Từ “Chuyện tình Vịnh Cedar” nghĩ về văn hóa đọc hôm nay

24-02-2010 08:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

Một trong những cái có thể giúp bạn thực hiện được mong muốn đó chính là bộ truyện tình lãng mạn mang tên "Chuyện tình Vịnh Cedar" của nữ nhà văn Mỹ nổi tiếng Debbie Macomber.

Tâm lý chung của nhiều người là mỗi khi mùa xuân về, ai cũng muốn tìm cho mình những phút giây thảnh thơi, an lành để đón nhận một năm mới nhiều vận may về sức khỏe và công việc. Một trong những cái có thể giúp bạn thực hiện được mong muốn đó chính là bộ truyện tình lãng mạn mang tên "Chuyện tình Vịnh Cedar" của nữ nhà văn Mỹ nổi tiếng Debbie Macomber.

Debbie Macomber là ai?

Bà là nữ nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất về những chuyện tình lãng mạn mà bộ "Chuyện tình Vịnh Cedar" là một điển hình. Debbie Macomber sinh ngày 22 tháng 10 năm 1948 tại Yakima, bang Washington, Mỹ. Sự nghiệp văn chương của bà đã đạt tới con số 150 tác phẩm văn học, với hơn 6 triệu bản in và được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới.

Năm 2009, bộ "Chuyện tình Vịnh Cedar" đã được dịch giả Yên Minh dịch ra tiếng Việt và được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Với bộ sách này, bà đã đoạt giải thưởng văn học Quill (Sự lựa chọn của nhân dân, hay nói một cách chính xác hơn là sự lựa chọn của phụ nữ, vì bộ sách này chủ yếu là viết về và dành cho phụ nữ) do Romance Writers of America RITA Award trao. Trước đó ít lâu, Debbie Macomber còn nhận được giải thưởng Oscar về kịch bản phim truyện xuất sắc nhất, chuyển thể từ tiểu thuyết "Giáng sinh" của bà. Ngoài công việc viết văn, Debbie Macomber còn là nhà tư vấn tâm lý tình nguyện cho trẻ em và là một trong những sáng lập viên Quỹ Mái ấm cho phụ nữ toàn cầu. Để hỗ trợ cho công việc sáng tác và tư vấn tâm lý trẻ em, bà rất ham mê nghiên cứu y học và hoạt động xã hội. Chính vì thế Debbie Macomber đã từng nhận được giải thưởng cao quí: Người phụ có uy tín và ảnh hưởng nhất trong năm 1996-1997 do Giải thưởng Soroptimist quốc tế tại Port Orchard, Washington trao. Có thể nói Debbie Macomber là người phụ nữ sống và lao động sáng tạo không mệt mỏi vì sự bình yên và tiến bộ của phụ nữ trên toàn thế giới.

Vì sao "Chuyện tình Vịnh Cedar" lại được độc giả đón nhận nồng nhiệt?

Sẽ có nhiều cách lý giải khác nhau: Nào là người Mỹ vẫn duy trì được thói quen đọc sách; nào đấy là cuốn sách viết về và dành cho phụ nữ trên toàn thế giới, mà phần lớn trong số họ là những người giữ hầu bao của gia đình; nào là phụ nữ Mỹ lắm tiền, thích tiêu xài;... Tuy nhiên có một điều không ai chối cãi được: tác giả của bộ sách, nữ nhà văn Debbie Macomber là một tài năng kiệt xuất và là người có sức lao động sáng tạo không mệt mỏi. Hơn thế, tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm đối với những người thân trong gia đình nói riêng và đối với cộng đồng nói chung là yếu tố góp phần quan trọng trong thành công của bà.

Cũng có người cho rằng sức hút của "Chuyện tình vịnh Cedar" chính là sự đan xen giữa các yếu tố thực và mộng. Thực, bởi mọi sắc thái cuộc sống được mô tả hết sức cụ thể, chi tiết như nó vốn có. Người ta có thể gặp đâu đó, trên từng con phố, từng căn nhà, thậm chí từng mặt người với những rung cảm chân thật, tự nhiên, ở những trạng thái và hành động rất đỗi bình dị, rất mực đời thường. Cuốn sách không dung dưỡng cho những hành động bột phát, những tiếng sét ái tình hay những va chạm thể xác nảy lửa. "Chuyện tình Vịnh Cedar" cũng không có những tính cách thần tiên, cao thượng hay hoàn hảo 100%. Mọi người đều có thể phạm phải những sai lầm vụng dại khi những khoảnh khắc đời thường chỉ chớp mắt là qua trong chiều dài khôn cùng của vũ trụ. Thế nhưng, những chi tiết ấy dưới ngòi bút của Debbie Macomber, luôn dậy lên vẻ tươi nguyên, dịu dàng và có thể thẩm thấu vào chiều sâu tâm hồn độc giả. Mộng, bởi lẽ Vịnh Cedar nằm bên bờ biển lấp lánh ánh sóng với những biệt thự gỗ chênh vênh nhìn xuống từ đồi cao, những hàng cây xanh mát mắt, những con đường quanh co đi vào thị trấn, đất đai ôn hòa, tuyết rơi nhẹ nhàng, mưa xuân rây rắc, nắng êm như mật ong...

Có điều là Debbie Macomber không biến tác phẩm của mình thành một liều thuốc mê để ru ngủ tâm hồn người đọc. Bà không đẩy mọi nhân vật hoặc hành động lên quá mức cần thiết, không tô hồng, cũng không bôi đen bất cứ một chi tiết nào. Macomber chỉ làm một việc là vận dụng nghệ thuật để giải mã những điều ẩn kín hoặc những mặt khác nhau của cùng một sự việc, để khám phá xã hội bằng cái nhìn mới, đa diện hơn và đạt đến những gì cao hơn là sự giải trí thông thường.

Văn hóa đọc xuống cấp hay văn chương nhạt dần?

Có thể là cả hai. Thứ nhất do sự bùng nổ của công nghệ nghe nhìn, báo trực tuyến, trò chơi online... những cái còn khá mới mẻ với đại bộ phận công chúng nước ta. Mặt khác còn do sự hạn hẹp cả về nội dung, nghệ thuật lẫn hình thức thể hiện của không ít loại sách xuất bản, khi chúng chủ yếu là loại sách "mì ăn liền" chạy theo yếu tố thương mại kiểu "hàng xén", nên dễ gây nhàm chán đối với độc giả. Thậm chí một nhà văn có tên tuổi cũng công khai nói rằng ông đang viết "sách ba xu", huống hồ những tác giả trẻ mới tập tọng vào nghề, chủ yếu viết theo yêu cầu của nhà xuất bản. Đã thế lại được một số tờ báo lăng xê, họ tưởng thật, cứ thế mà viết, cứ thế mà in, cứ thế mà ế ẩm và cứ thế mà kéo văn hóa đọc xuống tận chân dốc.

Quan trọng hơn cả là phần đông các văn sĩ là “con nhà nghèo”, thiếu đủ thứ... Chính điều đó đã đẩy không ít người đến chỗ chỉ có thể viết ra những cuốn tiểu thuyết "ba xu". Đã là loại sách ấy lấy đâu chỗ đứng bền vững trong lòng độc giả yêu thích văn chương. Bận bịu kiếm tiền bằng thứ văn chương "ba xu" một số tác giả không còn đâu thời gian, công sức và tâm huyết dành cho sự sáng tạo đích thực, để lại dấu ấn lâu bền trong lòng độc giả. Không bao giờ có độc giả quay lưng lại với văn chương chân chính, mà chỉ có những tác phẩm văn chương nhạt phèo, vô bổ không thể nào lôi kéo độc giả về phía mình.

Đạo Thành


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn