- Dân mình nghèo nên mua, may quần áo cho con cháu thường có tâm lý "phòng nhớn" nghĩa là dài hơn, rộng hơn bình thường. Làm nhà có một tầng cũng làm cái móng cho chắc để sau này có tiền chỉ việc “quất” thêm tầng nữa, khỏi phải đập ra xây lại rất lãng phí...- Hai Phiếm bảo.
- Đấy là truyền thống nhìn xa trông rộng của ông cha ta. Người cạn nghĩ mới thích kiểu "mỳ ăn liền" hay "đánh cờ nghĩ nước một" loay hoay giải quyết tình thế mà thiếu tầm nhìn xa có tính chiến lược. Càng nghèo càng phải nhìn xa chứ anh giàu, áo chưa cũ đã vứt sắm cái mới, cần gì phải "phòng nhớn"...
- Nước ta đã phải là nước giàu chưa?
- Hả? Đang nói chuyện may áo “phòng nhớn” cho trẻ.
- Là vì tôi thấy nhiều dự án của chúng ta chưa hoàn thành đã lạc hậu. Ví dụ như dự án chống ngập ở TP.HCM, đã có cống ngăn triều nhưng hễ cứ có trận mưa 100mm thì thành phố vẫn ngập trên 400ha, khi mưa 200mm thì sẽ ngập 900 ha. Ít năm nữa, khí hậu toàn cầu biến đổi, nước biển dâng thêm vài chục phân không biết sẽ thế nào. Ở Hà Nội có cầu Đuống bị sự cố, ông thiết kế cũng bảo tại ôtô to cứ đi vào chứ tôi thiết kế cầu cho ôtô nhỏ hơn đi qua đấy chứ...
- Thì đường mới có tắc cũng chỉ vì lúc thiết kế, thành phố mới chỉ có từng này ôtô, xe máy. Mà từ lúc thiết kế đến lúc hoàn thành cũng dài dằng dặc vì giải tỏa, vì vật giá lên, vì lực lượng mỏng, vì cần bổ sung thêm kinh phí...
- Sao không thể bắt chước các cụ làm gì cũng tính cả đến chuyện sau này...
- Nói như bác thì nói làm gì ! Ai chả biết cần phải có cái nhìn dài hạn trong quy hoạch, để sao cho không còn những dự án manh mún vì chỉ tính đến hiệu quả nhất thời. Nhưng như thế thì làm sao có dấu ấn, có thành tích khi mà lãnh đạo chỉ có nhiệm kỳ...
- Không lẽ tư duy nhiệm kỳ làm người ta thích trồng chuối hơn trồng na...?
Cả Nghĩ