Cứu sống bệnh nhân là quan trọng. Nhưng thành công đó chỉ viên mãn khi người bệnh trở về cuộc sống thường ngày trong tình trạng sức khỏe tốt nhất. Với tâm niệm đó, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM (BVND 115) đã luôn nỗ lực thực hiện những kỹ thuật đỉnh cao trong y học để không chỉ giảm tỉ lệ tử vong mà còn giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Phương pháp tuyệt vời có tên… thuốc tiêu sợi huyết
“Tim thắt lại. Bệnh nhân lại tử vong. Còn kia, người bệnh dẫu được cứu nhưng lại bị tàn phế suốt đời”. Một bức tranh mà ở đó người ta chỉ thấy màu của tuyệt vọng giờ đã ánh lên những gam màu tươi sáng. Tất cả là nhờ sự phấn đấu không biết mệt mỏi của y bác sĩ Khoa Bệnh lý mạch máu não và cả Ban lãnh đạo BVND 115. “Cách nay hơn 2.400 năm, Hippocrates, ông tổ của ngành y khoa, là người đầu tiên nhận biết và mô tả bệnh lý đột quỵ với triệu chứng liệt nửa người xảy ra một cách đột ngột. Tuy vậy, chỉ mới trong những năm gần đây, y học hiện đại mới tìm ra được những phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh lý này”, ThS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Phó khoa Bệnh lý mạch máu não - Tổng Thư ký Hội Phòng chống tai biến mạch máu Việt Nam, nói về bệnh lý đột quỵ.
Theo anh, người ta bảo chỉ nhìn thấy ở bệnh đột quỵ màu của tuyệt vọng cũng có cái lý. Ngay tại các nước phát triển, đột quỵ vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, tước bỏ chức năng vận động của con người. Ngoài ra, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau các bệnh lý tim mạch và ung thư. Mỗi năm, Hoa Kỳ phải mất khoảng 60 tỷ đô-la cho việc điều trị và chăm sóc các bệnh nhân đột quỵ. Tại Việt Nam, số bệnh nhân bị đột quỵ có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Riêng tại BVND 115 có trên 2.000 bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị mỗi năm.
Ghép thận đã trở thành phẫu thuật thường quy tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP. HCM. |
Phần lớn các bệnh nhân đột quỵ phải chịu đựng cuộc sống tàn phế trong suốt thời gian còn lại. Trong khi đó, những bệnh nhân này có thể phục hồi chức năng vận động nếu được điều trị sớm và kịp thời ngay sau khi khởi phát triệu chứng với những phương pháp tiên tiến nhất. “Ban giám đốc trăn trở. Những bác sĩ điều trị trực tiếp như chúng tôi cũng trăn trở. Chỉ mong trên thế giới có phương pháp gì điều trị tốt nhất cho người bệnh là chúng tôi quyết “tầm sư học đạo” để về chữa trị cho bệnh nhân. Nên khi Hoa Kỳ sử dụng thuốc ly giải huyết khối - một phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp hiện nay trên thế giới, lãnh đạo bệnh viện đã cử tôi sang đó học. Và BVND 115 là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng phương pháp này từ năm 2005.
Hiện nay, bệnh viện chúng tôi cũng là nơi đầu tiên sử dụng thuốc ly giải huyết khối qua đường động mạch”, ThS. Thắng chia sẻ. Theo anh, thuốc ly giải huyết khối được Hoa Kỳ chấp thuận sử dụng từ năm 1996 trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp trong vòng 3 giờ đầu (kể từ lúc bắt đầu khởi phát triệu chứng). Kết quả nghiên cứu cho thấy, thuốc làm tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ. So với điều trị thông thường, có thêm 13% bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống một cách bình thường nếu được điều trị bằng phương pháp này. Nếu bệnh nhân được điều trị càng sớm, khả năng thành công càng cao. Do vậy, sau khi phát hiện các triệu chứng của đột quỵ, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị bằng phương pháp này càng sớm càng tốt.
Thuốc có thể sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch hoặc bơm thuốc trực tiếp vào cục huyết khối qua một ống dẫn từ động mạch đùi. Khoa Bệnh lý mạch máu não, BVND 115 là nơi có số bệnh nhân được sử dụng thuốc ly giải huyết khối nhiều nhất hiện nay. Sau điều trị, kết quả thu được rất khả quan, khoảng 50% bệnh nhân có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường, tránh được cuộc sống tàn phế. Tuy nhiên, thuốc chỉ có thể sử dụng ở các bệnh nhân nhập viện trước 3 giờ tính từ lúc khởi phát triệu chứng. Trải lòng nhưng cũng để thể hiện sự quyết tâm, BS. Nguyễn Huy Thắng nói: “Đây là phương pháp đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.
Song dù đây không phải là một phương pháp quá khó, nhưng nếu muốn điều trị cho bệnh nhân phải cần sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của các y bác sĩ. Không chỉ cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều chuyên khoa mà còn cần một tinh thần làm việc cật lực, hết mình với người bệnh. Bệnh nhân có thể nhập viện bất cứ giờ nào, 12 giờ khuya, 3 giờ sáng hay 6 giờ chiều. Trong khi đó, chỉ có 3 giờ hoặc để cứu sống họ hoặc họ sẽ chết hay tàn phế. Áp lực luôn đè nặng trên vai. Nhưng trên tất cả là chất lượng sống của bệnh nhân nên chúng tôi luôn sẵn sàng”.
Sâu thẳm sự sống
“Sự nghiệp thiêng liêng và cao quý nhất của người thầy thuốc là cứu người. Vậy nên có nỗi đau nào lớn hơn khi nhìn thấy bệnh nhân của mình sống trong cảnh “cái chết được báo trước” mà người thầy thuốc lại lực bất tòng tâm. Đề án thực hiện ghép thận tại bệnh viện được nung nấu. Vào tháng 3/2004, sau khi êkíp bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đi học ở trong và ngoài nước về cùng với sự hỗ trợ của các giáo sư đến từ Vương quốc Bỉ, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép thận từ người cho sống đầu tiên.
Từ đó đến nay, ghép thận đã thực sự trở thành phẫu thuật thường quy tại bệnh viện. Tính đến nay, chúng tôi đã thực hiện thành công 39 ca ghép thận. Nhiều bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối đã không còn phải sống trong cảnh phập phù như ngọn đèn trước gió, có thể từ biệt cõi đời bất cứ khi nào. Sâu thẳm sự sống với sự hồi sinh diệu kỳ đến từ những đôi bàn tay tài hoa của người thầy thuốc”, TS.BS. Phan Văn Báu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiêm Giám đốc BVND 115 bộc bạch.
Có thể nói, Trung tâm Ghép thận tại BVND 115 hiện là một trong những trung tâm ghép tạng lớn nhất trong cả nước. Theo ThS.BS. Trương Hoàng Minh - Trưởng khoa Ngoại niệu - Ghép thận, việc thực hiện ghép thận tại đây được chia thành 3 êkíp phối hợp nhịp nhàng ăn khớp với nhau. Êkíp lấy thận được thực hiện bởi 3 bác sĩ, sau khi bóc tách tĩnh mạch (TM), động mạch (ĐM) thận và niệu quản xong, phẫu thuật viên sẽ cắt rời thận và đem ra ngoài trong thời gian ngắn nhất có thể (khoảng vài phút). Hai bác sĩ rửa thận sẽ tiến hành rửa thận bằng một dung dịch đặc biệt bảo quản thận tồn tại trong khoảng 24-28 giờ mà không hư. Thận được rửa sạch máu và đưa vào túi có dung dịch kể trên rồi chuyển đến bàn mổ. Êkíp ghép thận gồm 3 bác sĩ, tùy theo từng trường hợp mà ghép vào hố chậu trái hay phải nhưng thông thường các bác sĩ ở đây sẽ lấy thận bên trái và ghép vào hố chậu phải của người nhận.
Phẫu thuật viên sẽ thực hiện thông nối TM thận ghép với TM chậu ngoài của người nhận theo kiểu tận - bên. Sau đó, thông nối ĐM thận ghép với ĐM chậu trong người nhận kiểu tận - tận hoặc với ĐM chậu ngoài hay chậu chung kiểu tận - bên tùy từng trường hợp cụ thể. Kết thúc thì thông nối mạch máu, mở kẹp. Thông thường thì nước tiểu sẽ xuất hiện ở đầu quản thận ghép với bàng quang của người nhận theo nhiều kỹ thuật khác nhau. Tuy nhiên tại BVND 115, các bác sĩ thực hiện kỹ thuật Lich-Grégoir cải biên mang lại kết quả rất khả quan. Ca ghép kết thúc, bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi điều trị sát sao và khoảng 2 tuần sau sẽ được xuất viện.
Với nhiều bệnh nhân, ngày họ được xuất viện lại giống như ngày họ mới được sinh ra. Nếu bầu sữa mẹ đã nuôi họ từ những đứa trẻ mong manh thành những người trưởng thành vững chãi thì thầy thuốc là người đưa họ từ cõi chết tìm về với sự sống, nỗi tuyệt vọng bỗng thênh thang trong niềm vui sướng, lạc quan. Và trên tất thảy, là một niềm tin mãnh liệt: Tin vào nền y tế Việt Nam. Chúng ta có đủ năng lực, ý chí, kiến thức và điều kiện thực hiện những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y học!
Bài, ảnh:
Nguyễn Huyền