Từ Hà Nội, qua Telehealth- chuyên gia BV Đại học Y hội chẩn điều trị “vượt không gian” 400 ca bệnh khó

16-12-2020 07:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đến nay đã có 188 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã trong nước và 3 BV của Lào, Campuchia, Hàn Quốc tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa - Teleheath của BV Đại học Y Hà Nội. Hơn 400 ca bệnh khó đã được các chuyên gia BV Đại học Y Hà Nội hội chẩn "vượt không gian"...

 

Chiều ngày 16/12, TS Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã làm việc với BV Đại hoc Y Hà Nội về công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án khám chữa bệnh từ xa- Telahealth năm 2020, dự kiến kế hoạch năm 2021.

Qua hội chẩn một ca bệnh, hàng trăm thầy thuốc được học nghề

Tại đây TS Cao Hưng Thái cùng các thành viên trong Đoàn đã tham dự buổi hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa do PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc BV chủ trì buổi sinh hoạt khoa học và hội chẩn lâm sàng với chủ đề  Quản lý bệnh nhân suy tim.

5 cơ sở y tế tham gia Hội chẩn là TTYT Tân Uyên- Lai Châu, BVĐK khu vực Tây An- Nghệ An, BVĐK khu vực Ngọc Lặc-, Thanh Hóa; TTYT xã Vị Hương- Bắc Kạn, TTYT Tp Móng Cái- Quảng Ninh cùng với sự tham dự của 34 BVĐK, BV huyện, TTYT và 2 BV nước ngoài của Lào và Campuchia.

TS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cùng PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội tại buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa và sinh hoạt khoa học với chủ đề  Quản lý bệnh nhân suy tim chiều ngày 15/12

Tại buổi sinh hoạt khoa học này, các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội đã hội chẩn “vượt không gian” các ca bệnh điển hình của các điểm cầu. Từ các cuộc hội chẩn ca bệnh trực tuyến này, hàng trăm thầy thuốc tuyến dưới và của cả 2 nước bạn Lào, Campuchia đã cùng lúc được học nghề, bổ sung thêm kinh nghiệm chuyên môn trong điều trị của tuyến trên.

Báo cáo từ điểm cầu TTYT Tân Uyên, các bác sĩ hiện đang điều trị cho trường hợp nữ bệnh nhân có thai gần 6 tháng được gia đình chuyển đến TTYT Tân Uyên trong tình trạng sốt, tiểu tiện liên tục, buốt khi đi tiểu, đau mỏi vùng thắt lưng liên tục. Qua thăm khám và đưa ra hướng điều trị, hiện sau gần 1 tuần nằm viện tình trạng sốt của bệnh nhân đã hết.

Tuy nhiên tình trạng tiểu buốt vẫn chưa giảm nhiều, bệnh nhân lại mang thai do đó “ chúng em muốn xin  ý kiến các thầy của BV Đại học Y Hà Nội về hướng điều trị tiếp tục cho bệnh nhân”-đại diện TTYT Tân Uyên bày tỏ.

Dưới sự điều hành của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc BV, qua hệ thống Telehealth, từ điểm cầu BV Đại học Y Hà Nội, nhiều chuyên gia của BV thuộc các lĩnh vực thận tiết niệu, hô hấp, sản nhi, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh, đã cùng hội chẩn chuyên môn, trao đổi với các bác sĩ điều trị ở Tân Uyên về ca bệnh từ việc sử dụng thuốc, trong đó có kháng sinh, theo dõi chức năng hô hấp, rồi đến cả hướng dẫn “bí kíp” với trường hợp này khi siêu âm cần cho bệnh nhân nằm nghiêng để nhìn hình ảnh rõ hơn...

Đã hội chẩn "không giới hạn" 416 ca bệnh khó, chia sẻ 108 bài giảng khoa học, chuyên môn

Các điểm cầu tham gia buổi hội chẩn cùng các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội

Báo cáo tại buổi làm việc sau đó, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào- Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, BV Đại học Y Hà Nội là đơn vị tiên phong ứng dụng triển khai khám chữa bệnh từ xa - TeleHealth trong mùa dịch COVID-19. Từ 2 bệnh viện ban đầu là BVĐK Mường Khương (Lào Cai), BVĐK Quảng Xương (Thanh Hoá), sau 8 tháng triển khai đã có 188 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và 3 BV của Lào, Campuchia, Hàn Quốc tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của BV Đại học Y Hà Nội.

Tại các buổi hội chẩn, tại điểm cầu BV Đại học Y Hà Nội thường có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực nội, ngoại, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, hồi sức, ung bướu, dinh dưỡng, huyết học, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh...  để có thể sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ mọi nhu cầu của thầy thuốc tuyến dưới về các ca bệnh khác nhau.

Đáng nói là tất cả các trường hợp mà BV tuyến dưới đưa ra hội chẩn, đều là các ca bệnh nặng, phức tạp, mà các bác sĩ cơ sở gặp khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. Đến nay đã có 416  ca bệnh khó được các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội hội chẩn qua Telehealth.

“Nhờ các buổi khám chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống, khi các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội cùng các bác sĩ tuyến dưới hội chẩn, đưa ra hướng xử lý chính xác và kịp thời. Bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh ngay tại tuyến dưới, không phải vất vả lên tuyến trên”- PGS.TS Phạm Thị Bích Đào chia sẻ.

Cùng với hội chẩn, các chuyên gia ở BV Đại học Y Hà Nội còn có các báo cáo chuyên đề, cập nhật kiến thức của các chuyên ngành cho cán bộ y tế tuyến dưới. Đến nay, đã có nhiều báo cáo với các chủ đề, chuyên khoa khác nhau: ngoại tiết niệu, tim mạch, ung thư, can thiệp chẩn đoán hình ảnh, ngoại chấn thương, sức khỏe tâm thần, nội tiết… Đến nay đã có 108 bài báo cáo khoa học được chia sẻ, cập nhật.

Vì thế, mỗi buổi khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp các bác sĩ tuyến dưới có hướng xử lý ngay với từng bệnh nhân, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, mà thông qua các cuộc trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế.

Hơn 1300 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa

TS Cao Hưng Thái -Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: Đến thời điểm này đã có hơn 1300 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa

Phát biểu tại buổi làm việc với BV Đại học Y Hà Nội, TS Cao Hưng Thái cho biết, Đề án khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế triển khai được hơn 5 tháng, từ 28 BV hạt nhân ban đầu của Đề án đến nay đã mở rộng lên 32 BV. Đến thời điểm này đã có hơn 1300 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa.

“Điều này chứng tỏ nhu cầu học tập đào tạo chuyển giao kỹ thuật cũng như hội chẩn các ca bệnh lâm sàng của tuyến dưới rất cao”- TS Cao Hưng Thái nhấn mạnh.

Cũng theo TS Cao Hưng Thái, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, nhiều BV tuyến trên đã đưa hoạt động khám chữa bệnh từ xa thành hoạt động thường quy, trực cấp cứu.

BV Đại học Y Hà Nội là đơn vị đi đầu trong khám, chữa bệnh từ xa và thí điểm phòng khám chữa bệnh từ xa. Đây là nội dung mới đang được Bộ Y tế xem xét để đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất việc thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh từ xa cũng như các vấn đề liên quan.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Cao Hưng Thái cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn có những nguy cơ và gần đến Tết Nguyên đán sẽ có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, do đó BV Đại học Y Hà Nội cần tiêp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa để nâng cao trình độ của cán bộ y tế tuyến cơ sở và đáp ứng nhu cầu người dân được thụ hưởng chăm sóc sức khoẻ có chất lượng tương đương tuyến trên ngay tại tuyến dưới.

Nhờ Telehealth- Bác sĩ và người dân vùng cao hưởng lợi

Cũng liên quan đến hiệu quả của Đề án Khám chữa bệnh từ xa của BV Đại học Y Hà Nội, mới đây khi chúng tôi cùng đoàn công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh đến làm việc tại BVĐK huyện Mộc Châu- Sơn La, ThS.BS Vũ Giang An, Phó Giám đốc BV cho biết, nhờ tham gia đề án, bệnh nhân tại đây được các chuyên gia đầu ngành của BV Đại học Y Hà Nội hội chẩn trực tiếp các ca bệnh và có hướng điều trị phù hợp nhất. Thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, không chỉ các bác sỹ ở BV được học hỏi, cập nhật kiến thức, được tiếp cận với những mặt bệnh mà trước đó các bác sỹ rất ít gặp hoặc khó phát hiện. Người bệnh khi được các bác sỹ tuyến trên trực tiếp hội chẩn yên tâm hơn khi ở lại bệnh viện điều trị.

“Chúng tôi đã học hỏi được các thầy rất nhiều, áp dụng thành công vào quá trình điều trị cho nhiều chuyên ngành, trong đó điển hình gần đây là cho trẻ sơ sinh thiếu tháng. Với các ca bệnh khó, việc trực tiếp được các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ qua hệ thống Telehealth đã giúp các bác sỹ có thêm kinh nghiệm trong điều trị. Sau hội chẩn trực tuyến, nhiều trường hợp bệnh viện xử lý được mà không phải chuyển tuyến. Trong trường hợp phải chuyển tuyến, cùng với sự tư vấn của các các chuyên gia ở đầu cầu Hà Nội, chúng tôi trao đổi trước để bệnh nhân biết rõ tình trạng bệnh tật của mình khi lên tuyến Trung ương”- ThS.BS Vũ Giang An cho hay.

Điển hình là ca sinh non chuyển dạ 28 tuần tuổi ở huyện Yên Châu được gia đình đưa đến BVĐK huyện Mộc Châu bằng taxi để sinh con, tuy nhiên trên đường đi, bệnh nhân chuyển dạ, mẹ chồng bệnh nhân đã đỡ đẻ cho con dâu ngay trên xe. Khi mẹ con sản phụ vào nhập viện, cháu bé trong tình trạng tím tái, suy hô hấp. Đây là một ca hết sức khó vì trẻ sinh non nhiều tháng, nặng 1,1kg.

Các sác sỹ của BVĐK Mộc Châu đã tiến hành cấp cứu bài bản, làm tất cả các chỉ định cho trẻ sinh non như: thở máy, bơm trưởng thành phổi, đóng ống động mạch, truyền máu, đưa trẻ vào phòng cách ly đảm bảo vô khuẩn, nằm lồng ấp….Cùng với đó, BVĐK Mộc Châu đã thiết lập cuộc hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội về phương hướng điều trị tiếp theo, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhi và các nguy cơ xảy ra. Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đánh giá cao quy trình cấp cứu, điều trị chăm sóc cho bệnh nhi của BVĐK huyện Mộc Châu; đồng thời hướng dẫn các bác sỹ tiếp tục thực hiện các phác đồ điều trị, cung cấp dinh dưỡng tiếp theo cho bệnh nhân.

Nhờ hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đặc biệt của các bác sỹ tuyến trên, sau gần 1 tháng điều trị, cháu bé ra viện với cân nặng 2kg. “Đây là trường hợp người bệnh được hưởng lợi từ khám chữa bệnh từ xa"- ThS. BS Vũ Giang An vui mừng nói.


Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn