Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa

25-10-2020 21:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 25/10, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật đã tổ chức hội nghị khoa học "Một số kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới ứng dụng trong tiêu hóa".

Hội nghị đã giới thiệu nhiều ứng dụng mới như: ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo tự xây dựng trong nội soi phát hiện polyp đại tràng tại Việt Nam; app hỗ trợ làm sạch đại tràng lần đầu tiên tại Việt Nam; Điều trị u carcinoid qua nội soi ống mềm…

Lần đầu tiên, những kết quả bước đầu của quá trình nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi phát hiện polyp đại tràng do Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật tổ chức thực hiện được báo cáo chính thức tại hội nghị lần này.

GS.TS Đào Văn Long - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên ở nước ta sử dụng bộ cơ sở dữ liệu của bệnh nhân Việt Nam được gán nhãn, chuẩn hóa bởi các chuyên gia nội soi nhằm xây dựng thuật toán học máy cho bài toán phát hiện polyp đại tràng. Những kết quả bước đầu này cho thấy tính khả thi của lĩnh vực nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại tràng ở nước ta.

Đây vừa là tâm huyết, là ý chí của đội ngũ các nhà khoa học Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật, vừa là sự hợp tác chặt chẽ giữa Viện với các chuyên gia nội soi của Hội khoa học tiêu hóa Việt nam, Liên chi hội nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đại học y Hà Nội và các chuyên gia công nghệ thông tin đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp trong nước với hy vọng trong thời gian không xa sẽ cho ra đời một sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho cộng đồng cũng như kết nối dữ liệu lớn trong lĩnh vực nội soi giữa các cơ sở y tế, GS.TS Đào Văn Long nói.

GS. TS Đào Văn Long nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Với lượng bệnh nhân nội soi đại tràng lớn, cùng công nghệ nội soi hiện đại, thời gian qua, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật đã bước đầu đưa vào trải nghiệm ứng dụng “làm sạch đại tràng” trên nền tảng Android và iOS giúp hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình trước, trong và sau khi nội soi đại tràng.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhóm nghiên cứu tại Việt Nam, TS Đào Việt Hằng (BV Đại học Y Hà Nội) cho biết, bệnh lý tiêu hóa, gan mật hiện chiếm 30% tổng số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế, số lượng bác sĩ nội soi mới chỉ đáp ứng 5% - 10% dân số. Mỗi ngày ở các trung tâm lớn, có hơn 300 ca nội soi có thể dẫn tới bỏ sót tổn thương và chất lượng nội soi chưa thật sự được bảo đảm, có nguy cơ nhiễm khuẩn từ nội soi.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà là hướng đi cần thiết trong y học góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót, tích hợp hệ thống báo cáo tự động, tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay. Hơn nữa, với bệnh lý của polyp đại tràng, phát hiện sớm sẽ giảm thiểu tỷ lệ ung thư đại tràng.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu và hoàn thiện thuật toán để đưa vào kiểm định, ứng dụng lâm sàng nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình nội soi cũng như phục vụ công tác đào tạo" – BS Hằng nói.

Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu cũng giới thiệu nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới ứng dụng trong tiêu hóa như: Báo cáo về kết quả áp dụng các thăm dò rối loạn vận động chức năng đường tiêu hóa. Ứng dụng các kỹ thuật thăm dò chức năng như đo áp lực nhu động thực quản, đo điện thế niêm mạc thực quản, đo điện thế niêm mạc thực quản trong tối ưu hóa điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, đo áp lực hậu môn trực tràng trong một số bệnh lý rối loạn đại tiện.

Bên cạnh đó, báo cáo kết quả sử dụng probiotics ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa dai dẳng có biểu hiện trầm cảm, lo âu hứa hẹn sẽ đem đến những cái nhìn mới mẻ về các bệnh lý ở đường tiêu hóa liên quan đến vấn đề này.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ các bệnh lý chức năng tiêu hóa kèm theo các rối loạn về tâm thần đang ngày càng tăng tạo ra những thách thức mới đòi hỏi các nhà lâm sàng cần có đánh giá toàn diện hơn cũng như nhu cầu ứng dụng các liệu pháp điều trị phối hợp. Tìm hiểu về hệ microbiome đường ruột và ứng dụng thực tế của sử dụng probiotics ở từng nhóm bệnh lý là những chủ đề vừa có tính thiết thực vừa mang tính thời sự.

Về điều trị u carcinoid qua nội soi ống mềm, GS Đào Văn Long cho biết, u carcinoid là khối u nội tiết thần kinh và có khả năng ác tính khá cao. Đây là loại tổn thương có thể gặp ở nhiều cơ quan, tại đường tiêu hóa, u carcinoid cũng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó thường gặp nhất là trực tràng.

“Nếu được phát hiện sớm, loại bỏ khối u sẽ giúp người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường. Trong những năm gần đây, những tiến bộ của nội soi chẩn đoán và can thiệp đã giúp phát hiện sớm cũng như chỉ định cắt u carcinoid qua nội soi từ đấy tránh được cho bệnh nhân ca mổ phức tạp, tiết kiệm chi phí và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh”, GS Long nhấn mạnh.

Hội nghị đã thu hút sự chú ý đặc biệt của hơn 300 chuyên gia lĩnh vực tiêu hóa, gan mật, các bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện.


Khánh Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn