Những năm gần đây Trung Quốc đang phải đối mặt với một thảm họa mới, thảm họa ô nhiễm môi trường, hậu quả làm tăng nhiều loại bệnh nan y, trong đó bệnh ung thư tăng đột biến.
Tỷ lệ ung thư tăng cao, cái giá của tăng trưởng?
Mới 10 giờ sáng tại Bệnh viện Ung thư Thiên Tân (TCH), Trung Quốc, cơ sở điều trị ung bướu lớn nhất châu Á, nữ bác sĩ Zhang Jing đã phẫu thuật xong 4 ca ung thư, trong khi đó cách đây mười năm, chỉ khoảng hai ca mỗi ngày. Tính bình quân, số ca bác sĩ Zhang Jing phải phẫu thuật mỗi ngày cao hơn 3 lần, tức 7 ca/ngày. Trong khi đó số lượng bệnh viện ung thư đã tăng gấp đôi nhưng vẫn không giải được bài toán "cung cầu".
Bác sĩ Zhang Jing cho biết: "Ngay cả khi chúng tôi khám 50 bệnh nhân ngày, thì cũng không theo kịp với tốc độ gia tăng của căn bệnh quái ác này. Nếu có điều kiện vào thăm các bệnh viện ung thư, mọi người mới hiểu hết sự thật, không tìm thấy một giường trống". Ngay trong hành lang của bệnh viện Ung thư Thiên Tân, bệnh nhân lẫn gia đình người bệnh chen lấn để làm thủ tục khám và nằm la liệt khắp hành lang.
Đi tìm con số thật
Trung Quốc chiếm khoảng 20% dân số thế giới, nhưng lại "sở hữu" tới 22% số ca mắc bệnh ung thư mới và 27% số ca tử vong vì ung thư trên quy mô toàn cầu.
Trong khi tỷ lệ ung ở nhiều nước phương Tây giảm mạnh, thì tại Trung Quốc số người mắc bệnh lại tăng vọt. Người ta cho rằng, thủ phạm chính là do ô nhiễm môi trường và những thói quen thiếu khoa học, không lành mạnh của người dân gây ra. Thực tế đáng buồn nhưng con số lại bị bưng bít, nên dư luận không bao giờ biết được sự thật.
Hiện tại Trung Quốc chiếm khoảng 20% dân số thế giới, nhưng lại "sở hữu" tới 22% số ca mắc bệnh ung thư mới và 27% số ca tử vong vì ung thư trên quy mô toàn cầu. Phần lớn người dân Trung Quốc đều nghĩ rằng ung thư là căn bệnh khủng khiếp, mắc bệnh có nghĩa chết sớm và kiêng không nói đến hai từ ung thư. Mặc dù ung thư là căn bệnh gây tử vong hàng đầu nhưng Trung Quốc không có chiến dịch phòng chống cụ thể như tuyên truyền nguyên nhân gây bệnh có thể phòng tránh được, như hút thuốc lá, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường... Năm 2012, Trung tâm Ung thư Quốc gia của Trung Quốc ra đời nhưng chỉ tồn tại trên giấy tờ, thậm chí ngay cả trang web cũng không có.
Số liệu thống kê về ung thư cũng rất khó tìm. Ví dụ, năm 2008, Viện Hàn Lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc đã phát động Dự án đăng ký ung thư trên toàn quốc, với 219 điểm đăng ký để ghi lại dữ liệu và nhờ dự án này người ta có thêm một chút thông tin mới . Năm 2013, báo cáo chính thức của dự án nói trên đã được công bố nhưng nó lại sử dụng số liệu của năm 2010 nên không biết đâu là thật, đâu là ảo. Chương trình tầm soát ung thư quốc gia hầu như không tồn tại.
Hệ thống y tế quả mỏng nên nhiều người không được chẩn đoán, đến khi thấy bệnh là lúc đã quá muộn. Do không được tuyên truyền rõ ràng nên việc hút thuốc lá và nạn hàng giả tràn lan, nhất là thực phẩm, đồ uống độc hại tràn lan làm cho tỷ lệ ung thư tăng vọt. Thậm chí ở Trung Quốc người ta còn phát hiện thấy nhiều làng ung thư như làng Heshan ở tỉnh Hồ Nam, nhiều người ở đây mắc bệnh ung thư do ô nhiễm thạch tín (arsen) và lưu huỳnh. Năm 2010, có 167 người dân làng Heshan chết vì ung thư do nguồn nước nhiễm arsen, 190 người khác mắc bệnh ung thư ở những mức độ khác nhau. Nhiều người dân trong làng buộc phải rời bỏ quê hương đi sinh sống ở nơi khác.
Ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất
Ô nhiễm môi trường thủ phạm gây ung thư
Ung thư gan là căn bệnh hàng đầu người dân Trung Quốc hiện nay đang mắc phải, nhất là ở đàn ông, tỷ lệ người mang virus viêm gan B tăng chóng mặt. Theo thống kê, khoảng 130 triệu người ở Trung Quốc hiện được cho là mang virus viêm gan B và 30 triệu đã phát triển thành sang dạng viêm gan B mãn tính. Đây là một thực trạng nan giải bởi người dân không được kiểm tra sức khỏe định kỳ, virus có thể dễ dàng biến đổi thành ung thư gan. Vì vậy Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới về căn bệnh nói trên, chiếm một nửa số ca mắc bệnh ung thư gan trên thế giới.
Chỉ trong một buổi sáng, bác sĩ Song Jing của một bệnh viên ung thư cấp tỉnh đã khám và phát hiện thấy 10 bệnh nhân mới, tất cả đều được tìm thấy có ung thư gan giai đoạn cuối. Khi được hỏi những người này sống được bao lâu, bác sĩ Song Jing cho biết không quá một năm bởi đã sang giai đoạn cuối. Một trong những nguyên nhân làm gia tăng ung thư là do các thành phố lớn của Trung Quốc đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Ngoài ra còn phải kể đến ý thức của người dân, họ sợ ung thư lại ngại đi khám và giấu bệnh. Ví dụ, Wang Hui, nữ ca sĩ opera Trung Quốc khi phát hiện thấy bệnh ung thư vú đã lẩn trốn gia đình, bạn bè vì xấu hổ, đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất ở phụ nữ Trung Quốc hiện nay. "Tôi không muốn nói với các đồng nghiệp hoặc người thân vì tôi không muốn họ phải lo lắng, nhưng khi tôi đến bệnh viện, tận mắt chứng kiến nhiều người có cùng hoàn cảnh nên tôi yên tâm điều trị, không còn thấy mặc cảm nữa", bà Wang Hui tâm sự. Đây chỉ là một trong số hàng triệu người ở Trung Quốc đang bắt đầu chấp nhận sự thật khó khăn, dịch bệnh mà sớm muộn không thể bỏ qua được.
Khắc Nam (Theo BBC -11/2014)