Hà Nội

Tìm “thần chết” dưới chân núi Bà Đen

29-04-2012 14:25 | Xã hội
google news

Vì miếng cơm manh áo, hiện nay, nhiều người dân khu vực chân núi Bà Đen (Tây Ninh) rủ nhau đi làm nghề dò tìm kim loại, chủ yếu là bom mìn phế tích trong chiến tranh.

Vì miếng cơm manh áo, hiện nay, nhiều người dân khu vực chân núi Bà Đen (Tây Ninh) rủ nhau đi làm nghề dò tìm kim loại, chủ yếu là bom mìn phế tích trong chiến tranh. Có thể nói, đây là nghề đi tìm “thần chết” bởi rất nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra. Nhìn những bóng người lầm lũi, tiếng máy dò vo ve như tiếng bầy muỗi mà chúng tôi không khỏi rùng mình khi bất ngờ có âm thanh tít tít vang lên, bởi không biết đó là tiếng kêu của niềm vui hay báo trước một nỗi đau tột cùng.

Nghề nguy hiểm

Ngược thời gian lại quá khứ, hồi chiến tranh, vùng chân núi Bà Đen (Tây Ninh) luôn là địa bàn bắn phá ác liệt của kẻ thù bởi những chiến sĩ cách mạng thường hoạt động và ẩn nấp ở đây. Theo ông Nguyễn Văn Thạnh, 55 tuổi (xã Suối Đá, Dương Minh Châu, Tây Ninh), một người đã làm nghề dò kim loại bán phế liệu hơn 10 năm, xung quanh đây, từ vùng Củ Chi (TP. HCM), Dầu Tiếng (Bình Dương) đến huyện Dương Minh Châu, thị xã Tây Ninh (Tây Ninh)… có rất nhiều bom mìn, phế vật liệu kim loại chiến tranh còn sót lại bởi nơi này trước xảy ra hàng trăm ngàn cuộc càn quét của Mỹ - ngụy.
 
 Biết là nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn chọn nghề dò tìm kim loại.
Tâm sự về cái nghề có thể nói là cực kỳ nguy hiểm, có thể đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào, ông Thạnh cười buồn, cũng vì sinh kế cả thôi. Ban đầu, do kinh tế gia đình khó khăn. Đang loay hoay vì chưa biết làm gì thì có ông anh bên Bàu Năng bảo đi tìm sắt, vỏ phế liệu kiếm tiền dễ lắm. Hồi ấy, người tìm ít, nên dễ sống. Sau này, số người tham gia ngày càng đông nên phải vào sâu trong núi.

Tìm hiểu về máy dò chúng tôi mới thấy, nó đa phần là tự chế và rất thô sơ. Theo đó, chỉ cần một cục nam châm nhỏ, một dây dẫn, vài thiết bị điện tử đấu nối vào nhau là có thể tạo được một máy dò. Sau đó, cầm chiếc máy này rà rà xuống đất, bán kính quanh đó khoảng 3-3,5m nếu có sắt phế liệu máy sẽ phát tín hiệu. Một quả bom, quả mìn, có thể bán được vài trăm ngàn tùy theo trọng lượng. Nếu gặp trái bom lớn có khi kiếm được tiền triệu. Còn thông thường, những mảnh bom, mảnh đạn hay phế liệu thì được vài chục ngàn. Một ngày, có thể cũng kiếm được khoảng trăm ngàn vì vùng này từng là tâm điểm “mưa bom bão đạn” của kẻ thù cách đây mấy chục năm.

Ký ức kinh hoàng

Mặc dù nhiều người chọn nghề nguy hiểm này làm kế mưu sinh nhưng nghề này cũng mang đến những nỗi đau kinh hoàng cho nhiều gia đình với những tai nạn thương tâm. Nhẹ thì tàn phế suốt đời, nặng thì chết mất xác bởi bom đạn chiến tranh chứ đâu phải đồ chơi. Hơn nữa, đa phần người đi tìm lại là những nông dân, lao động phổ thông, không có kiến thức cơ bản nào về việc gỡ bom mìn hay tháo kíp nổ.
 
Đáng nói, trong những ngày ở đây, chúng tôi còn gặp rất nhiều trẻ em, học sinh tranh thủ rảnh rỗi cũng kéo nhau đi tìm bom đạn bán kiếm tiền. Trong suy nghĩ non nớt của các em, mình chỉ tìm rồi vác về bán cho các chủ phế liệu, họ sẽ thuê những người am hiểu về bom đạn để vô hiệu hóa chúng như thế sẽ chẳng ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, thực tế là việc tiếp xúc với vật liệu chiến tranh, theo bất cứ hình thức nào cũng vô cùng nguy hiểm.
 
Anh Đặng Văn Lợi (Bàu Cò, Dương Minh Châu, Tây Ninh), một người hành nghề dò bom mìn cười, cái nghề này sống chết có số vì thú thực, chẳng ai biết quả nào “lép”, quả nào còn kíp nổ. Thông thường, vũ khí vùi sâu dưới lòng đất mấy chục năm nếu kíp nổ chưa hư thì vẫn còn nguyên khả năng sát thương. Nếu chẳng may rò phải quả đó coi như tìm được… “tử thần” vì nó có thể nổ bất cứ lúc nào.
 
Cách đây 2 năm, anh bạn “đồng nghiệp” bên xã Phan (huyện Dương Minh Châu) đã phải chịu cảnh tàn tật suốt đời vì tìm phải một quả mìn như thế. Rồi như ông Bảy Lên bên thị xã cũng bị chết khi đang cưa đầu đạn một quả pháo. Có người cách đây mấy năm cũng dò được một quả pháo 105 li đã mất ngòi. Tưởng là pháo “chết” nên mang về nhà chuẩn bị đi bán thì nó phát nổ ngay trong đêm. May mắn, cả gia đình không ai mất mạng nhưng ngôi nhà đã bị san bằng.

Ngồi cùng chúng tôi ở một quán cà phê nhỏ trên tỉnh lộ 744, nhìn lên đỉnh núi Bà Đen đầy thơ mộng phía xa xa, ông Trương Văn Lâm nhớ lại, những người chết vì đi tìm bom mìn ở đây nhiều lắm. Nghe ông kể, thật xót xa cho những phận người ngắn ngủi vì liều mạng chọn kế mưu sinh nguy hiểm!  

 

  Bài, ảnh: ĐOÀN XÁ
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: