Và chuyện sân khấu hôm nay

14-09-2013 07:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

Với 12 vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ diễn ra vỏn vẹn trong một tuần lễ từ 9 - 15/9, sân khấu Hà Nội trong mùa thu này như bỗng choàng tỉnh giấc. Có thể nói "Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức

Với 12 vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ diễn ra vỏn vẹn trong một tuần lễ từ 9 - 15/9, sân khấu Hà Nội trong mùa thu này như bỗng choàng tỉnh giấc. Có thể nói "Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức có sự phối hợp của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch là hồi chuông đánh thức khán giả vốn ngủ quên trong những mối lo toan thường nhật hoặc vì lý do nào đấy mà lơ là với chuyện đến rạp hát bấy lâu nay.

Thì ra sân khấu phía Bắc hay chịu cảnh tối đèn là do khán giả ít biết chứ không hẳn là "quay lưng với sân khấu" như nhiều nhận định của các nhà phê bình lý luận. Nếu "quay lưng" sao buổi diễn nào cũng không những kín các hàng ghế mà lối đi trong khán phòng, rồi sau những hàng ghế đều chật cứng người. Mà khán giả đâu chỉ là người làm nghề sân khấu, người ngoài làng sân khấu mới là số đông áp đảo. Thật hiếm có những buổi diễn mà khán giả phải đến nhà hát trước cả tiếng đồng hồ như trong đợt liên hoan này. Hóa ra chuyện sân khấu vắng khách bấy nay là do làng sân khấu toàn "áo gấm đi đêm", trong thời buổi đủ loại lo toan, đủ loại thông tin ngổn ngang chồng chất đã không chịu quảng bá lại còn hoạt động rất đơn lẻ! Giả sử 12 vở diễn trên chỉ diễn ở các đơn vị nghệ thuật, ai có nấy diễn mà không tập trung lại vào những địa chỉ cố định hẳn không thể có tình trạng "cháy rạp" như trên. Chuyện sân khấu thưa vắng do khán giả ít được thông tin là có thật bởi dạo Liên hoan sân khấu kịch nói tại Huế năm trước, hai hôm đầu cũng lắm hàng ghế trống do điểm diễn dù ở trung tâm thành phố nhưng tối như quán cà phê. Sau đó, Ban tổ chức lắp thêm đèn sáng rực, công chúng biết, lập tức buổi diễn nào cũng chật chỗ ngồi và chỗ... đứng! "Hồi chuông đánh thức" này, thắng lợi này trong Liên hoan trước hết cần ghi nhận sáng kiến tổ chức và cách tổ chức của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Và chuyện sân khấu hôm nay 1
 Tác giả Lưu Quang Vũ có những vở kịch để đời.

Cần bảo tồn những tác phẩm sân khấu hiện đại

Nói đến một Liên hoan sân khấu mà không nói ngay đến chất lượng là yếu tố đầu tiên, lại nói đến khán giả với công tác quảng bá, tổ chức không hẳn đã vô lý bởi từng vở diễn, hay cả Liên hoan dù có hay đến mấy nhưng khán giả không biết, không có thông tin để tìm đến thì niềm yêu có sẵn dễ bị hiểu sai thành "quay lưng"!

Sau 25 năm kể từ ngày Lưu Quang Vũ ra đi, kịch của ông vẫn không cũ, vẫn hút khách. Liên hoan lần này không chỉ là dịp kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch) và một phần tư thế kỷ vắng bóng nhà viết kịch tài hoa mà còn gợi đến vấn đề kịch mục hiện nay.Sân khấu ta có tác phẩm nào sau một đợt diễn thường là bị quên đi để đơn vị làm vở mới. Vở hay thì sau khi đưa lên truyền hình coi như dấu chấm hết. Tác phẩm sân khấu là cả một công trình nghệ thuật được đầu tư không ít tiền của mà sao lãng phí quá. Khán giả vốn là một khái niệm động như một dòng chảy nối các thế hệ và sau khi vở diễn bị "xếp kho" thì thế hệ sau chỉ còn biết những tác phẩm sân khấu có giá trị qua lời kể, qua các bài báo trong quá khứ. Những tác phẩm có giá trị bị chết trong kịch mục càng là một sự lãng phí lớn hơn. Quan niệm sân khấu là phải toàn kịch bản mới sáng tác khiến nhiều đơn vị dựng lại kịch bản từ chục năm trước đã bị kêu là cũ. Quan trọng là kịch bản "cũ" nhưng những vấn đề trong đó có cũ với hôm nay hình như không được tính đến.

Việc tổ chức dựng lại kịch bản Lưu Quang Vũ từ 25 năm về trước nữa của Hội NSSKVN bên cạnh mục đích nói trên còn có ý nghĩa làm sống lại những tác phẩm nghệ thuật có giá trị để khán giả hôm nay hiểu và biết những thành tựu sân khấu hơn trong sự phát triển của nó. Từ Liên hoan này chợt nghĩ, nếu các đơn vị tiếp tục phục dựng và duy trì những tác phẩm xuất sắc khác của không chỉ Lưu Quang Vũ mà với cả các tác giả khác như Tào Mạt, Xuân Trình... hẳn khán giả sẽ tìm đến sân khấu nhiều hơn. Sân khấu các nước tiên tiến có vở diễn trong kịch mục tuổi thọ lên đến cả trăm năm mà sao sân khấu ta, các tác phẩm có giá trị cứ phải chịu cảnh chết yểu thế nhỉ. Chúng ta đã bảo tồn những tác phẩm sân khấu truyền thống, sao không thể bảo tồn những tác phẩm giá trị của sân khấu hiện đại khi sau này những giá trị ấy cũng sẽ là "di sản cha ông"?

Cú hích cho các đạo diễn trẻ

Vẫn từ chuyện khán giả hôm nay "tấn công", "chiếm lĩnh" các điểm diễn trong "Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ". Chắc chắn khán giả tìm đến Liên hoan không phải vì tò mò tìm đến tác phẩm của người nổi tiếng mà vì giá trị trong nội dung tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Kịch của ông có lúc bị đôi nhà lý luận phê bình sân khấu coi là kịch thời sự quả là một nhầm lẫn lớn. Ông bám sát đời sống chứ không ngồi trong "hộp bê tông" tưởng tượng vu vơ, hư cấu chuyện dân không cần biết nên kịch ông chắc chắn giàu tính thời sự. Nhưng chỉ có thời sự không thì đọc báo chắc thú vị hơn. Chỉ có thời sự thì sao sau 25 năm, khán giả hôm nay vẫn vồ vập với tác phẩm của ông như thế.
 
Và chuyện sân khấu hôm nay 2
 Cảnh vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Nhà hát Kịch Việt Nam.
Lưu Quang Vũ luôn bám sát thời cuộc, đồng hành với nhân dân của mình trong mọi buồn vui, trăn trở. Và "thời sự" trong kịch bản của ông là điểm bắt đầu từ một sự việc cụ thể để rồi đưa khán giả tìm đến những điều lớn lao hơn về nhân tình thế thái, về những vấn đề cuộc sống đang đặt ra và đòi hỏi, về những mâu thuẫn và xung đột của xã hội với cách nhìn rạch ròi, thiện tâm, đầy trách nhiệm công dân. Chính vì thế mà kịch bản của ông đã vượt qua ¼ thế kỷ, vẫn mới trong hôm nay và nhiều kịch bản còn tiếp tục mới trong mai sau. Với 53 kịch bản sáng tác trong thời gian không dài, kể cả những tác phẩm được viết theo đơn đặt hàng nhưng chưa thấy tác phẩm nào của ông có bóng dáng "hàng chợ". Ông không hề minh họa một câu chuyện bằng kịch mà mỗi kịch bản của ông đều được vắt ra từ trái tim tác giả với thái độ lao động đầy nghiêm túc.
 
Ông vốn là người ít may mắn nhưng có điều được gọi là may mắn trong ông là với tư cách tác giả, bên ông có những đạo diễn nghiêm túc, dựng kịch hoàn toàn vì nghệ thuật và trân trọng sáng tạo trong kịch bản như Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang, Dương Ngọc Đức, Ngọc Phương, Phạm Thị Thành... Kịch Lưu Quang Vũ nếu giao vào tay đạo diễn dựng "một năm 20 vở", lấy kịch bản làm phương tiện, thậm chí bóp méo để thể hiện mảng miếng có sẵn trong mình thì có khi kịch Lưu Quang Vũ không còn là Lưu Quang Vũ. Và khán giả bấy nay thờ ơ với sân khấu hình như còn vì lý do này chăng khi mà sân khấu cứ nhàn nhạt, nhà hát cũng nhàn nhạt trong sự đơn điệu chỉ có cười và cười, xa lạ với những điều xã hội đang trăn trở. Thậm chí hai nhà hát tầm cỡ quốc gia cũng na ná như nhau, một màu trong phong cách và kịch mục như nhà phê bình Trương Nhuận từng phát biểu trên báo chí.

Bên cạnh tiếng chuông đánh thức khán giả, "Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ" lần này còn là cú hích và tạo ra cách nhìn mới đối với các đạo diễn "trẻ" dù tuổi cũng ngoại lục tuần. Một Liên hoan về những kịch bản của một tác giả thì có thể nói đấy là Liên hoan của đạo diễn và nghệ thuật biểu diễn. Ngoài những vở diễn phục dựng, những kịch bản của Lưu Quang Vũ được dựng mới báo hiệu những tín hiệu đáng mừng về đội ngũ đạo diễn mới cho sân khấu hôm nay. Những Thúy Mùi, Lan Hương, Phan Trọng Thành... trong Liên hoan này với những tìm tòi nghiêm túc và táo bạo đã xóa đi sự nhàm cũ của sân khấu trong thời gian qua rất đáng trân trọng. Khuôn khổ một bài báo không thể nói hết về đạo diễn trong Liên hoan, xin để vào dịp khác.

Trong những ngày này , có thể nói, "Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ" là món quà thiết thực, sinh động và hiếu đễ nhất của thế hệ sân khấu hôm nay dâng lên Tổ nghề, báo đáp cha ông.

Lê Quý Hiền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn