Tử vong do chữa bệnh bằng nhịn đói

28-10-2012 13:04 | Tin nóng y tế
google news

Một số bệnh nhân đã từng chữa trị ở cơ sở chữa bệnh của bà Phạm Thị Xuân Quế (Thừa Thiên Huế) phản ánh kết quả điều trị không thành công nhưng chịu đựng nhiều nỗi đau về thể xác.

(SKDS) - Một số bệnh nhân đã từng chữa trị ở cơ sở chữa bệnh của bà Phạm Thị Xuân Quế (Thừa Thiên Huế) phản ánh kết quả điều trị không thành công nhưng chịu đựng nhiều nỗi đau về thể xác. Phương pháp chung đối với người bệnh đến đây là ở lại, nhịn đói và chỉ được uống nước cầm hơi tùy theo sức chịu đựng của mỗi người từ vài ngày đến cả chục ngày. Khi bệnh nhân sẽ lả đi sẽ được cho ăn hồ loãng rồi đến cháo và sau đó là gạo lứt - muối mè. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi mới đây đã có người bệnh bị tử vong.

Sáng 26/10, ThS. BS. Trần Đình Oanh, Chánh Thanh tra Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, đoàn làm việc của Sở Y tế đã  kiểm tra và  ra quyết định tạm ngừng hoạt động cơ sở chữa bệnh của BS. Phạm Thị Xuân Quế vì cơ sở này  không có bất cứ giấy phép hoạt động nào liên quan, đồng thời đã để xảy ra trường hợp bệnh nhân Phan Thị Thanh (bệnh tim, 50 tuổi,  thôn Bình Lợi, xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) sau khi chữa trị tại đây theo kiểu nhịn đói dài ngày đã phải nhập viện và chết sau đó không lâu. Trước đó, ngày 17/10, sau khi bệnh nhân Thanh tử vong,  chính quyền, công an kết hợp với Trạm y tế phường Thủy Xuân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) đã lập biên bản tạm ngừng hoạt động của cơ sở này vì không có giấy phép hành nghề.
 Cơ sở khám chữa bệnh của BS. Quế.

BS. Phạm Thị Xuân Quế, nguyên là Trưởng khoa Lao, Bệnh viện Trung ương Huế, đồng thời là cán bộ giảng dạy Trường đại học Y Dược Huế. Sau khi về  hưu, năm 2004, BS. Quế thành lập cơ sở Tình thương để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Lúc đầu cơ sở hoạt động tại chùa Diệu Hạnh với 8 phòng. Sau đó, được sự tài trợ của tổ chức phi chính phủ Đức, một hội từ thiện và cá nhân BS. Quế góp thêm kinh phí, năm 2006 xây dựng khu nhà 2 tầng sau lưng chùa Diệu Hạnh với 4 phòng, 8 giường. Bệnh nhân đến cơ sở này ngoài mắc bệnh ung thư còn mắc nhiều loại bệnh khác như tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết...

Cơ sở chữa bệnh theo phương pháp OSHAWA của Nhật Bản (ăn gạo lứt, muối mè, uống nước sôi để nguội). Trước khi chữa bệnh bằng phương pháp này, bệnh nhân được thanh lọc bằng cách nhịn đói (có uống nước) từ 3 - 7 ngày tùy theo bệnh. Ngoài ra không sử dụng phương pháp nào khác và không thu tiền. Gạo lứt muối mè được phát miễn phí.

Phương pháp OSHAWA được thực hiện theo một số tài liệu lưu hành nội bộ, chưa được Bộ Y tế công nhận và cấp phép. Theo các chuyên gia y tế, đây là một kiểu chữa bệnh “ép xác” ở Nhật Bản, áp dụng để chữa bệnh ung thư với phương pháp chủ đạo là nhịn ăn cho cơ thể yếu dần. Từ đó, tế bào ung thư cũng không có nguồn dinh dưỡng cung cấp nên cũng yếu theo mà chết. Nhưng không phải bệnh ung thư nào cũng được chữa lành. Về phương pháp nhịn ăn, các tác giả theo trường phái này (nhiều người là thầy thuốc) cho rằng nhờ nhịn ăn đúng phương pháp, con người có thể tự chữa khỏi nhiều bệnh.
 
Như BS. Nacagawa (Nhật Bản) đã áp dụng phương pháp nhịn ăn tự chữa khỏi cho mình nhiều bệnh mạn tính và sau đó đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người khác qua việc thành lập Viện điều trị nhịn ăn và dùng thức ăn thiên nhiên. Ở phương Tây, BS. Réne Lejeune cũng đã áp dụng phương pháp nhịn ăn và viết một cuốn sách nhan đề Nhịn ăn để chữa bệnh - Ngày hội của thân thể và tinh thần. Ở nước ta, đã có một số người tự chữa khỏi nhiều bệnh bằng phương pháp nhịn ăn. Song, phương pháp này khác với những hiểu biết thông thường về diễn biến của cơ thể và rất khó áp dụng; người nhịn ăn phải có quyết tâm rất cao, nhịn ăn 7 - 8 ngày trở lên. Người ta thường chia một đợt nhịn ăn qua 4 giai đoạn: chuẩn bị, nhịn ăn chính thức, chuẩn bị ăn lại và bắt đầu ăn bình thường. Mỗi giai đoạn cần tuân thủ nghiêm ngặt một số nguyên tắc về ăn uống.

Không phải ai áp dụng phương pháp này cũng thu được kết quả. Đó là chưa kể đến một số trường hợp bị viêm phổi cấp, bệnh ác tính về máu, bệnh tim, suy nhược nặng... sẽ rất nguy hiểm khi áp dụng. Trong thời gian nhịn ăn có thể xảy ra những biến chứng, vì vậy cần theo dõi sát sao, tốt nhất là tại bệnh viện chuyên trách dưới sự điều trị và hướng dẫn của thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này.

Dù là chữa bệnh từ thiện song cơ sở này hoạt động không có giấy phép, lại áp dụng phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng khoa học và không được Bộ Y tế công nhận, cấp phép, dẫn đến hậu quả bệnh nhân bị tử vong. Vì vậy, đoàn  kiểm tra của Sở Y tế đã yêu cầu cơ sở tạm ngừng hoạt động chữa bệnh.   

 

   Bài, ảnh:Xuân Hồng


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn