Hà Nội

Thuốc điều trị viêm gân cơ bàn tay

12-01-2010 08:20 | Dược
google news

Bàn tay là công cụ làm việc quan trọng của con người. Vì thế mà trước đây ông cha chúng ta đã có câu "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay".

 Gân cơ bàn tay.
Bàn tay là công cụ làm việc quan trọng của con người. Vì thế mà trước đây ông cha chúng ta đã có câu "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay". Hiện nay trong thời đại @, bàn tay đã bước đầu thoát khỏi những công việc chân tay nặng nhọc. Tuy nhiên một số vận động viên bóng bàn, cầu lông, tennis, xà đơn, xà kép, nhân viên văn phòng sử dụng nhiều máy vi tính, hay những người làm nghề thủ công có nguy cơ cao bị bệnh lý viêm gân cơ bàn tay.

Viêm gân cơ bàn tay có thể xuất hiện cả ở những người lao động làm việc trong những điều kiện "nhàn nhã" như trong các văn phòng có trang thiết bị hiện đại. Trên thực tế khi thao tác với máy tính hay các dụng cụ văn phòng thì hai bàn tay vẫn phải hoạt động quá tải, phải hứng chịu các vi chấn thương kéo dài, dẫn đến xuất hiện thoái hóa sớm các khớp nhỏ bàn tay và một số bệnh lý phần mềm bàn tay. Bệnh cũng thường hay gặp ở những phụ nữ cho con bú, các ông bà  trông cháu hay những phụ nữ làm nội trợ trong gia đình. Các bệnh lý gân cơ bàn tay thường gặp là ngón tay lò xo do viêm gân gấp ngón tay, viêm bao gân vùng mỏm châm xương quay (hội chứng De Quervain), viêm điểm bám gân mỏm trâm trụ vùng cổ tay, hội chứng đường hầm cổ tay khiến dây thần kinh giữa bị chèn ép. Hậu quả là bệnh nhân bị đau bàn tay, vận động của các khớp bàn tay bị hạn chế, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày và khả năng lao động. Trong một số trường hợp bệnh xảy ra ở những người mắc một số bệnh lý như thoái hóa khớp bàn tay, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường...

Dự phòng viêm gân cơ bàn tay

Để phòng tránh viêm gân cơ bàn tay, chúng ta cần tránh làm việc trên máy tính liên tục trong thời gian dài, tốt nhất là cứ sau một giờ làm việc thì lại nghỉ ngơi, đi lại trong vài phút để bàn tay có thể phục hồi lại. Một số nghề nghiệp sử dụng cổ tay nhiều để làm các động tác ép, vặn, xoay... thì nên hạn chế làm quá mạnh, khi cần nên nhờ đến sự giúp đỡ của các dụng cụ, máy móc chuyên biệt. Nhiều phụ nữ phải sử dụng tay nhiều để làm việc như giặt giũ, xách nước, dệt, đan... cũng nên phân chia công việc đều trong ngày, hay phân đều tải trọng vào hai tay, tránh trường hợp phải sử dụng tay phải quá nhiều. Phụ nữ mang thai cần tránh làm việc tay nhiều, phụ nữ cho con bú cũng không nên đứng bế con quá nhiều, tốt nhất là nên bế trẻ ở tư thế ngồi, đặt trẻ trên đùi để tránh tải trọng của trẻ lên tay. Khi tay bị đau thì có thể cho trẻ bú nằm để tay được giải phóng. Ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh có thể dùng biện pháp ngâm và xoa tay bằng nước muối gừng. Lấy một miếng gừng tươi giã nhỏ, thêm ít muối rồi đặt vào khay, chậu nhỏ và cho thêm nước ấm. Nhúng hai bàn tay vào nước, vừa ngâm vừa xoa bóp bàn tay, ngón tay. Điều đó sẽ làm tăng máu đến nuôi dưỡng bàn tay, giúp tổn thương chóng phục hồi và làm mềm gân, cơ, khiến cho cử động bàn tay mềm mại hơn.

Các thuốc điều trị viêm gân cơ bàn tay

Hiện nay có nhiều thuốc điều trị viêm gân cơ bàn tay. Đầu tiên là các thuốc bôi tại chỗ. Thường người ta dùng các thuốc chống viêm giảm đau dạng bôi như như voltaren emulgen, gelden, profenid gel... Các thuốc này thấm trực tiếp vào mô tổn thương và có tác dụng chống viêm giảm đau do ức chế tổng hợp hóa chất trung gian gây viêm là prostaglandin, làm giảm tác dụng của nó lên đầu mút thần kinh ngoại vi, giảm viêm, sưng, phù nề tại chỗ. Nếu bệnh nhân vẫn đau thì có thể dùng bổ sung một số thuốc giảm đau chứa paracetamol, hay dạng paracetamol kết hợp với codein để đạt hiệu quả giảm đau tốt hơn. Để cải thiện sự cứng khớp người ta có thể dùng thêm một số thuốc giãn cơ, giúp cho cơ được nghỉ ngơi và tăng tuần hoàn máu trong cơ. Bệnh nhân cũng có thể áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu như hồng ngoại, điện phân dẫn thuốc. Nếu vẫn chưa đỡ thì có thể tiêm chế phẩm chứa corticoid vào trong bao gân, thuốc có tác dụng chống viêm mạnh và chỉ tác dụng tại vị trí tiêm nên khá an toàn, không có tác dụng phụ hệ thống như khi dùng corticoid đường toàn thân dạng uống hay tiêm bắp. Tuy nhiên, tiêm khớp đòi hỏi phải thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, thực hiện đúng kỹ thuật trong điều kiện vô khuẩn thì mới phát huy hết tác dụng của liệu pháp. Cần lưu ý rằng các thuốc chống viêm chứa corticoid đường toàn thân ít tác dụng trong điều trị viêm gân bàn tay nên hầu như không được dùng trong chỉ định này. Có một số trường hợp điều trị tại chỗ không có tác dụng rõ rệt, hay bệnh nhân bị đau nhiều khớp bàn tay thì cần dùng đến thuốc đường toàn thân. Có thể dùng thuốc chống viêm không steroid đường uống như voltaren, mobic, celebrex. Nhìn chung các thuốc này nếu dùng đúng liều và trong thời gian ngắn thì ít có tai biến nhưng trong một số trường hợp người bệnh có tiền sử dạ dày, tá tràng như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng thì nên cẩn thận khi dùng thuốc và nên phối hợp với các thuốc bảo vệ dạ dày. Lưu ý rằng cần phải chú ý điều trị cả một số bệnh có thể gây nên bệnh lý gân cơ bàn tay như thoái hóa khớp, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp... Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có thể chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trong trường hợp này bệnh nhân cần phải điều trị lâu dài bằng các loại thuốc thích hợp. Có thể dùng một số loại thuốc chống thoái hóa khớp như viartril-S, artrodar... để phục hồi lại các cấu trúc khớp bị tổn thương. Cũng có thể dùng một số thuốc giúp bổ sung vitamin D và canxi. Trường hợp điều trị nội khoa đúng cách không đỡ, bệnh nhân vẫn đau và khó thực hiện động tác, sinh hoạt bình thường hay bệnh ở giai đoạn muộn đã có biến chứng chèn ép thần kinh thì cần phải nhờ đến sự can thiệp phẫu thuật để giải phóng chèn ép hay chỉnh sửa lại bao gân hay gân cơ. 

PGS.TS.BS.  Nguyễn Vĩnh Ngọc
(Khoa khớp, Bệnh viện Bạch Mai)

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn