Hà Nội

Thuốc trị viêm bể thận mạn tính

10-12-2010 08:20 | Dược
google news

Viêm bể thận mạn tính là một tình trạng tổn thương mạn tính ở nhu mô, ở mô kẽ của thận, do hậu quả của quá trình nhiễm khuẩn từ đài - bể thận vào thận kéo dài tái phát nhiều lần.

Tôi 65 tuổi, bị u xơ tiền liệt tuyến từ lâu, vừa rồi tôi hay bị đau lưng, đi tiểu đau buốt, nước tiểu đục và có sốt cao. Tôi đã đi khám và được làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận tôi bị viêm bể thận mạn tính. Tôi nghe nói nếu mắc bệnh này thì sẽ bị suy thận nên rất lo sợ. Xin quý báo cho biết điều trị bệnh như thế nào và có khỏi được không?

Trần Đức Khuông (Ninh Bình)

Viêm bể thận mạn tính là một tình trạng tổn thương mạn tính ở nhu mô, ở mô kẽ của thận, do hậu quả của quá trình nhiễm khuẩn từ đài - bể thận vào thận kéo dài tái phát nhiều lần, làm hủy hoại xơ hoá tổ chức thận dẫn đến suy thận. Viêm bể thận có nhiều nguyên nhân, nhưng trường hợp của bác có lẽ do bị u xơ tiền liệt tuyến làm nước tiểu ứ đọng trong bàng quang là yếu tố thuận lợi gây viêm thận - bể thận mạn tính ngược dòng. Biến chứng của bệnh nặng hay nhẹ tùy thuộc vào bệnh xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên thận, bệnh mới xảy ra hay đã tái phát lâu ngày, bệnh có do nguyên nhân tắc nghẽn đường niệu phối hợp không.

Hình ảnh thận bị viêm.

Về điều trị, nguyên tắc là bác phải đến bệnh viện, bởi để điều trị bệnh này cần:

- Xét nghiệm cấy nước tiểu tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh thích hợp.

- Giải quyết kịp thời các yếu tố tạo điều kiện dễ nhiễm trùng như: tắc nghẽn do sỏi hoặc các nguyên nhân khác phải được xác định.

- Khi hết các triệu chứng lâm sàng không có nghĩa là khỏi hết vi khuẩn gây bệnh, nên phải cấy khuẩn theo dõi 2 - 4 tuần sau khi ngừng kháng sinh để đánh giá điều trị thành công hay thất bại.

Về dùng thuốc, tùy theo mức độ, tình trạng, điều kiện thực tế mà bác sĩ có chỉ định dùng thuốc khác nhau cho từng bệnh nhân. Trong đó kháng sinh được đặt lên hàng đầu, các kháng sinh thường được sử dụng là nhóm betalactam, nhóm cephalosphorrin hoặc quinolon thế hệ 2. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có các biểu hiện khác như tăng huyết áp, suy thận… thì cần điều trị các bệnh lý này.

Tốt nhất là nên dự phòng bệnh. Cần phải uống đủ nước mỗi ngày 2 - 2,5 lít; mùa hè hoặc làm việc ở môi trường nóng phải uống nhiều nước hơn, cần đảm bảo lượng nước tiểu 1,5 - 2,5 lít/ngày. Đặc biệt, những người có tiền sử bị sỏi thận - tiết niệu phải lưu tâm đến chế độ uống nước nhiều và chế độ ăn giảm bớt các thức ăn có chứa canxi (xương, sụn, cua…). Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục - tiết niệu. Người nhiễm khuẩn tiết niệu phải triệt để tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc dẫn tới những biến chứng khó lường.

  ThS. Nguyễn Bạch đằng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn