Hôm nay - 15/11, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức tọa đàm Đối thoại Chính sách với chủ đề: "Mua bán thuốc online - Nên hay không?", với sự tham gia của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia về quản lý thị trường, công nghệ.
Tọa đàm được tổ chức trong thời điểm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược dự kiến sắp được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới.
Theo các chuyên gia, quy định về mua bán thuốc online với thuốc thuộc danh mục không kê đơn là một trong những điểm mới tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đang trình Quốc hội và dự kiến thông qua trong kỳ họp này. Nội dung này đang rất được quan tâm, bởi đây là lần đầu tiên vấn đề này được 'luật hóa', dù thực tế đã và đang triển khai.
Mua bán thuốc online ngày càng tăng, nhu cầu tất yếu
Thông tin tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Trọng - Tổng thư ký Hội Tin học Y tế Việt Nam cho hay, một số nước trong khu vực và trên thế giới đã và đang triển khai bán thuốc online từ nhiều năm qua. Ở Việt Nam, mua bán thuốc online đã có từ năm 2017-2018 và ngày càng phát triển mạnh.
Theo ước tính, thị trường thuốc online Việt Nam tới năm 2024 đạt khoảng 5% - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Vì vậy, có thể thấy, việc mua thuốc kê đơn trực tuyến rất hữu ích và nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng.
Trao đổi tại tọa đàm, TS Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Qua thăm dò ý kiến người dân bằng khảo sát trên các phương tiện truyền thông cho thấy, đa số người dân đều đồng tình với việc mua thuốc online. Đây là xu hướng tất yếu. Việc mua bán thuốc online đã diễn ra rất phổ biến, các sở y tế cũng hỗ trợ cùng các sàn thương mại điện tử để kiểm soát việc này.
"Thuốc là mặt hàng đặc biệt, vì vậy quản lý chất lượng và quản lý việc mua bán để đảm bảo an toàn cho người sử dụng là hết sức quan trọng. Việc đưa nội dung mua bán online vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tế hiện nay"- TS Trần Thị Nhị Hà nói.
Luật sửa đổi, bổ sung lần này của Luật dược đã quy định việc bán lẻ trên sàn thương mại điện tử là thuốc không kê đơn. "Như vậy, trên sàn thương mại điện tử sẽ có hai hình thức kinh doanh thuốc bán lẻ và bán buôn. Thuốc được bán lẻ là thuốc bán trực tiếp cho người tiêu dùng; thuốc bán buôn là thuốc được bán cho cơ sở kinh doanh hợp pháp để kinh doanh dược phẩm"- TS Trần Thị Nhị Hà làm rõ thêm.
Tuy nhiên theo TS Trần Thị Nhị Hà số lượng thuốc thuộc danh mục không kê đơn chiếm khoảng 20%, còn thuốc kê đơn chiếm khoảng 80% thị trường.
Tham luận tại tọa đàm, bà Lê Thị Hà, trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, cũng cho biết thời điểm giãn cách xã hội do dịch COVID-19, việc mua bán khó khăn và sau đó bùng nổ mua sắm trực tuyến. Điều này cũng thể hiện những bước phát triển về hạ tầng kinh doanh thương mại hiện nay.
Bà Lê Thị Hà cũng cho rằng việc mua trực tuyến thông qua hệ thống lưu đơn/kê đơn, ở đó có chức năng lưu vết, lưu lại thông tin sẽ dễ kiểm tra việc kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.
Mua, bán thuốc online cũng là đồng bộ với ứng dụng công nghệ trong y tế, nhất là khám chữa bệnh từ xa
Về vấn đề này, ông Vũ Thái Hà, Giám đốc Vận hành eDoctor, Thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) nhấn mạnh, việc kinh doanh thuốc online cũng là đồng bộ với việc ứng dụng công nghệ trong y tế, nhất là khám chữa bệnh từ xa. Người bệnh không thể đang "online" khi khám bệnh lại "offline" để mua thuốc.
Xét về góc nhìn ứng dụng công nghệ, ngay cả thuốc kê đơn cũng cần từng bước được cho phép kinh doanh trực tuyến; hình thức cũng liên quan đến việc khám, chữa bệnh từ xa theo các mặt bệnh đã có thể triển khai khám, chữa bệnh từ xa.
Ông Hà cũng kiến nghị thêm, dự thảo luật từng bước cho phép giao dịch "online" với thuốc kê đơn. Trước hết nên cho phép bán thuốc kê đơn trên thương mại điện tử với các loại thuốc gắn với các mặt bệnh được phép khám chữa bệnh từ xa (đã quy định trong luật).
Theo TS Trần Thị Nhị Hà, thực tế cuộc sống hiện nay thương mại điện tử phát triển rất mạnh, mọi thứ hàng hóa mua bán trực tuyến nhanh gọn và Việt Nam cũng đã cho phép khám chữa bệnh từ xa, sẽ không đồng bộ với việc mua thuốc bởi yêu cầu mua trực tiếp tại nhà thuốc các thuốc kê đơn.
"Nên chăng có hướng dẫn rõ và có công cụ quản lý như phần mềm kê đơn để theo dõi và từng bước cho bán trực tuyến các thuốc kê đơn. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để khi liên thông hệ thống kê đơn thuốc điện tử quốc gia sẽ không làm bó hẹp khả năng tiếp cận thuốc của người dân" - TS Trần Thị Nhị Hà đề xuất.
Đề xuất bán lẻ thuốc kê đơn trên thương mại điện tử?
TS Trần Thị Nhị Hà cũng đề nghị ban soạn thảo luật nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép bán lẻ thuốc kê đơn trên thương mại điện tử với thuốc được quản lý trên hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (Hệ thống đơn thuốc Quốc gia). Đây là hệ thống kho tổng tiếp nhận bản điện tử của mỗi đơn thuốc được tạo ra tại cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên TS Trần Thị Nhị Hà lưu ý, quy định về vấn đề này phải hướng tới giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra: "Ví dụ, có những loại thuốc bán trên mạng có giá rẻ hơn nhiều nhà thuốc truyền thống. Rõ ràng, ở đây có liên quan vấn đề chất lượng, cần quản lý sao cho phù hợp với nhu cầu nhưng phải đảm bảo chất lượng thuốc, sức khỏe của người dân".
Theo các chuyên gia, nếu việc bán thuốc kê đơn qua mạng được quản lý chặt chẽ, có thể giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng từ các nguồn đáng tin cậy. Người dùng cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua.
Tuy vậy, cần phân biệt rõ ràng giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động Livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc Luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay, tránh tình trạng bán "chui", khó nắm bắt, khó phát hiện.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh cần phải giám sát chặt chẽ việc mua bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám, chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện theo quy định...