Ông Võ Hồng Hải. |
- Ông có thể cho biết, tuần lễ VH-DL “Quê mình - Quê thơ” sẽ diễn ra như thế nào?
Sẽ có nhiều hoạt động diễn ra trong dịp này mà người dân và bạn bè quốc tế đều có thể tham gia, cụ thể: Trưng bày ấn phẩm, hiện vật tiêu biểu về quê hương Nghi Xuân và đại thi hào Nguyễn Du, kiệt tác Truyện Kiều, khai mạc (ngày 27/10); Hội thảo "Đưa tác phẩm văn học về cơ sở" (ngày 28/10); Lễ khai mạc Tuần văn hóa du lịch kỷ niệm 245 năm năm sinh Nguyễn Du; Lễ vinh danh ca trù và trình diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian sẽ diễn ra vào sáng 29/10; chiều 29/10 tổ chức Lễ trao giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần V; Đêm thơ Nguyễn Du - Puskin diễn ra tối 29/10. Bên cạnh đó còn có các cuộc Hội thảo "Khai thác các giá trị di sản văn hóa vùng Bắc Trung Bộ vào phát triển du lịch" (ngày 30/10); Hội thảo khoa học quốc gia: Đại thi hào Nguyễn Du và các danh nhân dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long - Hà Nội được tổ chức vào sáng 31/10; chiều 31/10 sẽ diễn ra Lễ động thổ và dâng hương tại khu mộ đại thi hào...
- Với nhiều hoạt động diễn ra liên tục như vậy, điểm nhấn của Tuần lễ văn hóa - du lịch "Quê mình - Quê thơ" là gì, thưa ông?
- Điểm rất đặc biệt trong Tuần văn hoá "Quê mình - Quê thơ" là Lễ kỷ niệm 245 năm ngày sinh và 190 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du diễn ra vào 19 giờ ngày 31/10 do Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND TP. Hà Nội tổ chức tại chính nơi ông đang yên nghỉ sẽ diễn ra và được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và VTV4.
- Đêm thơ Nguyễn Du - Puskin diễn ra tối 29/10 hẳn sẽ nhận được sự quan tâm của người yêu thơ. Ông có thể nói rõ hơn về hoạt động này?
- Đại thi hào Nguyễn Du là đỉnh cao của nền văn học nước nhà và Puskin là mặt trời của thi ca Nga. Vì vậy "Đêm thơ Nguyễn Du - Puskin" được tổ chức tại TT văn hoá huyện Nghi Xuân, do Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh và Hội Hữu nghị Việt - Nga tổ chức, sẽ có sự góp mặt của các nhà thơ nổi tiếng trong nước và Liên bang Nga tham dự. Chương trình giao lưu thơ này là một thử nghiệm mới làm tiền đề để BTC hướng đến một festival tôn vinh danh nhân văn hoá Việt sau này!
Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du. |
- Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa, đại thi hào của dân tộc với tác phẩm Truyện Kiều bất hủ. BTC sẽ làm thế nào để tôn vinh tác phẩm Truyện Kiều bên cạnh cuộc đời và sự nghiệp của thi nhân, thưa ông?
- Dù có bao nhiêu lời ngợi ca cũng không thể nói hết tài năng của Nguyễn Du và tình yêu của ông với quê hương, đất nước! Để khẳng định tác phẩm Truyện Kiều là bất hủ đối với mọi thế hệ người dân Việt Nam, trong phần hội, tác giả kịch bản - nhà văn Nguyễn Khắc Phục - đã xây dựng hình ảnh Lý Tự Trọng đang độc thoại một đoạn thơ Kiều trước khi ra pháp trường. Trên màn hình sẽ chiếu cảnh Lý Tự Trọng hy sinh nhưng những vần thơ vẫn văng vẳng bên tai thể hiện sự trường tồn của tác phẩm Truyện Kiều.
Bên cạnh đó, xuyên suốt chương trình với kết cấu chương, hồi và cấu trúc liền mạch, không có người dẫn sẽ là những đại cảnh kể về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Du, một kiếp người với những được - mất và niềm tin vào cuộc sống. Sẽ có những bối cảnh làm rõ vì sao Nguyễn Du lại xúc động và yêu thương những kiếp đời lầm than, khổ cực như thế? Vì sao Nguyễn Du lại trở thành thiên tài...
Những hoạt động trong Tuần văn hoá "Quê mình, quê thơ" hy vọng một lần nữa khẳng định Truyện Kiều là một tác phẩm văn học có sức sống vượt thời gian và trường tồn trong lòng độc giả trong nước cũng như thế giới!
- Xin cảm ơn ông!
Khánh Linh (thực hiện)