Trường học quy định học sinh không gọi nhau bằng vợ chồng
Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước thông tin Trường THCS Trực Thuận (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đưa ra quy định học sinh không gọi nhau bằng những từ chỉ quan hệ vợ chồng như "con vợ, thằng chồng, ông xã, bà xã"; không gọi nhau bằng những từ ngữ phim ảnh, giang hồ (đại ca, sư tỉ…) gây ra nhiều nhận định khác nhau.
Trước sự việc này, Hiệu trưởng Trường THCS Trực Thuận khẳng định: "Nhà trường đúng là có bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học và được triển khai trong năm học 2024-2025. Tuy nhiên, những từ ngữ lan truyền trên mạng xã hội như học sinh không gọi nhau bằng "con vợ, thằng chồng, ông xã, bà xã…" là không đúng trong bộ quy tắc nhà trường. Trong bộ quy tắc, chúng tôi dùng từ ngữ đúng tính chất sư phạm, chứ không giống như mạng xã hội đang chia sẻ".
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Trực Thuận, trong điều 18 ứng xử với bạn bè, chương III Bộ quy tắc ứng xử của học sinh, ứng xử với bạn bè của nhà trường có nêu: Chào hỏi xưng hô với bạn đảm bảo thân mật, cởi mở, trong sáng; không có hành vi, lời nói xúc phạm, khiếm nhã, trêu trọc, khiêu khích. Không gọi nhau, xưng hô bằng những từ chỉ để dành cho những người tôn kính như ông bà, cha mẹ. Không gọi tên bạn gắn với tên cha mẹ hoặc khiếm khuyết ngoại hình, hoặc đặc điểm cá biệt về tính nết…
Sau thông tin này, nhiều người đồng tình ủng hộ và mong muốn các trường học trên cả nước đưa ra quy định rõ ràng như vậy. Bởi thực tế nhiều người không khỏi giật mình với cách xưng hô của học sinh hiện nay. Chẳng biết từ bao giờ "ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác", chẳng thiếu một "vai vế" nào trong dòng họ được sử dụng ở mối quan hệ bạn bè. Các em không gọi nhau "cậu - tớ", "bạn - mình" mà xưng hô "vợ - chồng", "ông xã - bà xã", "ba - má", "đại ca, tỉ muội", "bé", "cưng"...
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, TS. Trần Thị Kim Yến - giảng viên ngành Giáo dục học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc quy định học sinh không gọi nhau bằng những từ "thân mật" ở trường là một vấn đề có nhiều góc nhìn và phụ thuộc vào mục đích, bối cảnh và cách thức thực hiện quy định này.
Theo TS. Trần Thị Kim Yến, quy định này cần được xem xét kỹ lưỡng, với sự cân nhắc giữa việc tạo ra một môi trường học tập nghiêm túc và giữ gìn tính tự nhiên, thân thiện trong quan hệ bạn bè. Nếu được thực hiện, quy định này cần phải linh hoạt, áp dụng với những ngữ cảnh thích hợp, đồng thời cũng cần phải chú trọng đến việc giáo dục học sinh về tầm quan trọng của sự tôn trọng và giao tiếp lịch sự.
"Ngày nay, học sinh có thể sử dụng nhiều kiểu xưng hô khác nhau trong trường học tùy thuộc vào mối quan hệ, độ tuổi và bối cảnh giao tiếp. Những kiểu xưng hô này có thể phản ánh sự gần gũi, thân mật nhưng cũng có thể có phần thiếu tôn trọng nếu không được sử dụng đúng cách. Vì vậy, việc giáo dục học sinh về quy tắc ứng xử và xưng hô là rất quan trọng để giúp học sinh phát triển một cách văn minh, lịch sự, và tôn trọng người khác".
Trường học nên có quy định về việc xưng hô và có giải thích rõ ràng
Chuyên gia giáo dục Trần Thị Kim Yến cũng cho rằng, để giúp học sinh phát triển đúng đắn trong giao tiếp, cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng, nhằm tạo ra một môi trường học tập và xã hội đầy đủ sự tôn trọng, lịch sự và văn minh. "Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc dạy cho trẻ cách xưng hô và giao tiếp. Các bậc phụ huynh nên làm gương và hướng dẫn con cái cách xưng hô sao cho lịch sự, tôn trọng.
Đối với trường học cần tổ chức các buổi ngoại khóa, các lớp học về kỹ năng giao tiếp, trong đó có việc dạy học sinh cách xưng hô phù hợp trong mọi tình huống. Thầy cô cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng ngôn ngữ lịch sự, đặc biệt là trong các cuộc trò chuyện với người lớn tuổi hoặc người khác giới.
Bên cạnh đó, trường học nên xây dựng và thực hiện quy định về việc xưng hô giữa học sinh và giáo viên, cũng như giữa học sinh với nhau. Quy định này cần được giải thích rõ ràng để học sinh hiểu và thực hiện đúng. Thầy cô và các nhân viên trong trường cần tạo một môi trường khuyến khích học sinh giao tiếp lịch sự và tôn trọng, không chỉ thông qua việc thực hiện quy định mà còn bằng các hành động cụ thể trong các tình huống thực tế", TS. Trần Thị Kim Yến nêu quan điểm.