Ambroxol có tác dụng làm đờm lỏng hơn, ít quánh hơn nên dễ bị tống ra ngoài, vì vậy được gọi là thuốc long đờm. Thuốc được dùng trong trường hợp các bệnh cấp và mạn tính ở đường hô hấp có kèm tăng tiết dịch phế quản không bình thường, đặc biệt trong đợt cấp của viêm phế quản mạn, hen phế quản...
Một vài tài liệu có nêu, ambroxol cải thiện được triệu chứng và làm giảm số đợt cấp tính trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, ambroxol có tính chất kháng viêm và có hoạt tính của chất chống ôxy hóa. Ngoài ra, ambroxol còn có tác dụng gây tê tại chỗ.
Không dùng thuốc cho người bệnh quá mẫn với ambroxol hoặc các thành phần của thuốc, người bị loét dạ dày tá tràng tiến triển. Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc chủ yếu sau khi tiêm như ợ nóng, khó tiêu, đôi khi buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể thấy dị ứng, chủ yếu là phát ban... Khi gặp các triệu chứng trên ngừng điều trị nếu thấy cần thiết. Khi đã dùng ambroxol không dùng cùng với thuốc chống ho (như codein chẳng hạn) hoặc một thuốc làm khô đờm (như atropin).