"Ứng xử của xã hội với bạo hành khiến chúng tôi chạnh lòng"

27-08-2016 07:56 | Y tế
google news

SKĐS - "Sự việc nữ tiếp viên hàng không bị khách hạng thương gia tát vì không tìm thấy điện thoại đã khiến dư luận bất bình thay cho cô tiếp viên. Tất nhiên,vị khách đó đã phải nhận một hình phạt xứng đáng là bị cấm bay trong 6 tháng và phạt 15 triệu đồng. Lẽ tất nhiên vị khách làm sai thì chịu phạt và đáng bị lên án. Một cái tát 15 triệu đồng cùng với việc bị cấm bay trong 6 tháng không sai, thế nhưng lại khiến chúng tôi càng ngẫm càng buồn...", giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW chia sẻ.

Vẫn biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, đặc biệt là lại so sánh giữa nghề y với nghề tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đó là ứng xử của xã hội, của chế tài xử lý bạo lực, bạo hành tiếp viên hàng không và nhân viên y tế dường như đang có sự bất cân bằng cả trong dư luận xã hội lẫn các văn bản có tính pháp lý.

Và bản án dành cho vị hành khách kia lại khiến những người làm nghề y cảm thấy chạnh lòng. Chưa bàn đến chuyện nhân viên y tế gắt gỏng quát mắng người bệnh bởi đó lại là chủ đề khác, ở đây chỉ nói đến khía cạnh nhân viên y tế bị hành hung, bị xúc phạm chúng ta đã từng thấy nhiều thì họ ứng xử ra sao? Đa số nhân viên y tế bị bạo hành về tinh thần, về thể xác thường chỉ có cách duy nhất là cầu cứu lực lượng bảo vệ và trong lúc chờ lực lượng bảo vệ đến thì phải tự cứu mình trước. Ngẫm đi ngẫm lại sao nhân viên y tế vinh quang nhiều mà cũng nhận lắm tủi thân!

Đó là những lời chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. PGS.TS. Nguyễn Văn Kính xung quanh câu chuyện này. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, trước hết, cần hiều công việc của tiếp viên hàng không là phục vụ hành khách bay được thoải mái, với mục tiêu thương mại một phần, và một phần phục vụ nhu cầu đi lại của mọi người bằng một phương tiện đắt tiền. Nhưng đơn thuần chỉ là phục vụ theo nhu cầu của khách hàng để khách hàng thoải mái trong quá trình đi lại.

Nhưng dịch vụ y tế lại khác, đây không phải là dịch vụ thuận mua vừa bán, cũng không phải là dịch vụ tăng thu nhập cho ngành y tế mà là dịch vụ đặc biệt liên quan đến sinh mạng của con người. Dịch vụ này đòi hỏi người thầy thuốc phải cố gắng hết sức mình, thậm chí phải hi sinh cả tính mạng để cứu người. Trong tất cả các dịch vụ khác thì không có dịch vụ nào như vậy. Trong khi các lực lượng khác làm việc đều có pháp lệnh bảo hộ, nếu ai chống người thi hành công vụ thì họ được trao quyền tự phòng vệ. Còn ngành y thì không. Nếu có bị mắng bị chửi thì cũng phải nghe, không được cãi, vì nếu cãi thì có thể sẽ "lĩnh đòn". Còn nếu bị tấn công thì nhân viên y tế chỉ có mỗi đường...chạy. Nhân viên y tế nói riêng và hệ thống y tế nói chung không thể “từ chối” những kẻ đã từng hành hung bác sĩ, chửi bới bác sĩ vì điều đó là trái với đạo đức nghề nghiệp. Cũng không thể áp dụng hinh thức xử phạt vì không có căn cứ nào quy định rõ ràng. Và thế là ai bị đánh thì người ấy phải chịu.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương

Tiếp đến là chuyện ứng xử của mỗi một ngành nghề cũng khác nhau. Với một khách hàng khi mua hàng, nếu không hài lòng về sản phẩm có quyền trả lại, người bán hàng nếu không thích cũng không bán, không chấp nhận đổi lại. Trường hợp của vị khách thương gia cũng vậy, vì xúc phạm tiếp viên nên đã bị từ chối phục vụ bay... Nhưng với ngành y thì không, bệnh nhân đến bắt buộc bác sĩ phải chữa, không được phép từ chối. Nếu bệnh nhân hoặc người nhà không hài lòng, có to tiếng, hành hung thì bác sĩ cũng không được đánh lại vì đạo đức không cho phép. Lúc này bác sĩ "mình trần da thịt" chịu trận, nếu muốn an toàn thì chạy là thượng sách.

"Trong mỗi ngành nghề đều có đạo đức của nghề nghiệp đó, riêng đạo đức của ngành y thì được đẩy lên mức cao nhất và được gọi là y đức. Chính vì vậy, yêu cầu của xã hội với ngành y cũng cao hơn, khắt khe hơn vì nó liên quan đến sinh mệnh của con người. Nếu các ngành nghề khác được nói “nên”, “không nên” thì với ngành y là “phải”, “phải thế này”, “phải thế kia”. Đó là một sự đòi hỏi quá cao đối với nghề y. Bởi cán bộ y tế cũng là con người, cũng có mọi nhu cầu thiết yếu của con người, cũng có cảm xúc nóng giận, bức bối…", PGS.TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

Hiện nay, nhìn nhận của xã hội với ngành y đôi khi còn nặng về suy diễn, nếu có sự cố xảy ra, chưa biết nguyên nhân thế nào, nhưng đương nhiên là nhân viên y tế sai, bệnh viện tắc trách…

Ở các nước phát triển, không có chuyện bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tấn công thầy thuốc. Có thể người thầy thuốc gặp sự cố y khoa không mong muốn như tiêm một mũi tiêm bị sốc phản vệ, nhưng sự thực thế nào phải để cho pháp y đến giải quyết. Còn ở nước ta, trong một số trường hợp nếu xảy ra việc gì, người nhà có thể xông vào đánh, thậm chí biểu tình… Bác sĩ đứng trước nguy cơ bị tổn thương về tinh thần cũng như thể xác rất lớn. Mặt khác, ở các nước khác khi gặp sự cố y khoa sẽ có Hội đồng khoa học y đức, pháp y giải quyết, khi các Hội đồng này công bố kết luận thì báo chí mới đưa tin.

Đây là vấn đề thuộc về phạm trù đạo đức xã hội, không phải quy định xã hội. Đạo đức xã hội, ý thức xã hội phải được hình thành phát triển trong một thời gian dài, phải được rèn giũa từ gia đình, trường học từ khi còn nhỏ. Ở các nước tiên tiến, những đứa trẻ từ nhỏ đã được dạy phải biết trân trọng sức khỏe của mình và cũng trân trọng cả bác sĩ – người bảo vệ sức khỏe cho mình. Bởi, không ai có thể khẳng định là cả đời không bao giờ bị ốm. Nhưng ở ta chưa làm được điều này, chúng ta luôn lấy hình ảnh bác sĩ ra dọa trẻ con, tạo cho chúng sự sợ hãi, chống đối.

Ngoài ra, trong lĩnh vực giáo dục sức khỏe của chúng ta còn bất cập, chúng ta tập trung kiếm tiền mà quên đi việc chăm lo cho sức khỏe và khi xảy ra vấn đề sức khỏe với mình thì đến gặp bác sĩ phải chữa bệnh. Nếu bác sĩ không chữa được để xảy ra sai sót gì thì đương nhiên là lỗi của bác sĩ.

PGS. Kính cũng khẳng định, thấy rõ bất cập về vấn đề an ninh bệnh viện, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ công an ký kết về bảo vệ an ninh trật tự, đặt camera theo dõi tại BV. Tuy nhiên, có những sự việc xảy ra tức thời phía công an cũng không thể can thiệp được. Bởi công an không thể có mặt liên tục để bảo vệ bác sĩ, thầy thuốc ở bệnh viện được. Mặt khác, hiện nay các văn bản pháp lý để bảo vệ thầy thuốc cũng chưa có quy định cụ thể và nếu có thì cũng không có khả năng để thực thi nếu xã hội vẫn còn quan niệm một phía như hiện nay.


Hồng Nguyên (ghi)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn