Nằm ngay trong thành phố Huế, bên cạnh con đường Lê Ngô Cát (TP. Huế) được mệnh danh là đường của sắc màu, làng Chông ẩn mình trong màu xanh mướt của tre. Có lẽ chính vì sống trong cái màu xanh ấy mà làng Chông đã khai sinh ra một nghề dường như "độc nhất" của cố đô: Nghề làm chông nhang.
"Sự tích" nghề làm chông
"Nghề ni có từ lâu lắm rồi, hồi trước giải phóng đã có người làm, rồi đời trước truyền lại đời sau, thành ra cả làng ai cũng làm nghề ni hết", chị Nguyễn Thị Tư, làng Chông cho biết. Quả thật, chỉ cần thấy màu xanh của tre rợp bóng khắp mọi nẻo đường cũng đủ biết sức sống của nghề ở làng Chông. Có những cụ già như cụ Lê Thị Gái, tuổi ngoài 60 mà đã có gần 50 năm gắn với nghề làm chông nhang. Những người đàn ông trong làng thì còn làm nghề này nghề khác, nhưng đàn bà thì ai cũng quá quen với cái cưa, cái rựa để làm nhang. Trẻ con lớn lên trong tiếng cưa tre rin rít, tiếng chẻ chông nên chưa đến 10 tuổi đầu cũng đã biết chẻ chông thành thạo như cầm đũa ăn cơm.
Chông nhang là phần lõi tre để làm nhang trầm. Người làng Chông chỉ làm độc một việc là chẻ chông nhang, rồi bán cho những người đi buôn bỏ mối khắp các chùa chiền hay nơi sản xuất nhang. Để chẻ chông, người làm chông phải bỏ cả phần vỏ ngoài lẫn phần ruột, chỉ lấy phần ở giữa để làm chông nhang. Bà Gái giải thích: "Phần ruột thì quá mềm, phần vỏ thì quá cứng không se nhang được nên người ta chỉ dùng mỗi phần lõi giữa đề làm chông. Đồ nghề làm chông cũng chỉ có mỗi cái cưa, cái thước để đo mà phân loại chông và cái rựa thật sắc để chẻ chông. Tất cả đều làm bằng thủ công. Chông nhang được phân loại theo độ dài, gồm loại 30 phân, loại 35 phân và loại 40 phân. Mỗi ngày, một người chẻ chông như bà Gái chẻ được khoảng từ 15 - 20 bó chông, với giá 2 - 3 ngàn đồng một bó. "Trước đây số tiền đó cũng đủ nuôi sống gia đình, tằn tiện thì vẫn sắm được cái này cái nọ. Chứ như chừ thì chỉ đủ ăn thôi, nên dân làng ni bỏ nghề nhiều lắm”.
Đi khắp nẻo làng Chông, vẫn thấy những cây tre đã được đốn sẵn, những bó chông phơi mình dưới nắng, nhưng khi hỏi thì hầu hết những người làm chông đều trả lời đó là công việc khi nhàn rỗi. Hỏi ra mới biết, chính vì sự long đong của nghề mà người làng Chông không còn mặn mà với truyền thống hơn 40 năm của làng nghề.
Bà Gái chẻ chông trong căn nhà lụp xụp. |
Trăn trở một giá trị truyền thống
Đã qua rồi cái thời cả làng Chông, đàn ông đàn bà, người già, trẻ nhỏ đều làm chông. Bây giờ đàn ông làng Chông hầu hết đều lựa chọn một việc khác để kiếm thu nhập cao hơn, chỉ có đàn bà là còn gắn bó với nghề. "Thời chừ, tre thì lên giá, mà giá chông thì chỉ nhỉnh hơn xưa chút ít. Rồi làng khác họ cũng chẻ chông, họ mua cả máy móc về để làm, còn mấy người làm tay như tụi tui nữa chú. Đàn ông làng ni cũng vô Nam hết, có mấy người ở lại mô. Không biết cái nghề ni còn được mấy năm nữa đây chú ơi" - bà Gái tâm sự như một nỗi niềm trăn trở.
Theo người dân làng kể, hồi trước, bên cạnh làng Chông còn có làng Tranh, chuyên làm tranh lợp nhà, rồi làng Bông, chuyên trồng hoa cho các dịp lễ Tết. Nhưng rồi dần dà cuộc sống phát triển, người ta không mấy ai còn làm nhà tranh nữa, làng Tranh thất truyền từ đó. Làng Hoa không chịu nổi sức cạnh tranh với các vùng miền khác nhập về, cũng chìm vào quên lãng. May có nghề làm chông vẫn còn nuôi sống được dân làng nên cái tên làng Chông còn tồn tại. Thế nhưng, cuộc cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, rồi chính sự long đong của nghề khiến làng Chông ngày càng đứng trước những khó khăn.
Ông Đoàn Vĩnh Thôi, Trưởng thôn Hạ, phường Thủy Xuân, (tức là làng Chông của ngày ấy), cho biết: "Nguyên vật liệu thì ngày càng khan hiếm, mà thu nhập lại chẳng bao nhiêu nên hầu hết dân làng ni đều kiếm nghề khác làm ăn hết. Hiện tại cả làng Chông chừ chỉ còn 6 hộ làm chông như nghề chính của mình, còn hầu hết người làng Chông chỉ làm chông nhỏ lẻ, tranh thủ lúc nhàn rỗi. Cũng chưa có chính sách chi ở trên chỉ đạo bảo tồn và phát triển nghề. Lâu lâu có mấy đoàn khách nước ngoài ghé tham quan, chụp ảnh, rứa rồi thôi".
Nghề làm chông nhang ở làng Chông rất cần được cả xã hội quan tâm và cùng góp sức bảo tồn.
Bài và ảnh: Thành Công - Đình Dũng