Liên tục được mời tham gia báo cáo tại Hội nghị Ghép tạng châu Âu, Hội nghị Thận học thế giới; sau bài báo cáo là những tràng pháo tay kéo dài không ngớt, là liên tiếp những câu hỏi được đặt ra cho chuyên gia Việt Nam. Báo cáo về các kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất trong ghép thận trên thế giới hiện nay do chính các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR), TP.HCM, Việt Nam thực hiện đã làm cả hội nghị quốc tế ngỡ ngàng.
Chuyển vị mạch máu hay phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận ghép là những kỹ thuật làm rạng danh y học Việt Nam, là những kỹ thuật y học mà tại các hội nghị lớn nhất thế giới, hai tiếng Việt Nam được xướng lên đầy kiêu hãnh!
Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận để ghép trên người cho sống tại BV Chợ Rẫy. |
Chuyển vị mạch máu – Kỹ thuật tiên tiến nhất mang tên Việt Nam!
Ghép thận cùng loài phát triển mạnh vào cuối những năm 50 và đạt được thành tựu cao nhất vào đầu thế kỷ 20 nhờ sự tiến bộ nhanh chóng về kỹ năng, kỹ thuật ngoại khoa, sự thuần thục kỹ năng phẫu thuật mạch máu và các kỹ thuật ngoại khoa cao cấp khác của các nhà ngoại khoa tiên phong.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ với mong muốn là làm giảm sự xâm hại cho người bệnh đến mức thấp nhất. PGS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh - Trưởng khoa Tiết niệu, BVCR; Trưởng phân môn Tiết niệu Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, việc chọn lựa kỹ thuật mổ, vị trí đặt thận ghép, kỹ thuật khâu nối mạch máu (MM), nhất là khi tĩnh mạch (TM) thận ghép ngắn sao cho ít xâm hại hơn, thuận lợi, nhẹ nhàng trong săn sóc hậu phẫu và trong sinh hoạt thường ngày là một yêu cầu chính đáng trong phẫu thuật ghép thận.
Kỹ thuật chuyển vị mạch máu là một kỹ thuật phẫu tích mạch máu của thận ghép và sắp xếp lại vị trí của động mạch (ĐM) thận, TM thận, ĐM chậu ngoài, TM chậu ngoài trong trường hợp TM thận ghép không đủ chiều dài để nối với TM chậu ngoài của người nhận khi ghép. Kỹ thuật này do PGS. Trần Ngọc Sinh cùng cộng sự tại Khoa Tiết niệu, BVCR nghiên cứu và đã bắt đầu triển khai từ đầu năm 2010; đến nay, đã có hơn 130 trường hợp được thực hiện thành công.
Theo PGS. Sinh, người cho thận là một người hoàn toàn khỏe mạnh phải trải qua cuộc phẫu thuật nên càng ngày các phẫu thuật viên càng ưa chuộng kỹ thuật mổ lấy thận ghép qua nội soi sau phúc mạc. Các kỹ thuật phẫu thuật trong ghép thận vẫn đang không ngừng được cải tiến.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn sự e ngại của các phẫu thuật viên khi quyết định lấy thận bên phải (P) của người cho thận để ghép do TM thận P ngắn hơn bên trái (T) về mặt giải phẫu học; vả lại, TM thận bên P càng ngắn hơn khi thận được lấy bằng phẫu thuật nội soi. Do đó, việc khâu nối TM thận P vào TM chậu bên P sẽ khó khăn hơn, cần phải tạo hình làm dài thêm TM thận ghép bằng những vật liệu tự thân hay nhân tạo; thời gian phẫu thuật sẽ kéo dài, nguy cơ biến chứng về khâu nối mạch máu cao hơn…
Và vấn đề này đã được khắc phục khi “chúng tôi áp dụng kỹ thuật bóc tách và chuyển vị mạch máu thận và mạch máu chậu cho tất cả những TM thận ghép không đủ chiều dài để khâu nối: bóc tách vùng rốn thận để làm dài TM thận, chuyển vị ĐM-TM thận ghép, chuyển vị ĐM-TM chậu ngoài đều dựa trên cơ bản về cấu trúc của giải phẫu cơ thể học.
Sau khi phối hợp các kỹ thuật bóc tách này, chúng tôi có thể khâu nối TM thận với TM chậu ngoài một cách dễ dàng (dù TM thận chỉ có chiều dài khoảng 1cm sau khi lấy thận), miệng nối không căng, các thành phần của vùng rốn thận không chèn ép lẫn nhau, bảo đảm tưới máu thận không bị cản trở mà không cần phải sử dụng bất kỳ vật liệu nào khác”, PGS. Sinh nói.
(a) Bóc tách làm dài TM thận, chuyển vị ĐM-TM thận ghép; (b) Sắp xếp lại bó mạch chậu ngoài. |
Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận để ghép: tiếp thu và sáng tạo
Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành trên khắp thế giới đã thực sự bị cuốn hút bởi sự đơn giản, an toàn và hiệu quả mà các kỹ thuật này mang lại. Ngay sau hội nghị, GS. Richard Allen – Bệnh viện Ðại học Sidney, Úc đã tới BVCR để tham gia phẫu thuật bằng phương pháp này và hiện ông đã triển khai áp dụng tại Sidney. Và mới đây, GS. Delinonico – nguyên Chủ tịch Hội Ghép tạng Thế giới cũng đã tới Việt Nam để “tầm sư học đạo”. |
Nghiên cứu được kỹ thuật hiện đại nhất để ghép thận cho người bệnh, các bác sĩ Khoa Tiết niệu, BVCR tiếp tục sáng tạo để tìm ra được phương pháp tối ưu nhất để cắt thận nội soi từ người cho. “Chúng tôi luôn đau đáu một điều, người cho thận là một người hoàn toàn khỏe mạnh phải trải qua cuộc phẫu thuật nên phẫu thuật làm sao để họ càng ít bị xâm hại thì càng tốt. Đơn giản và an toàn là điều mà những người thầy thuốc luôn muốn làm cho bệnh nhân. Riêng với những người cho thận, họ còn đặc biệt hơn khi đã hi sinh một phần thân thể để mang lại sự sống cho người khác”, PGS. Trần Ngọc Sinh bộc bạch.
Theo PGS. Sinh, phương pháp lấy thận để ghép trên người cho sống bằng phẫu thuật mở truyền thống gây tổn thương nặng thành ngực-bụng: vết mổ dài, đau đớn nhiều, có thể tổn thương màng phổi, bán thoát vị thành bụng, tê vùng thắt lưng - bẹn, đau kinh niên vết mổ… Ngoài ra, thời gian hồi phục cũng chậm trên những người cho tự nguyện. Để giảm biến chứng trên, y bác sĩ cải tiến phương pháp mổ mở với đường mổ ngắn. Cắt thận nội soi để ghép khác với cắt thận do bệnh lý phải cắt bỏ thận.
Cắt thận nội soi (LAPN) để ghép trên người cho sống được phát triển trong gần 2 thập niên qua và đã nhanh chóng khẳng định ưu thế của nó so với mổ mở vì ít biến chứng và sự hồi phục nhanh sau mổ của người cho thận. Cũng nhờ vậy, số người cho thận tăng lên từ 50 - 100% tại các Trung tâm Âu – Mỹ. Các trường hợp cắt thận để ghép qua nội soi ở châu Âu và Bắc Mỹ đa số qua ngả bụng và thường có đưa bàn tay vào hỗ trợ trong bụng.
Từ khi Gaur (Mumbay, Ấn Độ) đưa kỹ thuật nội soi sau phúc mạc để mổ, kỹ thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận để ghép ở người cho sống (RLAPN) được nhiều tác giả châu Á báo cáo. Ở Việt Nam, kỹ thuật này chưa thông dụng, BVCR tiếp thu kỹ thuật LAPN năm 2004 bởi các đồng nghiệp từ Pháp. Sau đó, êkíp các bác sĩ BVCR nhanh chóng chuyển sang kỹ thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận để ghép ở người cho sống (RLAPN).
Tuy nhiên, trong một tâm hồn rộng mở với những quan niệm nhân sinh độc đáo và khối óc với tri thức nền tảng uyên thâm, PGS. Trần Ngọc Sinh và cộng sự đã tiếp thu và cải biên đầy sáng tạo. Trước đây, kỹ thuật PLAPN của Ấn Độ được xem là ưu việt nhất nhưng cũng đã áp dụng đến 4 trocar và một đường rạch dài trên cơ thể người cho.
Ngoài ra, họ còn phải chi thêm khoảng 1.000 USD cho các dụng cụ lấy thận. Trong khi đó, BVCR dùng kỹ thuật RPLDN với 3 trocar, lấy thận trực tiếp qua chỗ mở thành hông lưng giữa 2 chân trocar (cách 8cm). Thận được lấy bảo đảm thời gian thiếu máu nóng cho phép, rửa và bảo quản thận bằng dung dịch Euro-Collins lạnh 40C, sau đó cho vào túi vô trùng bảo quản ở 40C chờ ghép.
Theo PGS. Trần Ngọc Sinh, sau hơn một năm triển khai, bước đầu cho thấy tính khả thi, độ an toàn cũng như tiết kiệm được chi phí cho người bệnh với những cải biên và hoàn thiện kỹ thuật phù hợp với điều kiện trong nước hiện nay. RPLDN ít xâm hại hơn cho bệnh nhân dù khó hơn đối với phẫu thuật viên, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bên cạnh đó, các phẫu thuật viên cũng đã sử dụng một vài cải biên trong cách lấy thận ra từ bụng nhằm giảm giá thành chi phí cho bệnh nhân ở nước ta.
Tại hội nghị Ghép tạng châu Âu năm 2010 (Scotland), Hội nghị Thận học Thế giới năm 2010 (Canada) và Hội nghị Tiết niệu Thế giới (Đức), kỹ thuật chuyển vị mạch máu và kỹ thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận để ghép ở người cho sống do PGS. Trần Ngọc Sinh báo cáo đã đặc biệt thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới.
Có thể nói, trên thế giới, cho tới thời điểm này, kỹ thuật chuyển vị mạch máu và RPLDN là kỹ thuật tiên tiến nhất trong các kỹ thuật ghép thận. PGS. Sinh kể lại trong tâm trạng xúc động xen lẫn với niềm tự hào: “Thông thường, khi muốn tham gia báo cáo tại các hội nghị mang tầm quốc tế, mỗi chuyên gia phải gửi báo cáo trước một năm, sau đó ban tổ chức sẽ xét duyệt xem có đủ điều kiện để được tham gia. Riêng với kỹ thuật này, một thời gian rất ngắn sau khi chúng tôi gửi đề tài báo cáo, ban tổ chức đã có hồi âm và thể hiện họ rất vui và hân hạnh mời chúng tôi tham gia báo cáo”.
NGUYỄN HUYỀN