Tự làm tỏi đen bằng nồi cơm điện có an toàn?

10-08-2015 13:37 | Y học cổ truyền
google news

Tỏi đen đang được quảng cáo như thần dược có tác dụng chữa ung thư và các bệnh mãn tính khác với giá bán tiền triệu. Vậy thực hư loại "thần dược' này ra sao?

Tỏi đen là gì?

Theo lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình), tỏi đen có nguồn gốc từ Nhật Bản. Riêng Việt Nam, tỏi đen được sản xuất thành công mới hơn một năm trở lại đây và đang được bán rất nhiều trên thị trường. Bản chất tỏi đen được làm từ tỏi ta, được lên men thông qua việc sấy điện liên tục trong 35-45 giờ. Sau đó, chúng được tiếp tục ủ khoảng 45 ngày để vỏ biến màu ngà, tép bên trong chuyển màu đen, dẻo, có vị ngọt dịu. Thông thường, mỗi kg tỏi tươi có thể cho ra khoảng 400-500 g tỏi đen thành phẩm.

Trong quá trình lên men sẽ xảy ra phản ứng chuyển hoá các hợp chất làm tăng tác dụng của sản phẩm tỏi đen thu được.

Hiện nay, giá mỗi kg tỏi đen dao động khoảng 1,4-2,5 triệu đồng, gấp từ 5-10 lần so với tỏi thường. Riêng Việt Nam có hai dòng sản phẩm tỏi đen, gồm nguyên củ và các chế xuất từ tỏi. Hàng nhập khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc có thêm nước ép, mỗi hộp nước ép 60 ml x 30 gói có giá 1,5 triệu đồng. Tỏi nguyên tép nhập khẩu dao động từ 3-5 triệu đồng/kg.

“Tỏi là dược liệu quý trong Đông y và rất lành tính, đặc biệt có tính kháng sinh mạnh. Tỏi đen được kế thừa những dược lý quý báu từ tỏi. Thậm chí, công dụng của chúng còn mạnh gấp nhiều lần khi còn tươi”, lương y cho hay.

Quy trình lên men tự nhiên cũng làm cho hàm lượng carbohydrate tăng từ 28,7% (trong tỏi tươi) lên tới 47,9% (trong tỏi đen), nhờ đó tỏi đen có vị ngọt của trái cây. Chỉ cần bóc lớp vỏ ngoài là có thể ăn được..

Hiện nay, nhiều chị em đang chia sẻ cách tự làm tỏi đen tại nhà bằng cách ngâm tỏi trong bia, sau đó dùng nồi cơm điện để sấy. Lương y Hồng Minh cho biết, thực tế cách làm này cũng có thể cho ra sản phẩm tỏi có màu đen, vị giống tỏi đen được bán trên thị trường, không đáng lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, việc sản phẩm làm ra có đảm bảo về hàm lượng hoạt chất và dùng có hiệu quả hay không thì khó khẳng định. Bởi sản phẩm đạt chuẩn phải được làm bằng những loại tỏi tốt nhất và được sấy theo công nghệ hiện đại.

Chỉ có tác dụng hỗ trợ

Theo lương y Bùi Hồng Minh, hiện nay tỏi đen được sử dụng khá phổ biến. Chúng được quảng cáo với tác dụng chống oxy hoá, tăng cường miễn dịch, chữa ung thư, điều hoà đường huyết, giảm mệt mỏi, tăng sức đề kháng, cải thiện xơ vữa động mạch, cao huyết áp, cải thiện chức năng hệ tiêu hoá và đường ruột, tốt cho tim mạch, tiểu đường... Do đó, nhiều người không tiếc bỏ tiền triệu để mua về sử dụng hàng ngày.

Lương y phân tích: "Dịch chiết của tỏi có đặc tính kháng viêm, kháng sinh mạnh nên có tác dụng làm tăng sức mạnh của hệ miễn dịch, ngăn sự di căn của các tế bào khối u. Đồng thời, tính hành khí của chúng sẽ làm lưu thông khí huyết, giãn nở của mao mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu, tốt cho chứng cao huyết áp, thiếu máu não và tim mạch".

Tuy nhiên, tỏi đen chỉ là một thực phẩm chức năng, cơ chế hoạt động là tác động vào cơ thể, làm tăng sức đề kháng để chống lại các tế bào khối u chứ không phải là loại thuốc tiêu diệt trực tiếp vào các tế bào đó. Do đó, chúng chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không phải là thuốc chữa bệnh, đặc biệt là ung thư.

Thêm vào đó, tỏi hay tỏi đen nếu dùng nhiều sẽ gây hao khí, dùng nhiều sẽ không tốt. Vị lương y khuyến cáo, mỗi ngày chúng ta chỉ nên dùng 5 g, một liệu trình dùng chỉ nên kéo dài 10-15 ngày, sau đó dừng trước khi muốn sử dụng tiếp.

Tỏi có tính nóng và tác dụng hành khí mạnh, nên người đang có thai, đang nóng sốt, nhiễm trùng chân răng, viêm xoang không nên dùng nhiều. Loại gia vị này cũng có thể gây dị ứng làm ngứa ngáy, nổi mẩn ở một số người.

Đặc biệt, tỏi đen cũng như các dược phẩm quý và đắt tiền khác, đều có thể được làm nhái, làm giả trên thị trường. Do đó, người sử dụng cần phải thận trọng tìm những cơ sở đảm bảo uy tín để tránh "tiền mất tật mang".

 

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: