Mỗi dân tộc đều có một thứ "quốc tửu". Pháp và Italy có vang nho, Đức có bia và Nga có vodka. Nhưng dường như với người Nga, vodka là một cái gì còn hơn cả một thức uống "quốc hồn quốc túy". Ít nhất, nó còn ảnh hưởng cả tới đời sống chính trị.
Chống nạn nghiện rượu là một trọng tâm trong số những mối quan tâm về phát triển quốc gia của ông Medvedev. Và có thể nói, ông đã tiến hành điều này một cách hết sức kiên trì. Trong năm ngoái, ông đã thực thi một loạt chính sách để đẩy mạnh cuộc chiến chống lại tửu thần. Bắt đầu là việc cấm tuyệt đối việc lái xe uống rượu. Tất nhiên, đó là điều vô cùng bình thường ở rất nhiều quốc gia khác. Thế nhưng ở Nga thì đó lại là chuyện khác. Khác thế nào, ta sẽ nói sau. Trước hết, chỉ biết rằng đó là một bước vô cùng quyết liệt. Thêm một bước nữa. Khi mùa đông bắt đầu, ông Medvedev đã cho khôi phục lại những trạm tỉnh rượu. Cùng với rượu vodka thì có lẽ đây cũng là một "quốc hồn quốc túy" Nga la tư . Xuất hiện lần đầu tiên dưới thời Sa hoàng Nicolas II, Sa hoàng đầu tiên công khai chống lại nạn uống rượu và Sa hoàng cuối cùng của chế độ quân chủ Nga, tồn tại qua cả thời Liên Xô, tiếp tục được duy trì dưới thời Gorbachev và từng vắng bóng một thời gian dưới thời Tổng thống Yelsin. Những trạm tỉnh rượu này có nhiệm vụ thu nhặt các sâu rượu vạ vật ngoài đường để đưa về một địa điểm, chăm sóc sức khỏe bắt buộc để tránh tử vong (có tờ báo Anh đã đưa ra con số một nửa các ca tử vong của nam giới Nga trong độ tuổi từ 15 đến 54 là có liên quan đến rượu). Tất nhiên so với thời Sa hoàng thì những trạm tỉnh rượu thời nay cũng tân tiến hơn. Ở đây có cả phòng ngủ tập thể dành cho những sâu rượu và tường thì sơn toàn màu da trời để các tay này nhanh tìm được bình an tinh thần. Vậy là "mềm" và "rắn" chống rượu đều đủ cả. Đến cuối năm 2009, trong bài tổng kết năm, tổng thống Medvedev đã đặt nạn uống rượu là vấn đề đứng hàng thứ ba của đất nước, sau vấn đề hiệp ước START-1 và vấn đề khủng bố.
Một kẻ say rượu nằm vạ vật trên phố. |
Tiến thêm một bước trong cuộc chiến chống rượu, theo một sắc lệnh của Tổng thống, bắt đầu từ đầu năm 2010, trên toàn nước Nga, một mức giá sàn sẽ được áp dụng. Theo đó, nửa lít vodka sẽ có giá 89 rúp (khoảng 3 USD), gấp đôi giá rượu lậu trên thị trường tự do. Đây là một phần trong kế hoạch chống nạn nghiện rượu ở phạm vi quốc gia tầm nhìn đến năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch này là từ nay đến năm 2012 sẽ cắt giảm 15% số người nghiện rượu và con số này đến 2020 sẽ là 55%.
Mỗi sáng, nhân viên cảnh sát lên đường tuần tra để tìm những kẻ say rượu trên đường phố, quán ăn hay ở các ngóc ngách mang về trạm. Sau khi thẩm vấn để tìm hiểu tên tuổi, địa chỉ từng người ghi vào hồ sơ, cảnh sát liền lột bỏ quần áo, giày dép của họ, rồi đưa vào nằm trong một phòng ngủ tập thể. Khi phát hiện ai bị ngộ độc rượu nghiêm trọng, các thầy thuốc sẽ đưa đến trung tâm cấp cứu để chạy chữa, sau đó cho vào phòng kín nhốt cho đến khi tỉnh rượu hẳn. Các nhân viên của trạm cho biết: "Suốt 365 ngày trong năm chẳng ngày nào chúng tôi rảnh rỗi, bình quân mỗi ngày chúng tôi phải tiếp nhận tới 30 người". |
Nhớ lại thời Gorbachev, nhiều người cũng cảnh báo rằng những lò nấu quốc lủi sẽ "tái xuất giang hồ" và chê trách rằng mức tăng giá này cũng "chưa thấm vào đâu". Thậm chí, trên các trang mạng tiếng Nga còn nhan nhản những lời bình luận và những câu chuyện tiếu lâm chê trách chính sách này. Nhiều kẻ còn nhắc lại Sa hoàng Nicolas II và M. Gorbachev, những nhà lãnh đạo Nga trước ông Medvedev từng có lệnh cấm rượu và cùng gây ra những xáo trộn đất nước ghê gớm (tất nhiên, không phải vì cấm rượu) như một ngầm ý nhắc nhở ông Medvedev về kỳ bầu cử năm 2012. Tình trạng này cũng không khác gì việc ở Mỹ nhiều tổng thống cũng phải "nhẹ tay" với Hiệp hội súng trường về vấn đề hạn chế sở hữu tự do súng (thứ mà nhiều người Mỹ cũng cho là "bản sắc dân tộc" từ thời lập quốc).
Chống rượu không chỉ là vấn đề hành chính mà còn là vấn đề văn hóa, thế nên ta chưa thể nói gì về kết quả của kế hoạch chống tửu thần do ông Medvedev đề xướng nhưng ít nhất, có thể thấy đây là một biểu hiện nữa cho thấy sự khác biệt về đường lối chính trị của ông (thiên nhiều về hiện đại hóa nước Nga) so với người tiền nhiệm Putin (thiên về bảo tồn những giá trị Nga và giữ ổn định quốc gia) cũng như bản lĩnh chính trị dám đối diện với di sản truyền thống của ông. Và đương nhiên việc người Nga hạn chế rượu cũng là một dịp để ta nhìn lại sự phổ biến và lan tràn của bia rượu ở Việt Nam.
Xuân Thạch