Thời gian qua, dư luận xã hội và đội ngũ những người làm công tác Y tế cả nước đặc biệt tâm đến sự cố y tế trong việc chạy thận nhân tạo làm tám người tử vong tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Cụ thể là việc Viện Kiểm Sát nhân dân tỉnh Hòa Bình ra quyết định truy tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước sự việc này, ngày 13/4, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm "Những vấn đề pháp lý đối với trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương".
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tội danh mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình áp dụng với BS. Lương với hậu quả 8 người bệnh tử vong thuộc dạng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải áp dụng hình thức tù giam, không áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ (án treo).
“Nếu nhận mức án này, BS. Lương, vợ con, gia đình, dòng tộc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín; cá nhân BS. Lương sẽ bị tiêu tan sự nghiệp, sẽ sống trong tương lai mờ mịt, vô vọng…”- TS. Quang nói.
TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng: "Việc truy tố BS. Lương với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm".
Như vậy liệu việc truy tố BS. Lương với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có thuyết phục, có đúng pháp luật? Đối chiếu với cáo trạng về tội danh của BS. Lương, ông Quang cho rằng, có một số yếu tố cấu thành tội phạm cần được xem xét lại.
TS. Quang chỉ rõ: Về yếu tố chủ thể, qua giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an thì hàm lượng Florua trong nước RO chạy thận cao gấp 245 - 260 lần mức cho phép. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tử vong do "ngộ độc Florua". Từ nguyên nhân trên, chủ thể của tội danh này phải là người có chức vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO số 2. Do mối quan hệ nhân quả trên, Bs.Lương không phải người có quyền hạn liên quan đến việc này.
Bác sĩ được đào tạo là để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh. Việc mua sắm, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị do bộ phận quản lý trang thiết bị cuả Bệnh viện quản lý. Do đó, bác sĩ không phải là người chịu trách nhiệm về trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế … .
Về yếu tố khách quan liên quan đến hành vi thiếu trách nhiệm, do không có quyền hạn liên quan đến sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO nên BS. Lương không kiểm tra và nếu có kiểm tra thì BS. Lương cũng không thể kiểm tra vì không được đào tạo, không có kiến thức kiểm tra, không có thiết bị chuyên ngành để kiểm tra và dù có nếm, ngửi, sờ… nước RO thì cũng không biết nước đó có bảo đảm tiêu chuẩn hay chưa.
Cáo trạng ghi BS. Lương không báo cáo với Trưởng khoa mà đã ra y lệnh điều trị cho người bệnh. Đúng là BS. Lương không báo cáo, nhưng nếu có báo cáo thì Trưởng khoa cũng không biết chất lượng nước RO sau sửa chữa, bảo dưỡng có bảo đảm tiêu chuẩn hay chưa nên hậu quả chết người vẫn xảy ra.
BS. Lương vẫn ngày đêm tận tụy cứu chữa người bệnh.
"Các phân tích trên đây cho thấy, việc truy tố BS. Lương với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm (chủ thể, khách quan liên quan đến hành vi thiếu trách nhiệm) nên không có căn cứ để kết tội. Đề nghị Tòa án tuyên bố vô tội cho BS. Lương để tránh oan sai, bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong công tác xét xử theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta"- TS. Quang cho biết.
Ông Quang cũng đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật cho các bị can còn lại, không để lọt tội phạm để tạo niềm tin trong nhân dân và sự yên tâm công tác cho các thầy thuốc, nhân viên y tế trên toàn quốc.
"Hiện nay, đa số bác sĩ, nhân viên y tế luôn cảm thấy bất an, không yên tâm điều trị, phục vụ người bệnh khi mà số lượng vụ việc lăng mạ, chửi bới, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế ngày một gia tăng. Nếu Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử BS. Lương theo đúng tội danh này thì họ lại càng bất an hơn vì cảm thấy không được pháp luật bảo vệ (Trang thiết bị y tế hỏng, thuốc kém chất lượng, vật tư tiêu hao không an toàn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh thì bác sĩ khi kê đơn, ra y lệnh đều có thể phạm tội ngoài yếu tố chuyên môn cả)"- ông Quang phân tích.
Ở vụ việc này, BS. Lương đã làm đầy đủ trách nhiệm, đã khám lâm sàng thấy bệnh nhân đủ điều kiện chạy thận, dùng thuốc theo đúng chỉ định y khoa; còn vấn đề nước chạy thận, theo tôi, BS. Lương hoàn toàn không có khả năng kiểm tra...
Nếu BS. Lương không ra y lệnh điều trị cho bệnh nhân - cụ thể ở đây là chạy thận lọc máu cho người bệnh thì liệu rằng lúc này anh có bị quy kết trách nhiệm không kịp thời cứu chữa người bệnh?