Là một trong hai người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, ngày 12/5, ông Nguyễn Hữu Ninh (Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm nghiên cứu giáo dục, môi trường và phát triển thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cùng các ứng viên đơn vị bầu cử số 4 đã có buổi vận động bầu cử với cử tri quận Hoàng Mai.
GS Nguyễn Hữu Ninh trình bày chương trình hành động với cử tri quận Hoàng Mai. Ảnh: Võ Hải. |
"Hơn 50 năm trước, tôi đã vinh dự đại diện học sinh giỏi Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội trường Ba Đình lịch sử và hôm nay tôi có cơ hội ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14", GS Ninh mở đầu bài phát biểu của mình.
Theo ông Ninh, ông được nhà nước gửi ra nước ngoài học tập và nghiên cứu dài hạn tại các trung tâm khoa học quốc tế về sinh học, môi trường, biến đổi khí hậu để có kiến thức phục vụ đất nước.
Trong 30 năm, ông tham gia nhiều dự án môi trường, biến đổi khí hậu tại Việt Nam và quốc tế. Ông là thành viên của Giải thưởng Nobel Hòa Bình 2007 với tư cách tác giả chính chương châu Á trong Báo cáo đánh giá 3.000 trang của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Công trình khoa học lịch sử này đã thay đổi chiến lược phát triển toàn cầu.
"Khoa học không biên giới nhưng nhà khoa học có tổ quốc. Tôi phấn đấu học tập và nghiên cứu để phụng sự cho Tổ quốc Việt Nam", ông chia sẻ.
Theo GS Ninh, nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, ông sẽ có cơ hội đóng góp kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của mình nhằm nâng cao vai trò, lợi ích của người dân và sự hài hòa về môi trường trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với đó, ông sẽ tham gia nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, chất vấn và xây dựng luật pháp liên quan đến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đặc biệt là an ninh tài nguyên nước, lương thực và năng lượng để giải quyết các vấn đề cấp bách.
GS Nguyễn Hữu Ninh (thứ 3 từ phải qua) cùng các đồng tác giả chương Châu Á - Báo cáo lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp Quốc (IPCC). Ảnh: NVCC. |
Ông kỳ vọng sẽ thúc đẩy điều trần tại Quốc hội về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, đưa ra cách giải quyết theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền".
"Tôi sẽ chủ động lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; giám sát đến cùng những vấn đề còn nhiều ý kiến trong xã hội, để tăng trưởng kinh tế không hủy hoại môi sinh hay hy sinh quyền lợi của người dân và các thế hệ tương lai", ứng viên Nguyễn Hữu Ninh hứa.
GS Nguyễn Hữu Ninh sinh năm 1954 tại Hà Nội. Năm 1977: Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Szeged (Hungary) chuyên ngành Sinh học. Năm 1979-1980: Học bổng UNESCO dự Khóa đào tạo Sinh học hiện đại tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Năm 1982-1986: Nghiên cứu sinh bảo vệ luận án Tiến sĩ Sinh học Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Năm 2002: Nhận bằng Tiến sĩ Khoa học danh dự Đại học East Anglia, Vương quốc Anh. 2007: Nhận Chứng nhận Giải thưởng Nobel Hòa bình của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) với tư cách là một thành viên Giải thưởng Nobel Hòa bình của IPCC. 2009: Bằng Tiến sĩ danh dự Đại học Pécs, Hungary, và trở thành giáo sư danh dự Đại học Pécs, Hungary. 2013: Chứng nhận của Hạ viện lập pháp Bang Hawaii (Mỹ) vinh danh thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường và khí hậu toàn cầu. 2014: Được phong chức danh giáo sư thỉnh giảng Đại học San Diego State, Mỹ. 2010 đến nay: Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. |