- Trịnh Kim Chi là Á hậu Việt Nam đầu tiên trong lịch sử được phong tặng danh hiệu NSND, gần 30 năm sau cuộc thi nhan sắc vẫn được khán giả gọi như thế, cảm giác của chị thế nào?
Khi 2 vợ chồng biết thông tin có quyết định phong tặng NSND, ông xã không nói gì, không có phản ứng gì. Nhưng đến lúc ăn cơm anh nói với con gái lớn là: 'Con biết mẹ có tin vui gì chưa? Mẹ là NSND rồi đó'. Nói xong rồi hai ba con trầm trồ với nhau. Thực sự cảm giác của tôi lúc đó là hạnh phúc.
Còn khi đọc được mọi người gọi tôi là Á hậu Việt Nam đầu tiên trong lịch sử được phong tặng danh hiệu NSND, tôi cảm giác vui lạ lạ và hãnh diện bởi 29 năm sau Hoa hậu Việt Nam 1994, hoạt động nghệ thuật nhiều như thế vẫn được khán giả ưu ái nhớ đến là một Á hậu và là Á hậu đầu tiên được phong NSND. Với tôi, đó là hạnh phúc vì được công nhận sự bền bỉ với công việc và danh hiệu.
- Từ nhiều năm nay, các đợt xét tặng NSƯT, NSND được dư luận rất quan tâm bởi có một thực tế nhiều nghệ sĩ được cho là rất xứng đáng nhưng vẫn không được phong tặng NSND vì lý do thiếu huy chương, thiếu phiếu bầu,... Đó là một bất cập xét tặng NSND. Là nghệ sĩ cũng là người quản lý chị nghĩ sao về điều này?
Xét tặng danh hiệu NSND, bên cạnh những tiêu chí về số năm làm việc, giải thưởng,... hội đồng các cấp còn thảo luận, đánh giá các trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cũng khó tránh khỏi những nghệ sĩ sẽ chịu thiệt thòi. Song thực tế, cũng có nghệ sĩ được xét tặng đặc cách (không cần đáp ứng đủ tiêu chí) vì họ đã cống hiến rất nhiều cho nghệ thuật nước nhà, được đông đảo quần chúng nhân dân công nhận.
Hơn nữa, tôi nghĩ với các cô các chú chưa được phong tặng NSND nhưng lại được quần chúng nhân dân ái mộ, thương mến, công nhận qua từng tác phẩm thì đó mới là đáng quý, là hạnh phúc. Không gì bằng việc được nhân dân đón nhận, ghi nhận.
- Như trường hợp cố nghệ sĩ Vũ Linh lúc sinh thời cũng không muốn làm hồ sơ xét duyệt vì đã nhận được tình thương của khán giả, song chị cũng biết đó, cũng có nhiều nghệ sĩ những năm tháng cuối đời vẫn đau đáu chuyện danh hiệu đấy thôi!
Tôi nghĩ mỗi nghệ sĩ có quan điểm khác nhau. Tôi nghĩ đơn giản, các cô chú đã có cống hiến rất lớn cho nghệ thuật và được số đông khán giả yêu mến thì còn quý giá hơn nhiều các danh hiệu.
Tất nhiên có một số nghệ sĩ muốn được Nhà nước ghi nhận nên việc xét theo tiêu chí cũ sẽ khiến nhiều người chịu thiệt thòi. Những năm gần đây vấn đề này được lưu tâm. Là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, từ vài năm gần đây chúng tôi cũng cân nhắc và đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ gạo cội vào danh sách để được xét đặc cách. Điển hình như trường hợp cô Thanh Kim Huệ, chú Thanh Điền,... Tôi là người gọi điện nhắc nhở mọi người, xin hồ sơ của họ để làm đơn xét duyệt cho các cô chú.
Nói thật, thời điểm làm hồ sơ cô Thanh Kim Huệ còn sống, đến lúc cô gần mất vẫn rất mong mỏi điều đó. Nhưng vì lý do vướng dịch bệnh và nhiều vấn đề khác nên gần đây vợ chồng cô mới được phong tặng NSND. Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng may mắn thế.
- Vậy dưới góc độ người làm quản lý - PCT Hội Sân khấu TP.HCM, với những bất cập thấy rõ trong tiêu chí xét tặng NSND, theo chị có nên chăng cần bổ sung tiêu chí "sự lan tỏa hình ảnh" cho các nghệ sĩ xét duyệt danh hiệu không? Vì đôi khi có nghệ sĩ không ai biết đến vẫn được phong tặng NSND!
Tiêu chí về huy chương đúng là thiệt thòi với rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Không phủ nhận rất nhiều nghệ sĩ hình ảnh lan toả, toả sáng như ngôi sao, nhận biết bao khán giả yêu thương,... nhưng thiếu huy chương. Bởi có khi họ tỏa sáng là thời điểm đã về hưu, cơ hội tham gia dự thi với giải thưởng là không nhiều hoặc không có.
Vì vậy, tôi nghĩ, dù việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã qua nhiều vòng, với nhiều bước đánh giá, nhưng việc có thêm một tiêu chí về sự công nhận, đánh giá của công chúng đối với các nghệ sĩ cũng là một ý tưởng thú vị, có thể tham khảo.
Cảm ơn chia sẻ của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi!