Vai trò báo chí trong việc nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo

10-07-2009 16:54 | Thời sự
google news

Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" đã đi vào cuộc sống và báo chí đã góp một phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" đã đi vào cuộc sống và báo chí đã góp một phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo. Chỉ tính trong 3 năm qua đã có gần 1.000 phóng viên của trên 300 lượt cơ quan báo chí đến tác nghiệp với hàng ngàn tin, bài, ảnh chất lượng tốt được đăng tải, phát sóng. Phó đô đốc Trần Thanh Huyền - Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân trong buổi sơ kết 3 năm (2006 - 2009) công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Quân chủng Hải quân với các tỉnh, thành phố, cơ quan thông tấn báo chí ngày 8/7 vừa qua đã khẳng định: tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng đã bước đầu tạo ra được phong trào hành động cụ thể hướng về biển đảo sâu rộng hơn, tạo điều kiện cho Hải quân nhân dân cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cũng như triển khai một số dự án quan trọng nâng cao khả năng bảo vệ và quản lý vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền biển đảo trong điều kiện có nhiều khó khăn, song 3 năm qua, Quân chủng Hải quân, các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương đã triển khai có hiệu quả các nội dung đã ký kết trong chương trình phối hợp, góp phần quan trọng làm chuyển biến về nhận thức, nhất là trong các tầng lớp nhân dân ven biển về ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo. Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng được những chương trình với đầy đủ thể loại tuyên truyền về chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa cũng như các hoạt động của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều bài viết thực sự sâu sắc góp phần gợi mở các giải pháp nhằm nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.

Riêng báo SKĐS đã nhiều lần cử phóng viên  ra quần đảo Trường Sa với hàng loạt bài phóng sự, ghi chép, ảnh của nhà báo Toàn Thắng và Anh Văn phản ánh khá đầy đủ đời sống và ý chí giữ gìn chủ quyền quốc gia của những người lính đảo. Gần đây nhất, viết về Hoàng Sa có bài "Chuyện về UBND huyện đảo Hoàng Sa" của Lưu Thủy - Hoàng Dương được dư luận chú ý và Chủ tịch UBND huyện đảo đã có thư cảm ơn và khen ngợi.

Tổ quốc không chỉ có đất liền mà biển đảo cũng là một phần máu thịt thuộc chủ quyền đất nước để các thế hệ nối tiếp có trách nhiệm gìn giữ. Bởi, đấy là trách nhiệm của cháu con trước di sản khai phá của tiền nhân để lại, là lòng tự tôn dân tộc.

            Nguyễn Hùng


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn