Thuốc Nam chữa bệnh trong mùa bão lũ

10-08-2018 14:37 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Trong hoàn cảnh "thuốc chưa có trong tay, thầy chưa có tại chỗ", một số bài thuốc nam đơn giản dưới đây có thể là phương tiện rất hữu ích trong việc phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho đồng bào vùng lũ.

 

Bão lũ là một trong những thiên tai gây hậu quả nặng nề cả về vật chất, tinh thần và sức khoẻ của con người. Sau khi bão đi qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, điều kiện sinh hoạt đảo lộn, sự căng thẳng về tinh thần, sức đề kháng của cơ thể suy giảm... là những yếu tố  thuận lợi để bệnh tật phát sinh. Trong hoàn cảnh "thuốc chưa có trong tay, thầy chưa có tại chỗ", một số bài thuốc nam đơn giản dưới đây có thể là phương tiện rất hữu ích trong việc phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho đồng bào vùng lũ.

Mệt mỏi do thay đổi thời tiết

Dùng ngải cứu 20g, rau má 40g, tía tô 20g, kinh giới 20g, sắc chia uống 2 lần trong ngày, cũng có thể dùng loại tươi giã vắt lấy nước cốt uống. Nếu kèm theo mệt mỏi do quá sức thì dùng lòng đỏ trứng gà luộc 1 cái, gừng nướng 1 củ bằng ngón tay cái, nước mía hoặc đường trắng, mật ong vừa đủ, tất cả nghiền nhuyễn rồi cho nước sôi lượng vừa đủ, uống mỗi ngày 1 cốc.

Đau nhức xương khớp

- Cỏ xước sao muối 16g, tầm gửi cây bưởi 16g, rễ cà gai leo, thân rễ cây xấu hổ, tua rễ cây si, rễ dứa gai, tất cả rửa sạch, cắt ngắn, sao vàng, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Thân rễ cây xấu hổ, rễ lá lốt, cỏ xước, thổ phục linh, ý dĩ, kê huyết đằng lượng bằng nhau 12 - 20g tất cả rửa sạch, chặt ngắn, sao vàng, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Thổ phục linh 15g, hy thiêm thảo 12g, dây đau xương 16g, trinh nữ 16g, quế chi 6g, cỏ xước 16g, cốt toái bổ 12g, sao vàng sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Lỏng lỵ

Do lạnh: không khát nước, đau bụng lâm râm, phân lỏng như nước, mùi tanh, chườm nóng thì đỡ đau, sợ lạnh, lưỡi nhợt rêu trắng... Dùng gừng tươi nướng hoặc sao 10g, giềng sao 12g, củ sả sao 12g, búp ổi sao 6g, sắc với 2 bát nước lấy 1 bát, chia uống nhiều lần trong ngày, có thể hoà thêm một chút đường cho dễ uống. Hoặc cỏ seo gà 50g, rễ sim sao vàng 16g, sắc đặc, chia uống vài lần trong ngày.

Do nhiệt: khát nước, có thể có sốt, bụng đau đầy chướng, phân khẳm nặng mùi, hậu môn đau rát, lưỡi đỏ rêu vàng... Dùng búp tre non 16g, vỏ quýt khô 8g, rau má 16g, bông mã đề 16g, lá mơ tam thể 16g, sắc với 3 bát nước lấy 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày. Hoặc rau sam 30g, cỏ sữa nhỏ lá 30g, khổ sâm 16g, sắc uống.

Viêm da lở loét

Thuốc uống: kim ngân hoa 16g, lá cối xay 16g, cỏ chỉ thiên 16g, sài đất 16g, dây thồm lồm 16g, sắc uống. Hoặc chó đẻ răng cưa 16g, bồ cu vẽ 16g, đơn đỏ 12g, đơn mặt quỷ 12g, sắc uống

Thuốc rửa: lá trầu không, lá bồ giác, lá ba chạc, lá mần tưới, lá sòi, lá mỏ quạ, lá diếp cá, lấy 1 - 2 thứ rửa sạch, sắc lấy nước hoà thêm 20g phèn chua để ngâm rửa tổn thương.

Thuốc đắp: thồm lồm 20g, lá đuôi phượng 10g, lá trầu không 10g, lá chó đẻ răng cưa 10g, lá cóc mẳn 10g, lá mỏ quạ 10g, lá bồ cu vẽ 10g, tất cả rửa thật sạch, cho thêm 10g muối, giã nát, vắt lấy nước bôi vết loét vài lần trong ngày. Trong các vị, lá thồm lồm là quan trọng nhất, các thứ khác không nhất thiết phải có đủ.

Mụn nhọt

Thuốc uống: Sài đất 20g, bồ công anh 20g, kim ngân 20g, thổ phục linh 16g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc sâm đại hành 20g, ké đầu ngựa 12g, đơn đỏ 12g, bạch chỉ 10, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Thuốc đắp: dùng lá táo chua hoặc rễ rau dền gai tía giã nát đắp.

Mẩn ngứa dị ứng

Thuốc uống: lá đơn đỏ 20g, lá xấu hổ 20g, lá cối xay 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc kim ngân hoa 24g, hoa rau húng chó 12g, hoa kinh giới, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc vỏ núc nác 12g, đơn mặt quỷ 12g, thổ phục linh 12g, cỏ chỉ thiên 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc kim ngân hoa 12g, hoa khế tươi 30g, lá cối xay 12g, bạch chỉ nam 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Thuốc nấu nước tắm: lá và hoa khế chua tươi lượng vừa đủ, nấu nước tắm ngâm. Hoặc lá han ngứa (loại lá nhỏ) 500g, nấu nước tắm ngâm.

Nấm kẽ chân

Thuốc ngâm rửa: lá trầu không 8g, lá ráy 50g, phèn chua 20g, sắc lấy nước ngâm chân trong 15 phút.

Thuốc bột: chế bột phèn thay thuốc ngâm bằng cách dùng phèn chua phi tán mịn, rửa sạch chân rồi xát bột phèn phi vào các kẽ chân 2 lần trong ngày.

Đau mắt đỏ

Lá dâu 10 cái, lá trầu không 3 cái, hai thứ vò nát, cho vào ca, đổ nước sôi rồi  đưa mắt bị đau sát miệng ca để xông hơi nóng bốc lên trong 3 phút, làm 2 lần trong ngày. Sau đó dùng nước này rửa mắt.

Lá sống đời (dùng loại lá to và già) đem rửa sạch bằng nước cất, sau đó đem giã trong cối sứ vô khuẩn và lọc lấy dung dịch nguyên chất. Pha nước cất hoặc nước muối sinh lý để có dung dịch 10% hoặc 50%. Rửa mắt bằng nước muối sinh lý, sau đó rỏ mắt bằng dung dịch trên, mỗi ngày 5 - 6 lần.

ThS. Hoàng Khánh Toàn


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn