Hà Nội

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế

08-05-2024 18:28 | Y tế

SKĐS - Để đội ngũ công nhân lao động ngành y tế có thể cống hiến nhiều hơn nữa, Công đoàn Y tế Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế, đẩy mạnh chương trình Bảo vệ Blouse trắng...

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhấn mạnh những nội dung này trong phát biểu tại "Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024 ngành y tế" do Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai chiều nay (8/5).

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự "Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024 ngành y tế".

Đây là hoạt động của ngành y tế hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân do Ban chỉ đạo Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Dự lễ phát động có PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Lê Văn Thanh Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng hàng trăm đại biểu là các đoàn viên, công đoàn các đơn vị trực thuộc ngành y tế. Sự kiện kết nối điểm cầu chính đến hơn 100 điểm cầu đơn vị y tế trên toàn quốc.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế- Ảnh 2.

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại lễ phát động.

Cán bộ y tế phải làm việc trong môi trường đặc thù, tiếp xúc với rất nhiều tác hại không lây nhiễm

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, chăm sóc sức khỏe là một ngành lao động đặc thù với cường độ cao ở hầu hết các hoạt động. Nhân viên y tế phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và trực tiếp tham gia xử lý các vụ dịch bệnh như dịch COVID-19, dịch SARS, ...

Bên cạnh những tác hại lây nhiễm, nhân viên y tế phải tiếp xúc với rất nhiều tác hại không lây nhiễm, bao gồm các hóa chất trong đó có hóa chất dùng để khử khuẩn, những tác hại vật lý như nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, siêu âm..., các tác hại đến da và stress.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH, hiện nay số nhân viên y tế thuộc đối tượng nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động chiếm tỷ lệ rất cao (ước tính gần 90%). Trong thời gian qua Bộ Y tế đã luôn ưu tiên cho việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế, người lao động trong toàn ngành.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: "Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã luôn ưu tiên cho việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế, người lao động trong toàn ngành".

Bộ Y tế phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam và các bộ, ngành tham mưu, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở y tế, nhân viên y tế để đáp ứng công tác phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh như mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở theo mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; y tế cơ sở.

Luật Khám bệnh chữa bệnh mới ban hành đã có quy định liên quan đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ y tế.

Báo cáo của Cục Quản lý Môi trường y tế cũng cho thấy tại nhiều đơn vị trong ngành y tế các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm, chỉ đạo đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ của đơn vị.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho hay, mặc dù có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả, nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động trong ngành y tế vẫn còn nhiều khó khăn. Nguy cơ xuất hiện các biến chủng virus mới, bệnh mới nổi với khả năng lây nhiễm cao luôn hiện hữu, ngoài ra cán bộ y tế còn phải làm việc đặc thù về thời gian (thường trực 24/24), tiếp xúc với nhiều hóa chất mới, sử dụng nhiều máy thiết bị y tế mới,…

Vẫn còn có lãnh đạo một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, đầy đủ, kịp thời đến công tác an toàn, vệ sinh lao động như thời giờ làm việc, chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại…

Cùng đó, nguồn lực dành cho công tác an toàn vệ sinh lao động ở các cơ sở y tế công lập còn hạn chế do chưa được tính đầy đủ trong ngân sách chi thường xuyên hoặc trong giá khám bệnh, chữa bệnh.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế- Ảnh 4.

PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu.

Chú trọng an toàn, vệ sinh lao động và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ y tế

Tại lễ phát động, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, công tác an toàn, vệ sinh lao động và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ y tế cần phải được chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng của các cơ sở y tế tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Kịp thời chỉ đạo nghiên cứu, rà soát chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động để đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách;

Xây dựng các quy định, quy trình làm việc theo hướng chú trọng phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo đời sống, sức khỏe cán bộ y tế; cải thiện điều kiện lao động tại đơn vị...

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế- Ảnh 5.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình trao khen thưởng biểu dương công nhân, lao động giỏi ngành y tế năm 2024.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động trong ngành y tế nâng cao trình độ kiến thức, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc, trách nhiệm về an toàn vệ sinh lao động trong công việc;

Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn trong việc tham gia với lãnh đạo đơn vị tổ chức thực hiện chế độ chính sách, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động.

Về phía người lao động phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế, tham gia tích cực các phong trào "Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động". Nâng cao sức khỏe nơi làm việc, tuân thủ các quy trình, nội quy an toàn khi lao động.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế- Ảnh 6.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Y tế Việt Nam trao khen thưởng biểu dương công nhân, lao động giỏi ngành y tế năm 2024.

Dịp này, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý Môi trường y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam cần làm tốt công tác tuyên truyền, phát hiện, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong tổ chức thực hiện các nội dung liên quan, để từ đó tạo sự lan tỏa trong toàn ngành; kịp thời tham mưu đề xuất các biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

10 nhiệm vụ tăng cường an toàn vệ sinh lao động ngành y tế

Tại buổi lễ, PGS.TS Lương Mai Anh - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế nhấn mạnh: "Trước yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động do Chính phủ phát động năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng", Bộ Y tế phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động trong ngành y tế".

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế- Ảnh 7.

PGS.TS Lương Mai Anh - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế phát biểu.

Theo đó, để đảm bảo thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế, lãnh đạo từng đơn vị cần quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện 10 nhiệm vụ cụ thể:

  1. Tổ chức bộ máy thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
  2. Lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động và tổ chức quan trắc môi trường lao động định kỳ theo quy định.
  3. Xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và tổ chức lực lượng cấp cứu
  4. Tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
  5. Quản lý sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
  6. Cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu tác hại nghề nghiệp
  7. Nâng cao sức khỏe người lao động tại nơi làm việc, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh
  8. Kiểm định các thiết bị, máy có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ
  9. Đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp và giảm thiểu chất thải nhựa.
  10. Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra và báo cáo định kỳ về công tác An toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở y tế.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung phụ cấp thâm niên cho lao động ngành y tế- Ảnh 8.

Quang cảnh lễ phát động.

Cũng tại sự kiện, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tôn vinh 167 người lao động tiêu biểu. Đây là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa của ngành y tế của năm 2024, có nhiều nỗ lực cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở mọi vị trí công việc; 26 tập thể và 42 cá nhân được nhận khen thưởng;

Đồng thời trao giải Cuộc thi online "Tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và An toàn vệ sinh thực phẩm" lần thứ nhất năm 2024.

Thái Bình/ Ảnh: Thế Anh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn