Những tờ giấy khai sinh với dấu ấn buồn khi nơi sinh là "tại trại giam", người khai sinh là "giám thị trại giam" rồi sẽ chỉ còn là quá khứ khi mới đây, việc khai sinh cho trẻ em thuộc đối tượng này đã có quy định mới.
Có thể đăng ký khai sinh lưu động
Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4325/BTP-HTQTCT ngày 4/6/2013 yêu cầu Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự (CQTHAHS) công an cấp huyện thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em do nữ phạm nhân sinh ra như sau:
“- Đối với phạm nhân mà có thân nhân ở gần thì đề nghị Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng CQTHAHS công an cấp huyện thông báo để thân nhân của phạm nhân đến trực tiếp làm thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em trong thời hạn quy định (60 ngày, kể từ ngày trẻ em được sinh ra theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch).
Mục ghi về người đi đăng ký khai sinh trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi tên thân nhân của phạm nhân đó.
Trường hợp thân nhân của phạm nhân đã được thông báo nhưng không đến làm thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em thì thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo hướng dẫn như đối với trường hợp phạm nhân có thân nhân ở xa hoặc không có thân nhân.
- Đối với phạm nhân mà có thân nhân ở xa hoặc không có thân nhân thì đề nghị giám thị trại giam, trại tạm giam, thủ trưởng CQTHAHS công an cấp huyện thông báo cho công chức tư pháp - hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức đăng ký khai sinh lưu động ngay tại trụ sở trại giam, trại tạm giam, CQTHAHS công an cấp huyện. Mục ghi về Người đi đăng ký khai sinh trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi tên người mẹ.
- Về phần ghi về nơi sinh trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh:
Trường hợp phạm nhân sinh con tại cơ sở y tế thì ghi tên cơ sở y tế và địa danh hành chính nơi trẻ em sinh ra (ví dụ: Bệnh viện tỉnh/huyện A; trạm y tế xã B…).
Trường hợp phạm nhân sinh con tại bệnh xá của trại giam, trại tạm giam, CQTHAHS công an cấp huyện thì chỉ ghi địa danh hành chính (xã, huyện, tỉnh) mà không ghi tên trại giam (ví dụ: Trẻ em sinh ra tại bệnh xá của Trại giam X thì chỉ ghi nơi sinh là xã/huyện/tỉnh)”.
Xử lý với giấy khai sinh trước đây như thế nào?
Bên cạnh đó, để khắc phục hậu quả đối với những trường hợp trẻ sinh trong trại giam, trại tạm giam đã được đăng ký khai sinh theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP gây thiệt thòi cho các em, Mục 4 của Công văn này hướng dẫn đối với trường hợp đã đăng ký khai sinh như sau:
“Để bảo đảm cho trẻ em phát triển bình thường, tránh mọi sự mặc cảm sau này cho nên đối với trường hợp trẻ em là con của phạm nhân đã đăng ký khai sinh mà trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh có ghi thông tin liên quan đến trại giam, trại tạm giam, CQTHAHS công an cấp huyện (như nơi sinh, người đi đăng ký khai sinh…) thì UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh phối hợp với giám thị trại giam, trại tạm giam, CQTHAHS công an cấp huyện điều chỉnh nội dung đăng ký khai sinh theo hướng như sau:
- Về nơi sinh: nếu đã ghi nơi sinh là bệnh xá trại giam, trại tạm giam, CQTHAHS công an cấp huyện, thì điều chỉnh lại (chỉ ghi tên xã, huyện, tỉnh như hướng dẫn nêu trên);
- Về người đi khai sinh: nếu đã ghi người đi khai sinh là giám thị trại giam, trại tạm giam, thủ trưởng CQTHAHS công an cấp huyện, thì điều chỉnh ghi tên của người mẹ.
Trường hợp người mẹ sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù mà có yêu cầu điều chỉnh những thông tin ghi trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của trẻ em (đăng ký khai sinh cho trẻ em trong thời gian người mẹ chấp hành hình phạt tù) thì UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em thực hiện điều chỉnh nội dung đăng ký khai sinh theo hướng dẫn nêu trên.
Sau khi đã điều chỉnh các nội dung này trong Sổ đăng ký khai sinh, UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh mới (cả bản chính và bản sao) cho trẻ em theo nội dung đã điều chỉnh; thu hồi Giấy khai sinh đã cấp trước đây”.