TP. Hồ Chí Minh đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19

11-06-2021 09:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 10/6, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị trực tuyến “TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”".

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải chủ trì hội nghị.

1.365 doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Ngay từ đầu năm, thành phố đã chủ động đẩy nhanh các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, với mục tiêu tổng quan là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Toàn cảnh tại hội nghị. Ảnh: TTBC

Với nhiều giải pháp đã thực hiện, trong 5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận được những tín hiệu khởi sắc về kinh tế như: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng ước đạt khoảng hơn 456 ngàn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,9%); Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,4%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 47,5%); Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%); Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 174 ngàn tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngay khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4, tại thành phố xuất hiện các chùm ca lây nhiễm với tổng số 461 trường hợp mắc bệnh. Trong đó,  nghiêm trọng nhất là chùm ca nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, với tổng cộng 404 trường hợp dương tính liên quan đến ổ dịch này. Dù không mong muốn, nhưng thành phố đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố và theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với Q. Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Q.12 từ 00 giờ ngày 31/5/2021.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, đến nay, thành phố cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4. Nhưng với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Theo số liệu theo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch COVID-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)...

Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thành phố không thể đứng ngoài cuộc, do đó hội nghị là nơi các đơn vị, doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, có những đề xuất từ đó thành phố kịp thời đưa ra các giải pháp.

Hiến kế vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết, khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online cho thấy, trong đợt dịch lần thứ 4 này, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; 50% doanh nghiệp bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải chủ trì hội nghị. Ảnh: TTBC

Theo ông Chu Tiến Dũng, mặc dù một số doanh nghiệp ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu. Điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại cùng với khả năng tiêu thụ sản phẩm. Song, họ đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất tăng cao. Nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang kẹt vốn.

Các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời, nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đại diện cho HUBA, ông Dũng đề nghị, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021/NĐ-CP, các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB-XH ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các doanh nghiệp gặp phải. Ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi, giúp cho doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn.

Đặc biệt, để vừa chống dịch hiệu quả vừa không đứt gãy sản xuất, thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về chương trình tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất có thể. Đưa các doanh nhân, công nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận vắc xin vì sự phát triển kinh tế. Đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn các doanh nghiệp có điều kiện có thể chủ động mua sớm vắc xin tiêm phòng cho công nhân của mình.

Liên quan đến những khó khăn trong sản xuất và cung ứng lương thực thực phẩm, ông Nguyễn Đặng Hiến – Phó chủ tịch Hội Lương thực-thực phẩm TP.HCM chia sẻ: Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng lương thực thực phẩm đã rất kho khăn, nguy nhân là đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nguyên liệu, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao nhiều lần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để duy trì giá bán ra. Đã có nỗ nhiều lực vượt bậc trong việc đảm bảo cung cấp hàng hoá nhu yếu phẩm, không để bị đứt gãy trong thời gian qua.

Ông Hiến đề nghị thành phố hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh. Để đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm vào các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, thành phố cần chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, các chốt tạo điều kiện để đơn vị được vận chuyển các nhu yếu phẩm từ nơi sản xuất đến các khu cách ly tập trung, các điểm giãn cách…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết những chia sẻ, ý kiến đề xuất của đại diện các doanh nghiệp, sở, ban, ngành rất cụ thể. Chính quyền thành phố đã nhìn nhận rõ những khó khăn vướng mắc của các đơn vị doanh nghiệp do dịch bệnh gây ra.

Lãnh đạo thành phố tiếp thu đầy đủ những ý kiến, đóng góp, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, tổng hợp hoàn chỉnh dự thảo để trình HĐND Thành phố trong kỳ họp sớm nhất để có những giải, chính sách cải thiện môi trường sản xuất, đầu tư. Đối với những kiến nghị vượt quá phạm vi, thành phố sẽ có kiến nghị lên Chính phủ để có hướng giải quyết, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố mong muốn tiếp tục nhận các đóng góp, lắng nghe những đề xuất, hiến kế nhằm giúp thành phố có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để góp sức cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.


Hoài Thương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn