Tranh cãi tình huống có nên vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương?

10-05-2022 11:08 | Thời sự

SKĐS - Những ngày qua, trên các diễn đàn mạng xã hội “nóng” với cuộc tranh luận liên quan đến tình huống “nếu phương tiện vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương mà không may gây tai nạn thì xử lý thế nào?".

Theo đó, sự việc xảy ra vào hôm 22/4, tại nút giao Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai, Hà Nội).

Thời điểm này, một chiếc ô tô Vios đang dừng đèn đỏ thì có xe cứu thương phía sau cần nhường đường. Tuy nhiên, dù xe cứu thương liên tục phát tín hiệu nhưng tài xế ô tô phía trước vẫn đứng im, không di chuyển.

Theo chủ nhân đoạn clip, chiếc xe cấp cứu chở người bố bị bệnh nặng từ Bệnh viện Bạch Mai.

"Ngày hôm đó, chặng đường di chuyển xa, máy thở của bố thất thường lại mất thời gian vì không được nhường đường em bất lực muốn khóc. Nay bố em mất rồi, lo công việc xong cho bố mới đăng video này lên để cảnh tỉnh mọi người", cô gái chia sẻ.

Tranh cãi tình huống có nên vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương? - Ảnh 1.

Chiếc xe ô tô đang dừng đèn đỏ, cương quyết không nhường đường cho xe cứu thương. Ảnh cắt từ clip

Trong khi đó, sau khi bị cư dân mạng chỉ trích, tài xế ô tô lý giải: "Tôi lái xe bao năm biết rõ luật quy định xe nào được ưu tiên, nhưng không có luật nào quy định ô tô phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên. Luật thì thế, còn hôm đó nếu thuận tiện để nhường đường tôi vẫn sẽ vượt lên nhường ngay, nhưng đường khi đó quá đông nên tôi không thể làm khác được. Nếu nhường đường hoặc bị xử lý vì vượt đèn đỏ hay xảy ra tai nạn thì tôi không làm được".

Bàn về trường hợp trên, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về các phương tiện thuộc diện được ưu tiên và thứ tự của các ưu tiên như sau: 

  • Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
  • Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
  • Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
  • Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
  • Đoàn xe tang.

Theo đó, hành vi "Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ" là hành vi vi phạm hành chính đã được pháp luật quy định. Người điều khiển tham gia giao thông có nghĩa vụ phải chấp hành khi đủ điều kiện. Do đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và còn bị  xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

"Xét trong vụ việc này tài xế lái xe Vios cần phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương, hành động vi phạm này gây thiệt hại cho trật tự quản lý hành chính, an toàn giao thông nhỏ hơn thiệt hại sức khỏe, tính mạng của người trên phương tiện xe cấp cứu. Đây có thể được xem là trường hợp vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết, thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm, người vi phạm không bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính (Khoản 11, điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012)", luật sư Nghĩa phân tích.

Tranh cãi tình huống có nên vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Về trường hợp nếu vượt đèn đỏ để nhường đường xe ưu tiên mà không may gây tai nạn thì có phải chịu trách nhiệm không?, Luật sư Nghĩa cũng giải thích: Theo quy định của pháp luật, nếu hành vi vượt đèn đỏ nhường đường cho xe ưu tiên mà gây tai nạn thì người lái xe vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm do hành vi mình gây ra. Bởi khi vượt thì lái xe cần quan sát, đảm bảo an toàn thì mới có thể vượt. Theo đó, giả sử nếu là vụ việc gây tai nạn nhẹ ở mức độ xử phạt hành chính thì tài xế sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, tuy nhiên, trường hợp vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương được xem là tình thế cấp thiết thì tài xế có thể được xem xét tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp nếu vụ việc xảy ra tai nạn gây hậu quả nặng nề đến mức bị truy cứu TNHS theo Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Mức xử phạt sẽ tùy thuộc vào hậu quả gây ra có thể từ 1 năm đến 15 năm, bên cạnh đó, trong trường hợp chứng minh được đây là tình thế cấp thiết thì tài xế lái xe có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng ở tình huống này, tài xế ô tô cần phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương. Hình ảnh từ clip cho thấy không gian phía trước đủ khoảng trống để xe ô tô vượt đèn đỏ, rẽ phải mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khác. 

Do vậy, không chỉ tài xế ô tô này, các phương tiện ở bên phải của xe cứu thương cũng mắc lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên.

Tranh cãi tình huống có nên vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương? - Ảnh 3.

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

"Tôi cho rằng cần thiết phải xử phạt tài xế ô tô không nhường đường cho xe cứu thương để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật cũng như nâng cao, thống nhất nhận thức của người dân trong tình huống phải vi phạm giao thông để nhường đường cho xe ưu tiên", luật sư Lực nói.

Liên quan đến tình huống trên, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cho hay tài xế ô tô không nhất thiết phải vượt đèn đỏ, gây xung đột với luồng xe cộ mà chỉ cần tiến lên phía trước, vượt qua vạch kẻ đường và đánh lái về phía bên phải để đảm bảo an toàn, nhường đường cho xe cứu thương.

Vị đại diện khẳng định hành động không chấp hành tín hiệu đèn để nhường đường cho xe ưu tiên sẽ không bị xử phạt. Bởi hành động vượt qua vạch kẻ đường trong pha đèn đỏ là hy sinh lợi ích về trật tự an toàn giao thông nhưng thiệt hại của nó sẽ nhỏ hơn thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người trên xe cấp cứu.

Về việc có xử phạt đối với tài xế ô tô trong trường hợp trên hay không, đại diện Cục CSGT cho hay cơ quan chức năng cần làm rõ nhiều yếu tố khác như thời gian, địa điểm, tính chất của xe ưu tiên và thiệt hại liệu có đúng như những gì được đăng tải…

Xem thêm video được quan tâm:

Liều lĩnh đi ngược chiều giữa cao tốc, cô gái đi xe máy bị tông trực diện.

Nhật Tân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn