022 16:37 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - "Để đào tạo được bác sĩ, dược sĩ và các nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu trong chăm sóc sức khỏe, người thầy trong trường đại học y dược phải hội đủ điều kiện, phẩm chất và năng lực của cả người thầy giáo lẫn người thầy thuốc...", GS.TS. Lê Quan Nghiệm trải lòng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thủ tướng: Có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của học sinhThủ tướng: Có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của học sinh

SKĐS - Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết với nghề; có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh...

Bộ GD&ĐT vừa có quyết định trao tặng Bằng khen cho 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. Lê Quan Nghiệm, Giảng viên cao cấp Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh - một trong hai nhà giáo ngành y được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

GS.TS. Lê Quan Nghiệm nói: "Nhận danh hiệu nhà giáo tiêu biểu trong dịp này đặc biệt có ý nghĩa vì các mốc thời gian và độ dài 40 năm cũng gần trùng khớp với thời điểm tôi đã bắt đầu và chuẩn bị kết thúc công tác, đánh dấu quá trình và kết quả công việc của mình. Đó cũng là sự ghi nhận những đóng góp thầm lặng, bền bỉ của nhà giáo các cấp trong hoạt động giáo dục đào tạo, là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn, kịp thời đối với họ".

- Với cương vị là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM kiêm Trưởng khoa Dược và Trưởng Bộ môn Bào chế, Giáo sư có thể chia sẻ những niềm vui cũng như trăn trở khi vừa là một nhà quản lý lại vừa là một giảng viên ngành y dược?

Vị Giáo sư gắn bó với cả 2 lĩnh vực đào tạo và y tế - Ảnh 2.

GS.TS. Lê Quan Nghiệm - một trong hai nhà giáo ngành y được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT năm 2022.

GS.TS. Lê Quan Nghiệm: Tôi có cái "duyên" và cũng là niềm hạnh phúc vì được học tập, được phát triển và gần như đã trọn đời gắn bó với Khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM, gắn với cả 2 lĩnh vực đào tạo và y tế.

Công tác đào tạo trong lĩnh vực y dược học phù hợp với thiên hướng, với lý tưởng và phong cách cá nhân của tôi. Điều đó đã tạo động lực và niềm vui giúp tôi gắn bó với nghề nghiệp, thực hiện nhiệm vụ với sự chủ động, tận tâm, trách nhiệm, có hiệu quả.

Theo nhận thức của tôi, sự nghiệp và kết quả đào tạo là công việc của cả tập thể, của nhiều thế hệ nhà giáo, của môi trường giáo dục trong nhà trường nên khi trở thành người quản lý tôi quan tâm trước hết là xây dựng phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng môi trường sư phạm, môi trường văn hóa và học thuật trong nhà trường.

Đội ngũ giảng viên đủ phẩm chất, đủ năng lực, đoàn kết, hợp tác, trong môi trường sư phạm, văn hóa và học thuật sẽ trở thành bộ máy đồng bộ, cốt lõi cho công tác đào tạo. Các mục tiêu này phải được thực hiện liên tục để quá trình đào tạo luôn được phát triển và bền vững.

Sự băn khoăn và trăn trở của tôi cũng chính trong các vấn đề này vì thực trạng đội ngũ giảng viên, điều kiện của môi trường chưa như ý trong khi nguồn lực của nhà trường còn quá hạn chế. Trong đội ngũ giảng viên sự nhận thức chưa đồng bộ, những biểu hiện vị kỷ, cá nhân, thiếu hợp tác vẫn thỉnh thoảng phát sinh tạo tác động nhất định đến môi trường sư phạm.

- Theo quan điểm của cá nhân ông, người thầy trong trường đại học y dược có gì khác biệt so với thầy cô ở môi trường khác?

GS.TS. Lê Quan Nghiệm: Cả đào tạo lẫn chăm sóc sức khỏe đều là lĩnh vực thiết yếu, đều liên quan trực tiếp đến con người, là những lĩnh vực tác động vô cùng to lớn trong xã hội. Đại học Y Dược TP. HCM, tập thể nhà giáo trong nhà trường được giao sứ mạng đào tạo nhân lực y tế, đào tạo chuyên sâu góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đặc điểm của ngành nghề, yêu cầu chất lượng trong đào tạo, yêu cầu phẩm chất và năng lực đối với người hành nghề chăm sóc sức khỏe trong tương lai đã tạo gánh nặng trách nhiệm, áp lực rất lớn đối với công tác đào tạo trong nhà trường.

Để đào tạo được bác sĩ, dược sĩ và các nhân lực y tế khác đáp ứng yêu cầu trong chăm sóc sức khỏe, người thầy trong trường đại học y dược phải hội đủ điều kiện, phẩm chất và năng lực của cả người thầy giáo lẫn người thầy thuốc, gồm cả phẩm chất, y đức, năng lực chuyên môn, thực hành nghiệp vụ, phong cách, thái độ làm việc khoa học, chuyên nghiệp và chuẩn mực.

Chia sẻ của một giảng viên ngành y dược trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Ảnh 3.

GS.TS. Lê Quan Nghiệm chụp ảnh cùng thầy cô và sinh viên Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TP.HCM trong buổi sinh hoạt Khoa học với chủ đề “Tài sản trí tuệ, tài sản vô hình trong hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực Dược”.

- Hạnh phúc của những người thầy là có được những lứa học trò thành đạt, điều này có lẽ cũng không ngoại lệ với Giáo sư?

GS.TS. Lê Quan Nghiệm: Đúng vậy. Đối với người làm thầy, theo tôi, thành quả có ý nghĩa nhất chính là sự thành đạt, sự phát triển của các học trò, của thế hệ đi sau. Thành đạt của người học là minh chứng cho thành công của hệ thống nhà trường, của thầy, cô giáo các cấp, trong đó có thể có những người thầy đã tạo được dấu ấn có tính quyết định đối với cuộc đời, sự thay đổi, sự thành đạt của học trò.

Là giảng viên trong lĩnh vực y dược tôi có cơ hội nắm bắt thông tin, chứng kiến và tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp thành đạt trong ngành, những người từng là sinh viên, là học trò của mình thuộc rất nhiều khóa khác nhau. Những cuộc gặp lại sau ngày ra trường, những dấu ấn dù rất nhỏ, rất âm thầm nhưng đã được nhắc lại, đây quả thực là niềm hạnh phúc mà chỉ người làm thầy, những nhà giáo mới có được.

- Dường như thế hệ sinh viên ngành y bây giờ chịu nhiều tác động hơn trong quá trình học tập. Ngoài truyền đạt kiến thức chuyên môn, theo Giáo sư, thầy cô giáo cần phải truyền đạt thêm những gì để giúp các em gắn bó và yêu nghề hơn?

GS.TS. Lê Quan Nghiệm: Chúng ta không cần quá lo lắng vì sinh viên chịu nhiều tác động trong quá trình học tập, đây là quy luật tất yếu vì sinh viên đang sống trong bối cảnh xã hội thực. Các tác động luôn có điều tích cực, có điều còn mới, lạ gây lo lắng nhưng nhìn chung bối cảnh xã hội thực hiện nay đang thay đổi theo xu hướng ngày tốt đẹp hơn, phát huy vai trò chủ động và sáng tạo của cá nhân. Trong tình huống này điều quan trọng là hoạt động, giải pháp trong giáo dục, đào tạo cũng phải đổi mới để thích nghi, phù hợp, đạt hiệu quả và mục tiêu đào tạo.

Về giải pháp để giúp sinh viên gắn bó và yêu nghề, tôi nghĩ rằng ngoài những tình huống đặc biệt do ảnh hưởng của truyền thống, gia đình, các sự cố trong đời sống dẫn đến mục tiêu ngành nghề, động lực học tập của cá nhân được xác định rất sớm, còn lại đối với đa số người học, chúng ta phải nhất quán với quan điểm lấy người học làm trung tâm, người học là chủ thể quyết định tương lai và quá trình của mình. Do đó, để có thể hướng người học vào nghề cần khơi dậy sự tò mò, sự quan tâm, sự thích thú, tiến đến có cảm hứng, yêu thích từ đó hình thành nhu cầu và động lực cho bản thân người học.

Sự hướng nghiệp, người thầy cần hỗ trợ, khơi gợi, dẫn dắt, giúp đỡ để sinh viên xây dựng, xác định nhu cầu và động lực của mình. Chính nhu cầu và động lực của bản thân mới thúc đẩy cá nhân gắn bó với ngành nghề và tiến tới yêu nghề trong quá trình hoạt động.

- Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chắc hẳn Giáo sư chất chứa nhiều cảm xúc cũng như những lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang theo học ngành y dược?

GS.TS. Lê Quan Nghiệm: Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi bày tỏ lòng tri ân đối với tất cả quý thầy, cô giáo bậc tiểu học ở làng quê vùng Bình Đại, Bến Tre; quý thầy, cô giáo Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho; quý thầy, cô giáo Đại học Y Dược TP.HCM. Xin cảm ơn tất cả quý thầy, cô giáo đã đóng góp cho sự thành đạt, phát triển của học trò và các thế hệ đi sau.

Đối với các bạn sinh viên ngành y dược, tôi xin chúc mừng vì các bạn đã chọn ngành nghề mang tính nhân văn nhất là điều trị bệnh tật, chăm sóc nâng cao sức khỏe vì hạnh phúc của con người. Tôi mong các bạn học tập, rèn luyện thật tốt trong nhà trường để trở thành người thầy thuốc giỏi y thuật, tiêu biểu về y đức, là những hạt nhân đoàn kết trong xây dựng, phát triển đội ngũ thầy thuốc của mình trong hành nghề. Đối với người thầy thuốc, chúng ta luôn có những người thầy trong suốt cuộc đời của mình.

- Xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Lê Quan Nghiệm!
2 nhà giáo ngành y được công nhận nhà giáo tiêu biểu2 nhà giáo ngành y được công nhận nhà giáo tiêu biểu

SKĐS - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định tặng Bằng khen cho 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.


Đỗ Vi (thực hiện)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn