Theo hãng thông tấn Yonhap, các cáo buộc tương tự cũng nhắm vào nhiều quan chức cấp cao khác, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng vừa từ chức Kim Yong-hyun, Tổng tham mưu trưởng quân đội Park An-su và Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min.
Nhóm 4 quan chức này bị cáo buộc "phản quốc và các tội danh liên quan khác" vì vai trò trong việc ban hành và dỡ bỏ thiết quân luật kéo dài 6 giờ vào tối 3/12 (giờ địa phương).
Sự kiện thiết quân luật gây tranh cãi
Thiết quân luật được Tổng thống Yoon ban hành với lý do đối phó "các thế lực chống nhà nước" và những cản trở chính trị. Tuy nhiên, động thái này nhanh chóng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội và các cuộc biểu tình của người dân, buộc ông phải hủy bỏ lệnh ngay trong đêm.
Một số đảng phái đối lập và nhóm hoạt động đã đệ đơn khiếu nại chống lại Tổng thống Yoon, cáo buộc ông vi phạm pháp luật và đe dọa quyền tự do của người dân.
Tổng thống hiện phải đối mặt với nguy cơ bị Quốc hội bỏ phiếu luận tội vào 7/12. Nếu bị luận tội, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ có tối đa 180 ngày để đưa ra quyết định cuối cùng. Trong thời gian đó, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ đảm nhiệm quyền lãnh đạo.
Ngoài Tổng thống Yoon, Bộ trưởng Quốc phòng vừa từ chức Kim Yong-hyun cũng đang bị điều tra vì cáo buộc "kích động nổi loạn". Theo Yonhap, ông Kim được cho là người đề xuất áp đặt thiết quân luật. Văn phòng công tố Seoul đã ban hành lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Kim và một số bị cáo khác liên quan đến vụ việc.
Trong khi đó, sự kiện quân đội vũ trang sử dụng trực thăng xông vào khuôn viên Quốc hội Hàn Quốc và đập phá cửa sổ để vào tòa nhà cũng đang bị cơ quan chức năng xem xét.
Tình hình chính trị tại Hàn Quốc đang trở nên căng thẳng khi đảng Dân chủ đối lập thúc đẩy kế hoạch luận tội Tổng thống. Tuy nhiên, đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền của ông Yoon tuyên bố sẽ phản đối động thái này.
Để luận tội thành công, đảng Dân chủ cần sự ủng hộ của ít nhất 8 trong số 108 nghị sĩ của đảng Quyền lực Nhân dân.
Nếu Tổng thống Yoon bị cách chức, Hàn Quốc sẽ phải tổ chức bầu cử mới trong vòng 60 ngày.