Văn hóa "Phượt" - Nhìn từ hai phía

11-10-2010 15:10 | Văn hóa – Giải trí

"Phượt" là một động từ hiếm và khá lạ đối với những người lớn tuổi. Nó được dùng để chỉ một hành động mau lẹ xảy ra trước mắt chúng ta. Tuy nhiên, hiện nay "phượt" lại là một từ khá phổ biến với giới trẻ chỉ một loại hình du lịch "bụi" mà thế hệ @ rất ưa chuộng.

"Phượt" là một động từ hiếm và khá lạ đối với những người lớn tuổi. Nó được dùng để chỉ một hành động mau lẹ xảy ra trước mắt chúng ta. Tuy nhiên, hiện nay "phượt" lại là một từ khá phổ biến với giới trẻ chỉ một loại hình du lịch "bụi" mà thế hệ @ rất ưa chuộng.

Một xu hướng tất yếu không thể nào cưỡng lại được

Thay vì đi du lịch theo các tour có phụ huynh đi cùng đến các khu resort sang trọng, đắt tiền hay những bãi biển, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và văn hóa quen thuộc, nhiều bạn trẻ đã chọn cho mình một cách đi "chẳng giống ai" tự mình lập kế hoạch sẵn cho chuyến đi, độ dài cung đường, thời gian đi, số người đi cùng, các trang bị, phương tiện cần thiết dành cho một cuộc "phượt".

Nhưng có một điểm chung mà hầu hết các bạn trẻ đều thích khám phá những miền đất lạ cả về địa lý và văn hóa, chinh phục những thử thách trên đường đi. Địa hình nước ta nhiều núi non, đèo dốc, nhiều vùng miền còn hoang sơ, khá thuận cho loại hình du lịch này phát triển, đặc biệt là ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên.

Một nhóm bạn trẻ sẵn sàng lên đường đến chợ tình Mộc Châu, chinh phục đỉnh Phanxipang hoặc thả hồn giữa vùng núi đá Đồng Văn, đắm mình vào đêm lửa hội bập bùng tại các chợ tình. Mỗi năm một lần, các chợ tình trên khắp các vùng núi phía Bắc diễn ra: vào rạng sáng ngày 1 - 2/9, đối với chợ tình Mộc Châu hay vào ngày 27/2 âm lịch hàng năm đối với chợ tình Khau Vai, Mèo Vạc Hà Giang, còn chợ tình Sa Pa thì vào tối thứ bảy hàng tuần. Các chàng trai, cô gái Mông, Dao, Tày, Thái và cả người Kinh nữa đổ về các tụ điểm này để làm quen, tỏ tình với nhau hay tìm lại những mối tình đã trở thành quá vãng nhưng vẫn còn đâu đây trong tâm trí hai người. Xung quanh các chợ tình này, hàng ngàn người dân tộc từ những vùng lân cận cũng sẽ về đây để tham gia các hoạt động văn hóa. Vấn đề ở đây không chỉ là để chiêm ngưỡng một Mộc Châu lãng mạn trong mùa hoa mận hay bay bổng khi mùa xuân đến ngập tràn trong sắc hoa đào, một Khau Vai nằm im lìm quanh năm chốn sơn thâm cùng cốc, hay một Phanxipang cao chất ngất, được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương", mà có lẽ là sự mời chào của một Sa Pa với rộn ràng tiếng khèn Mông gọi bạn, một Khau Vai chìm trong ánh lửa bập bùng với nghi ngút khói thơm bốc lên từ những nồi thắng cố của người Mông trong cái lạnh giá của mùa xuân trên vùng núi cao này,...

Chả thế mà nhiều phượt thủ đã tự thú nhận với bạn bè rằng mình bị "nghiện phượt" từ lúc nào không hay biết. Nhu cầu tìm hiểu về thiên nhiên, đất trời ở những vùng đất mới lạ cũng như những phong tục tập quán của người dân bản xứ không chỉ là một nhu cầu rất tự nhiên của con người, nhưng lại đặc biệt hấp dẫn đối với giới trẻ vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng có lẽ lý do chiếm ưu thế vì họ là những người có sức khỏe, nhưng tiền nong chưa đến mức rủng rỉnh, nên chỉ có đi phượt mới tận dụng được hai lợi thế trên của giới trẻ. Và một điều nữa là thế hệ @ có nhu cầu nhưng lại rất khó bày tỏ với các phụ huynh: tự do thể hiện mình. Đi phượt chính là thước đo cho sức chịu đựng, khả năng vượt qua thử thách của mỗi người trên một quãng đường dài có khi lên tới cả nghìn cây số, nhưng lại rất ít sự trợ giúp ngoài một chiếc xe máy, túi ngủ, vài bộ quần áo và một ít tiền, thế là phượt ngay được.  

 Một chuyến đi.

Mù quá hóa mưa

Quá đam mê với sự mời gọi của phượt nên nhiều bạn trẻ đã chẳng thể hình dung hết được những sự cố bất thường, nhưng lại rất dễ xảy ra trong lộ trình.

Một phượt thủ có hạng không giấu nổi cảm xúc khi nghe những cái tên như: Mù Cang Chải (Yên Bái), Si Ma Cai (Lào Cai) Apachai (Điện Biên), Tây Côn Lĩnh, Hoàng Pu Sì, Lũng Cú (Hà Giang). Phượt thủ tâm sự: Những vùng đất này thực sự rất lôi cuốn, tôi không bao giờ quên được ánh nắng chiều hắt xuống những cánh đồng, những núi đá hùng dũng hay đôi má ửng hồng vì nứt nẻ của các em bé dân tộc. Cho nên sau chuyến đi lên Mù Cang Chải tôi sẽ đi Đồng Văn và tới đây tôi sẽ cùng các bạn mình đi Tây Côn Lĩnh. Tất cả đã chuẩn bị đầy đủ, xe máy, phụ tùng, đồ ăn, thuốc men... để lên đường.

Tuy nhiên, nhiều người đã quên hoặc chưa thể hiểu ra là đi phượt không chỉ có từng ấy thứ như phượt thủ trên vừa nói, mà quan trọng không kém là sức khỏe, kiến thức tối thiểu về hành trình. Vì thích thể hiện mình, bất chấp những trở ngại trên lộ trình, nên đã có một số người rơi xuống vực, bỏ mạng, đấy là chưa kể ngã gãy chân tay, rách quần áo, nhịn đói, nhịn khát và cả không có nước tắm rửa trong nhiều ngày kể cả đối với các bạn gái.

Một phượt thủ đã đưa ra lời khuyên đối với cư dân phượt: Cần lên kế hoạch cụ thể và tìm hiểu thật kỹ về nơi mình sắp đến sẽ giúp các bạn hạn chế được rủi ro trên đường phượt. Đi chơi cùng nhau thì phải tôn trọng tập thể và lịch trình chuyến đi. Các bạn cũng nên chuẩn bị thật kỹ trước khi khởi hành như học thêm kỹ thuật chạy xe máy đường dài, học bơi, học băng bó vết thương... Ngoài ra, mỗi nhóm phượt nên có những quy định mang tính bắt buộc như tốc độ di chuyển, chế độ báo cáo nếu có ý định tách đoàn...

Đáng báo động nhất là loại hình phượt "homestay", tức là du lịch bụi tại nhà những người bạn chỉ quen nhau trên mạng. Có người sau khi làm một cuộc phượt "homestay" tại nhà một người quen nhau trên mạng chia sẻ: Sau bao nhiêu tiếng ròng ngồi trên ôtô vào tới Nha Trang, được người bạn ra đón và đưa về nhà, phượt thủ mệt quá lăn ra đánh luôn một giấc. Tỉnh dậy, sờ ba lô thì số tiền tiết kiệm hơn 2 triệu không cánh mà bay. Hỏi bạn, bạn bảo không rõ, có lẽ cậu bị móc trên xe. Trong khi đó, anh ta nhớ rõ ràng rằng lúc xuống ôtô, kiểm tra tiền vẫn còn nguyên vẹn, không có bằng chứng nên đành chịu. Tiền chẳng có, người bạn mới cũng chẳng chút nhiệt tình, tự dưng thành "ăn nhờ ở đậu". Ngay hôm sau, phượt thủ đành gọi điện vay tiền bạn bè, nhờ chuyển phát nhanh vào để có tiền về.

Còn một phượt thủ khác đã bị ăn tát sau một lần phượt "homestay" tại nhà một người ở Hội An. Vào Hội An với lời hứa cho ở nhờ, dẫn đi chơi của một người bạn quen trên mạng. Nhưng trước khi ra về, cậu bạn nhỏ nhẹ bảo phượt thủ từ Hà Nội vào "thanh toán" tiền ăn ở mấy ngày, còn phần dẫn đi chơi, tớ biếu cậu lấy chỗ đi lại. Giật mình với con số lên tới hơn một triệu đồng, lấy đâu ra bây giờ. Vị "khách có mời" hẳn hoi đôi co thắc mắc không đưa tiền ngay, thì bị anh trai của "bạn tốt"... tát mấy cái vì tội "định ăn quỵt”...

Những cuộc phượt luôn luôn hấp dẫn, nhưng cũng ẩn chứa nhiều bất trắc, mỗi người cần tìm hiểu kỹ để có những chuyến đi thú vị.

Hương Linh


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn