"Tò he mỗi cái một đồng/ Em mua một cái cho chồng em chơi/ Chồng em đánh hỏng thì thôi/ Em mua cái khác em chơi một mình" - câu ca dao mộc mạc ấy cứ ngân nga theo tôi trên suốt chặng hành trình về với làng tò he, về với nghệ nhân dân gian nặn tò he cuối cùng - cũng chính là người có công mang những đồ chơi bình dị mà trĩu nặng hồn phách dân tộc Việt đến với bè bạn năm châu, bốn biển.
Gian nan làng nghề
Chạy xe trên con đường quốc lộ 1 nắng như đổ lửa, mồ hôi chảy ròng ròng giữa cái nóng 38 độ C, tôi mới cảm nhận được đến tận cùng cái vất vả, nỗi nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh của những người kiếm sống bằng nghề nặn và bán tò he thuộc làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuân, Hà Nội. Cũng trên xấp xỉ 40 cây số đường mà tôi phải vượt qua để tới Xuân La, hàng ngày, họ phải lầm lũi đạp xe từ lúc tờ mờ sáng để có thể tới được một điểm vui chơi, giải trí, đặt hộp đồ nghề nhỏ gọn xuống, bàn tay tài hoa phù phép đống bột nếp đủ màu trở thành những con giống vô cùng sinh động, và chờ đợi bán cho các Thượng đế tí hon với giá... 3 - 5 ngàn/sản phẩm. Thu nhập thì có ngày cả trăm ngàn, có ngày chỉ hai ba chục ngàn. Cuộc sống của cả một gia đình, với trung bình 4 nhân khẩu, chỉ trông đợi vào những đồng tiền ngày càng như bé lại... trong thời buổi vật giá leo thang với tốc độ tên lửa này.
Trẻ con cũng say mê nặn tò he. Ảnh: Cúc Phương
|
Những con giống bột nặn từng gói cả niềm hạnh phúc thơ bé của biết bao thế hệ người Việt cũng đã chịu nhiều cú va đập kinh hồn, khi những biến thiên cuộc đời tràn qua lũy tre làng bé nhỏ. Nhưng người Xuân La vẫn chung thủy với nghề, vẫn cố gắng giữ gìn cái tinh túy của dân tộc trong những món đồ chơi bé nhỏ. Nép dưới vẻ nghèo khó, chắt chiu, làng nghề vẫn lưu giữ trong mình một sức sống tiềm ẩn vô cùng mãnh liệt.
Tò he - Lưu giữ nét văn hóa dân gian
Với trẻ em từ thành thị tới nông thôn, tò he mở ra một thế giới muôn vàn màu sắc. Từ bộ Tam đa (Phúc - Lộc- Thọ) tới bộ Tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng). Từ Tôn Ngộ Không tinh quái, láu lỉnh tới Trương Phi nóng tính, Quan Công mặt đỏ như lửa. Từ 12 con giáp tới hoa lá, chim muông. Từ anh lính khố xanh, khố đỏ tới Thủy thủ mặt trăng, Picachu, Pokemon... Nghề làm tò he đòi hỏi phải có đôi bàn tay khéo léo, nhẹ nhàng. Nhưng chỉ có vậy vẫn chưa đủ, còn phải có tư duy quan sát, khiếu thẩm mỹ và óc sáng tạo để tạo hình khối, chọn màu sắc, kết hợp hài hòa trong một tổng thể để đủ sức hấp dẫn khiến những khách hàng nhỏ tuổi chịu bỏ tiền. Trong thời buổi hiện nay, khi những em bé luôn ngập trong một thế giới giải trí, thế giới đồ chơi đầy sống động xung quanh, người nặn tò he cũng luôn phải vận động và sáng tạo không ngừng nghỉ.
Điều đặc biệt là tuy nặn tò he cần kiên nhẫn, tỉ mỉ nhưng người nặn tò he phần đa đều là nam giới. Và trong làng đã lưu giữ một luật lệ "bất thành văn", rằng chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu chứ không bao giờ cho con gái. Theo nhiều cụ già trong làng, nghề này đã xuất hiện cỡ 300 năm nay. Thời buổi chiến tranh, loạn lạc, đình làng bị tàn phá nên những cứ liệu cho biết chính xác danh thế cụ tổ nghề không còn. Hơn nữa, trong làng có rất nhiều dòng họ, mà họ nào cũng giỏi nặn tò he nên việc xác định càng khó.
Tò he là thứ đồ chơi gắn liền với cuộc sống dân dã, với những vật liệu gắn liền với cuộc sống thường nhật của người nông dân như bột gạo, những loại cây cỏ tạo màu và que tre. Làm bột là giai đoạn công phu nhất. Gạo nếp nghiền nhỏ rồi trộn đều với gạo tẻ theo tỷ lệ 1/10. Có 7 màu cơ bản là xanh lá cây và nước biển, đỏ, tím, vàng, trắng, đen. Ngày xưa, màu sắc nhuộm cũng lấy ngay trong vườn nhà. Đỏ từ gấc, vàng từ hoa dành dành, đen từ tro bếp, xanh từ lá cây... Ngày nay, người Xuân La dùng phẩm màu thực phẩm. Và người nặn tò he đảm bảo độ an toàn cho con trẻ, nghĩa là sau khi nặn xong, nếu cho vào nồi hấp lại thì lũ nhỏ - sau khi chơi chán có thể cho vào mồm... chén luôn như một thứ đồ ăn ngon.
Dụng cụ để làm tò he rất đơn giản. Vòng nứa, (bây giờ là que tre), một cái lược nhỏ mài nhọn phía cán, một cục sáp ong (để tay không bị dính bột) cùng một con dao nhỏ. Chỉ một thùng đồ nghề nhỏ, người nặn tò he có thể đi tới bất cứ nơi nào. Những chuyến đi của họ, ngắn thì vài ba ngày, dài có khi cả tháng.
Cái tên đặc biệt này được lý giải là có điểm xuất phát từ thứ đồ chơi mộc mạc "chim cò", sau này được gắn trên một cây kèn bằng ống sậy, có thể thổi và tạo nên những âm thanh tò...te vui tai nên được gọi chệch đi là "tò he". Chẳng biết có chính xác không, nhưng tò he đã đi vào trong đời sống hàng ngày của người dân, và trở nên quá đỗi gần gũi, thân thuộc.
|
Như nhiều nghề truyền thống khác, tò he cũng trải qua nhiều nỗi thăng trầm. Đã có thời, tò he chỉ có thể bán được trong những dịp hiếm hoi lễ tết, khi không đủ sức cạnh tranh với thị trường đa dạng đồ chơi Trung Quốc vô cùng bắt mắt mà giá lại quá rẻ. Cũng may, nhờ nỗ lực của cả làng nghề, tò he vẫn sống, vẫn phát triển mạnh mẽ. Giờ thì trẻ em có thể gặp tò he ở khắp các công viên, trước cửa Cung thiếu nhi hay xế bên một ngôi trường nào đó. Chỉ vài nghìn đồng cho một con tò he nặn trong vài phút, cũng may, trẻ em hôm nay vẫn được nhìn chúng tận mắt, chứ không phải qua hình ảnh minh họa trong sách báo.
Tò he - Sứ giả văn hóa VN đến với bạn bè thế giới
Tuy chặng đường kiếm sống bằng nghề nặn tò he còn lắm nỗi gập ghềnh, nhưng trò chơi dân gian này đã dần khẳng định chỗ đứng và bắt đầu được coi như một sứ giả trong những cuộc gặp gỡ, giao lưu văn hóa quốc tế. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận (người đã có 56 năm nặn tò he), bố đẻ của anh Uynh đã may mắn trở thành chiếc cầu nối ấy. "Nhờ tò he, nhờ những con giống hơn nửa thế kỷ nuôi tôi tới tận hôm nay, tôi mới có cơ hội sang Mỹ, sang Nhật, tới những đất nước cách mình cả nửa vòng Trái đất”. Những bức hình - lưu lại bao khoảnh khắc đáng nhớ, khi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Việt hút hồn các vị khách nước ngoài - được ông nâng niu giữ gìn. Ông cười, "đó là hạnh phúc lớn nhất trong đời nặn tò he của tôi".
Thu Hiền