Thầy giáo nấu ăn cho học sinh và người dân bị cô lập trong lũ
Từ ngày 9/9, khi nước lũ bắt đầu tràn vào, một số nơi trong huyện bị cô lập, thầy giáo Bùi Duy Hưng, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Mậu A, Văn Yên, Yên Bái) đã chủ động huy động cả gia đình nấu những suất ăn nóng hổi cho người dân bị cô lập trong vùng lũ.
"Khi đó tôi chỉ nghĩ cần phải làm điều gì đó để giúp đỡ người dân. Sức tôi nhỏ bé, trong khả năng của mình, chỉ muốn được góp những suất cơm còn nóng đến với mọi người. Nhà hàng của gia đình khi đó vẫn chưa bị nước tràn vào nên tôi đã dùng toàn bộ thực phẩm đang có sẵn và mua thêm thịt, trứng, rau để nấu khoảng 300 suất ăn cho bà con. Biết rằng 300 suất ăn vẫn sẽ chưa đủ cho tất cả mọi người trong vùng lũ, nhưng gia đình hoàn toàn tự chủ động", thầy Hưng chia sẻ.
Ngay ngày hôm sau (10/9) khi nước lũ bắt đầu dâng cao, nhà hàng của gia đình thầy Hưng cũng chìm trong biển nước. Không còn nơi để nấu ăn, thầy Hưng kêu gọi và tìm những người bạn đồng hành.
"Tôi đã nhận được sự quyên góp của 1 số người. Nhiều bạn đã đến và cùng chung tay để nấu ăn cho bà con, có cả các em học sinh và cựu học sinh của Trường THPT Chu Văn An cùng tham gia.
Hiện nay trên địa bàn thị trấn Mậu A có 2 điểm chính để nấu và chia các suất ăn. Trung bình mỗi ngày 2 điểm nấu được khoảng 1.500 – 2.000 suất. Vì làm trên tinh thần tự nguyện nên không tính được bao nhiêu người tham gia, mọi người cứ túm vào cùng làm với nhau thôi", thầy Hưng vui vẻ nói.
Ngoài việc nấu các suất ăn, thầy Hưng đã kêu gọi sự hỗ trợ cho các em học sinh đang mắc kẹt ở thị trấn Mậu A, chưa thể về nhà tại các xã lân cận. Ủy ban MTTQ huyện Văn Yên đã hỗ trợ cho các em 1 số thực phẩm thiết yếu như nước uống, mì tôm, bánh mì, sữa…"
Có khoảng 40 em học sinh vẫn bị mắc kẹt lại không thể về với gia đình do nước lũ. Chắc chắn các em đã rất lo lắng và sợ hãi. Để động viên các em, MTTQ đã gửi cho các em 1 số thứ cần thiết", thầy Hưng nói.
300 người cùng làm cá cơm xóc lạc gửi ra Bắc
2 ngày trở lại đây, phường Thu Thủy (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Khoảng 300 người tấp nập ra vào cửa hàng hải sản của chị Trương Thị Hồng, 45 tuổi, cùng làm món cá cơm rang xóc lạc để gửi lên cho bà con vùng lũ phía Bắc.
Hình ảnh nước lũ mênh mông, tiếng trẻ con gọi mẹ, những giọt nước mắt… để lại sau cơn bão số 3 đã khiến chị Trương Thị Hồng không thể ngồi yên 1 chỗ.
Nhớ đến lần đã từng làm cá cơm xóc lạc gửi cho bà con vùng lũ của Quảng Bình cách đây vài năm về trước có kết quả tốt, chị Hồng đã kêu gọi người dân phường Thu Thủy 1 lần nữa làm món ăn này để gửi lên cho đồng bào miền Bắc - nơi đang phải chịu nỗi đau vì cơn bão số 3.
"Đây là món ăn người ở quê chúng tôi ăn hằng ngày. Món ăn này có cả lạc và cá cơm, lại để được khoảng 25 ngày nên phù hợp với những người dân đang bị cô lập bởi nước lũ. Chúng tôi sẽ làm 2000 hộp, với trọng lượng mỗi hộp khoảng 400g, dự tính trong ngày 12/9 sẽ hoàn thiện. Hôm 11/9 chúng tôi đã gửi đi trước 1000 hộp cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tại thị xã Cửa Lò, còn 1000 hộp chúng tôi dự tính sẽ gửi tặng cho đồng bào tỉnh Lào Cai", chị Hồng nói.
Ngoài món ăn này, nhóm của chị Hồng cũng sẽ gửi tặng bà con vùng lũ khoảng 100 thùng sữa tươi, 200 hộp bánh cùng lương khô và 1 số loại thuốc cần thiết.
"Mọi việc diễn ra rất thuận lợi vì vừa nói đến là mọi người đã hưởng ứng ngay. Nhóm chúng tôi phải có đến 300 người cùng tham gia, người góp của, người góp công, mỗi người 1 việc nên chỉ mất hơn 1 ngày là mọi việc đã gần xong xuôi", chị Hồng chia sẻ.
Truyền thống "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam
Không chỉ là những suất cơm, những hộp cá khô xóc lạc, sữa, bánh, mì tôm… thực tế vẫn còn rất nhiều tấm lòng đẹp như thế vẫn đang hướng tới người dân vùng lũ.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã liên tục chia sẻ về mong muốn được giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang trên mạng xã hội, như vận chuyển miễn phí nhu yếu phẩm, áo phao, hàng cứu trợ... tới đồng bào vùng lũ.
Bên dưới những bài đăng trên mạng xã hội, các bình luận liên tục cập nhật thông tin về những khu vực khó khăn, cần sự hỗ trợ để cộng đồng tiếp tục chia sẻ, kết nối với các nhà hảo tâm, các đơn vị, cơ sở kinh doanh nhằm kịp thời hỗ trợ người dân.
Hay đơn giản chỉ là những bó rau, những gói xôi mà những người mắc kẹt tại vùng lũ đang chia sẻ cho nhau từng ngày. Việc cả thôn cùng đào bới, tìm kiếm người gặp nạn, dù thiên tai có thể đến bất kỳ lúc nào, đe dọa tính mạng của chính bản thân họ đã chạm đến trái tim nhiều người…
Những nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa không chỉ là hình ảnh đẹp, là câu chuyện ấm lòng giữa cơn cuồng phong của bão số 3, mà đó chính là tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam, luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn.