Hà Nội

Triển khai nhiều giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược trong giai đoạn mới tại Tiền Giang

23-08-2024 20:03 | Dược
google news

SKĐS – Để thúc đẩy phát triển ngành dược tại tỉnh, Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực trong giai đoạn mới hiện nay.

Tận dụng nguồn dược liệu phong phú

Tiền Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Nam, có địa hình tương đối bằng phẳng, đất phù sa trung tính dọc sông Tiền chiếm khoảng 53% toàn tỉnh, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, nhất là nguồn dược liệu phong phú, đa dạng.

Toàn tỉnh có 363 vườn thuốc Nam mẫu tại các trạm y tế, trường học, phòng chẩn trị y học cổ truyền và có 40 - 60 loại cây thuốc được tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân để người dân biết, sử dụng điều trị các bệnh thông thường theo phương châm "Thầy tại nhà, thuốc tại vườn". 

Có hơn 200 loại cây thuốc được người dân trồng với trữ lượng lớn, cung cấp cho các cơ sở sản xuất Đông Nam dược trong tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã nhà máy có dây chuyền sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Triển khai nhiều giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược trong giai đoạn mới tại Tiền Giang- Ảnh 1.

Phát triển ngành dược đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho người dân. Ảnh THTG

Để đẩy mạnh phát triển ngành Dược, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu phát triển ngành Dược Tiền Giang đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho người dân với mức chi phí hợp lý theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển dược liệu trong tỉnh; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.

Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc. Duy trì tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế/năm: Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh đạt thấp nhất là 60%; Trung tâm y tế tuyến huyện đạt thấp nhất là 95%; Duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt phân phối thuốc" (GDP), 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt nhà thuốc" (GPP); Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc" (GLP); 100% bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện phải tuân thủ "Thực hành tốt bảo quản thuốc" (GSP) đối với hoạt động bảo quản thuốc theo quy định; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng.

Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/100 giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày; 100% cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/01 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.

Định hướng đến năm 2045, tiếp tục đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; công tác kiểm soát chất lượng thuốc, phân phối thuốc, dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược tiếp tục được nâng cao hiệu quả thực hiện…

Triển khai nhiều giải pháp

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp tập trung vào các nhiệm vụ như:

+ Tiếp tục hoàn thiện về cơ chế chính sách, xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực về dược sĩ dược lâm sàng; ban hành chính sách ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây dược liệu, tham gia phát triển nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc" (GACP).

Phấn đấu đến năm 2030 hình thành 01 Trung tâm trồng khảo nghiệm, sản xuất giống cây dược liệu quý, giống cây dược liệu hàng hóa có giá trị kinh tế và lợi thế của Tiền Giang. Hình thành ít nhất 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu.

Xây dựng thương hiệu ít nhất 03 sản phẩm dược liệu và có ít nhất thêm 05 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh. Hình thành mới thêm ít nhất 03 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh và ít nhất 02 nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP-WHO.

Đến năm 2045, hình thành ít nhất 06 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu. Xây dựng thương hiệu ít nhất 04 sản phẩm dược liệu và có thêm ít nhất 10 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh. Hình thành mới ít nhất 04 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh và ít nhất 03 nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP-WHO.

Để ngành dược phát triển cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch. Tỉnh quan tâm bố trí, dành quỹ đất cho phát triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích Nhân dân, doanh nghiệp chuyển đổi diện tích cây trồng không có hiệu quả sang trồng cây dược liệu; hình thành các vùng trồng cây dược liệu tập trung... Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc: Nâng cấp hệ thống kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm thực phẩm tỉnh, song song với việc đào tạo nhân lực, đảm bảo đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc" (GLP).

Chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong bảo tồn nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao, nghiên cứu chọn tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong tỉnh. Sưu tầm, nghiên cứu kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc trong cộng đồng. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược.

Bộ Y tế giải đáp, tháo gỡ nhiều quan tâm về đấu thầu, mua sắm lĩnh vực y dược học cổ truyềnBộ Y tế giải đáp, tháo gỡ nhiều quan tâm về đấu thầu, mua sắm lĩnh vực y dược học cổ truyền

SKĐS - Hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc nói chung và mua sắm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền nói riêng là một trong các hoạt động quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.


N.Anh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn