Tiếc thương hồn thơ "Màu tím hoa sim"

25-03-2010 07:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

Vẫn biết "Sinh thành trụ hoại" là việc của trời. Vẫn biết, chỉ cần để lại trong lịch sử văn học, trong tâm khảm con người một tác phẩm như Màu tím hoa sim là chết mà như vẫn sống.

Tin nhà thơ Hữu Loan, tác giả của Màu tím hoa sim đã từ trần tại Thanh Hoá sau một thời gian lâm bệnh, thọ 96 tuổi làm cả giới văn học và người yêu thơ bàng hoàng, thương cảm. Vẫn biết "Sinh thành trụ hoại" là việc của trời. Vẫn biết, chỉ cần để lại trong lịch sử văn học, trong tâm khảm con người một tác phẩm như Màu tím hoa sim là chết mà như vẫn sống. Nhưng, cuộc chia ly tử biệt với tài hoa không bao giờ là không thương đau.

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh tại quê ở làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông học thành chung ở Thanh Hóa, sau đó đi dạy học và tham gia Mặt trận bình dân năm 1936, tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa). Năm 1943, ông về gây dựng phong trào Việt Minh ở quê và khi cuộc Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông làm Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Trước năm 1945, ông đã từng là cộng tác viên trên các tập san văn học xuất bản tại Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tham gia quân đội nhân dân Việt Nam, phục vụ trong Đại đoàn 304. Sau năm 1954, ông làm việc tại Báo Văn nghệ một thời gian. Trong thời gian 1956 -1957, ông tham gia phong trào NVGP và có viết một số tác phẩm vạch trần những tiêu cực của một bộ phận cán bộ tha hoá... Trong tác phẩm của mình, ông coi mình là nạn nhân của một lối nghĩ thô thiển... và phê phán lối nghĩ này một cách kịch liệt. Rồi ông gặp tai nạn nghề nghiệp. Sau 1958, ông trở lại quê nhà làm nhiều việc nặng nhọc của một nông phu, có lúc là thợ thồ đá..

Ông nổi tiếng với bài thơ Màu tím hoa sim, sáng tác trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp và được lưu hành rộng rãi trong vùng kháng chiến. Tuy chưa xuất bản tập thơ nào, nhưng thơ Hữu Loan được đông đảo người yêu thơ ghi vào sổ tay, thuộc lòng và có nhiều ảnh hưởng như những bài: Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Yên mô, Hoa lúa, Tình Thủ đô...

Thơ Hữu Loan có âm điệu, nhạc tính và giàu chất tâm sự cùng những thi ảnh mộc mạc, gần gũi, vì thế những bài thơ hiếm hoi đã được phổ biến của ông đều sống trong lòng độc giả. Nói đến Hữu Loan là người ta nhớ đến Màu tím hoa sim, bài thơ xuất phát từ nỗi lòng của riêng ông nhưng gây xúc động và nhận được sự đồng cảm của người đọc. Bài thơ đã được các nhạc sĩ Dũng Chinh, Phạm Duy, Anh Bằng phổ nhạc. Vào tháng 10 năm 2004, Màu tím hoa sim đã được Công ty Cổ phần Công nghệ Việt (viết tắt: ViTek VTB) mua quyền sử dụng tác phẩm với giá 100 triệu đồng. Không những thế, nhiều đơn vị khác, cùng với việc tỏ lòng ngưỡng mộ đã cho rằng bài thơ và tên tuổi Hữu Loan có thể tăng ảnh hưởng thương hiệu, đã thương thảo để mua hẳn tác phẩm này, nhưng ông đã từ chối và nói rằng bài thơ đó đã thuộc về lịch sử, thuộc về cảm thức của mọi người, ông giữ nó cho cuộc đời chứ không để bán mua.

Nhà thơ Hữu Loan kết hôn lần thứ nhất vào đầu năm 1949 với bà Lê Đỗ Thị Ninh, con gái của nguyên Tổng thanh tra nông lâm xứ Đông Dương Lê Đỗ Kỷ, đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946. Hữu Loan quen biết bà Ninh khi ông còn học college Đào Duy Từ, Thanh Hoá. Ông đã làm gia sư dạy mấy người anh trai và sau đó là bà Ninh. Tháng 5 năm đó, bà Ninh mất (do ngã xuống sông) khi mới 16 tuổi. Màu tím hoa sim chính là câu chuyện tình được viết trong cơn đau mất vợ đó. Sau này ông kết hôn với bà Phạm Thị Nhu. Ông bà có với nhau 10 người con. Bà Nhu sống và chia sẻ mọi gian truân với nhà thơ Hữu Loan từ đó đến nay. Hoa lúa (1955) chính là bài thơ viết tặng bà.

Bài thơ Màu tím hoa sim càng thấm sâu vào lòng người hơn, sức lan toả rộng rãi hơn khi nó trở thành ca từ, mỗi khi nhớ đến Hữu Loan ai cũng muốn cất lên tiếng hát... Ngày hợp hôn/nàng không đòi may áo mới/ Tôi mặc đồ quân nhân/đôi giày đinh/bết bùn đất hành quân/ Nàng cười xinh xinh/bên anh chồng độc đáo.

Tôi  ở đơn vị về/ Cưới nhau xong là đi/ Từ chiến khu xa/ Nhớ về ái ngại/ Lấy chồng thời chiến binh/ Mấy người đi trở lại/ Nhỡ khi mình không về/thì thương người vợ chờ/bé bỏng chiều quê.../ Nhưng không chết người trai nơi khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương...

Không ít văn nghệ sĩ đã vượt đường sá xa xôi tới thăm ông kể từ ngày ông trở về với đời dân dã ở Thanh Hoá. Ai cũng thấy ông vẫn còn nguyên đó chí khí của một con người giàu chất lý tưởng, không chấp nhận tục lụy, ươn hèn cho dù phải trải qua muôn vàn cay đắng, gian khổ. Người ta kể rằng ông rất khoẻ mạnh, làm việc như một nông phu nhưng tư duy sắc bén chẳng kém những người suốt ngày đèn sách. Cho đến những tháng cuối cùng, phần bởi hậu quả của cuộc đời ông thợ thồ đá vất vả, cực nhọc, phần vì tuổi già (ông sinh 1914, năm nay ông 96 tuổi), ông đã ra đi hồi 19 giờ ngày 18/ 03/ 2010.                   

Tang lễ nhà thơ Hữu Loan diễn ra vào lúc 15h chiều 19/3. Nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thơ tại nghĩa trang xã Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa, cũng là nơi nhà thơ sinh ra và gần như gắn bó cả cuộc đời nhọc nhằn của mình ở đó. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh - đã dẫn đầu đoàn Hội Nhà văn lên đường vào xứ Thanh tiễn đưa tác giả Màu tím hoa sim.

Xin vĩnh biệt nhà thơ Hữu Loan, ông ra đi nhưng tên tuổi nhà thơ và những vần thơ của ông mãi mãi trường tồn trong lòng người yêu thơ. 

Trần Thị Trường


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: