Hà Nội

Thuốc chống nấm ketoconazol: Nguy cơ gây tác dụng phụ

12-01-2016 15:43 | An toàn dùng thuốc
google news

Ketoconazole là thuốc chống nấm có hoạt phổ rộng, có các dạng viên nén, hỗn dịch, kem bôi ngoài và xà phòng gội đầu. Thuốc được dùng trong các trường hợp: Dùng dạng uống (tác dụng toàn thân) để điều trị bệnh nấm toàn thân, bệnh nấm tại chỗ (sau khi điều trị tại chỗ không có kết quả), bệnh nấm Candida ở da, niêm mạc nặng, mạn tính

Ketoconazole là thuốc chống nấm có hoạt phổ rộng, có các dạng viên nén, hỗn dịch, kem bôi ngoài và xà phòng gội đầu. Thuốc được dùng trong các trường hợp: Dùng dạng uống (tác dụng toàn thân) để điều trị bệnh nấm toàn thân, bệnh nấm tại chỗ (sau khi điều trị tại chỗ không có kết quả), bệnh nấm Candida ở da, niêm mạc nặng, mạn tính; Bệnh nấm nặng đường tiêu hóa mạn tính; Bệnh nấm Candida âm đạo mạn tính…. Dạng bôi tại chỗ để điều trị các bệnh nấm ở da và niêm mạc.

Tác dụng phụ thường gặp

Tuy nhiên khi dùng thuốc này cần lưu ý, qua thử nghiệm trên động vật, các nhà khoa học thấy ketoconazol gây quái thai (dính ngón và thiếu ngón) ở chuột. Thuốc qua được nhau thai, nhưng còn chưa có những nghiên cứu đầy đủ ở người. Vì vậy, chỉ dùng thuốc cho người mang thai khi lợi ích điều trị xác đáng hơn các nguy cơ có thể gây ra cho thai nhi. Thuốc có thể tiết vào sữa, do đó người mẹ đang điều trị với ketoconazol không nên cho con bú.

Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc, thường gặp trên đường tiêu hóa là buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, đầy hơi, chảy máu đường tiêu hóa, tiêu chảy. Các tác dụng này có liên quan đến liều dùng và có thể giảm thiểu nếu dùng thuốc cùng với thức ăn (có thể uống ketoconazol trong hoặc sau khi ăn nhằm làm giảm buồn nôn và nôn).  Ở da người bệnh có thể thấy ngứa hoặc ngoại ban…  Ngoài ra, một số người dùng thuốc này có thể thấy đau đầu, chóng mặt, kích động, ngủ gà hoặc sốt; kích ứng, cảm giác rát bỏng ở nơi bôi thuốc.

Những tác dụng phụ nguy hại

Viêm gan thường biểu hiện rõ trong vòng vài tháng điều trị đầu tiên nhưng đôi khi cũng xuất hiện trong tuần điều trị đầu tiên. Hầu hết các trường hợp độc với gan đã được ghi nhận là ở các người bệnh dùng thuốc trị nấm móng và ở nhiều người khác dùng thuốc trị các bệnh nấm da mạn tính dai dẳng.

Mặc dù tác dụng độc do ketoconazol gây ra với gan thường có thể hồi phục sau khi ngừng thuốc vài tháng nhưng cũng đã xảy ra một số hiếm trường hợp xấu (như hoại tử gan cấp, biến đổi mỡ ở gan hoặc tử vong). Biến chứng ở gan thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, phụ nữ, người nghiện rượu hoặc bị suy chức năng gan do những nguyên nhân khác.

Để hạn chế các tác dụng không mong muốn nặng của thuốc, trường hợp phải  điều trị kéo dài thì trước khi dùng thuốc, cần xét nghiệm chức năng gan và suốt thời gian điều trị cứ 1 hoặc 2 tháng lại kiểm tra ít nhất một lần, đặc biệt là những người bệnh đang dùng các thuốc khác có độc tính mạnh với gan. Khi kết quả xét nghiệm chức năng gan tăng đáng kể, hay thay đổi không bình thường kéo dài, hoặc xấu đi, hoặc kèm theo những biểu hiện rối loạn chức năng gan khác, cần ngừng thuốc.

Nguy cơ gây tác dụng phụ  1Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ. Ảnh: TL

Mặc dù đã có biện pháp khắc phục trên, song thực tế lâm sàng người ta thấy ketoconazol (dạng viên nén) không chỉ gây tổn thương gan nghiêm trọng mà còn gây suy tuyến thượng thận và dẫn đến các tương tác thuốc có hại khi dùng đồng thời với các thuốc điều trị khác.

Tháng 7/2013, cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã có thông báo cảnh báo đối với loại viên nén này với các tác dụng phụ nghiêm trọng trên. Cụ thể:

Về  tổn thương gan (nhiễm độc gan)

Viên nén ketoconazol có thể gây tổn thương gan, dẫn đến phải ghép gan hoặc tử vong. Vì vậy, FDA đã yêu cầu thêm cảnh báo chống chỉ định ở những bệnh nhân có bệnh gan. Tổn thương gan nghiêm trọng đã xảy ra ở bệnh nhân dùng liều cao của ketoconazol trong thời gian ngắn, hoặc dùng liều thấp trong thời gian dài. Các tổn thương gan này có thể hồi phục khi ngừng sử dụng thuốc, nhưng cũng có thể không hồi phục.

Về ảnh hưởng trên tuyến thượng thận (gây suy thượng thận)

Viên nén ketoconazol có thể gây suy thượng thận bằng cách làm giảm sản xuất corticosteroid của cơ thể.  Corticosteroid được sản xuất bởi tuyến thượng thận, ảnh hưởng đến sự cân bằng của cơ thể giữa nước, muối khoáng và chất điện giải.  Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên theo dõi chức năng tuyến thượng thận ở những bệnh nhân dùng thuốc nizoral, người có vấn đề về tuyến thượng thận, người bị stress…

Về tương tác thuốc

Ketoconazol viên có thể tương tác với các thuốc khác dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng, ví dụ như rối loạn nhịp tim...  Vì vậy, tất cả các thuốc mà bệnh nhân hiện đang dùng nên được đánh giá về vấn đề tương tác thuốc.

Do có những tác dụng phụ nguy hại trên, FDA cảnh báo như sau:  Hạn chế việc sử dụng thuốc viên ketoconazol (nizoral).  Viên nén ketoconazol được chỉ định chỉ để điều trị các bệnh nhiễm trùng nấm sau đây: blastomycosis, coccidioidomycosis, histoplasmosis,  và paracoccidioidomycosis trong những bệnh nhân mà phương pháp điều trị khác đã thất bại hoặc những người không dung nạp với phương pháp điều trị khác;  Không được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm trùng do nấm ở da và móng tay; Không được sử dụng thuốc ở bệnh nhân có bệnh gan cấp tính hoặc mạn tính.

Như vậy, viên nén uống ketoconazol không phải là một điều trị đầu tay cho bất kỳ nhiễm trùng nấm nào mà chỉ được sử dụng để điều trị nhiễm một số nấm nhất định, và chỉ khi liệu pháp kháng nấm thay thế không có sẵn hoặc không dung nạp.  Hiện FDA vẫn đang tiếp tục đánh giá sự an toàn của thuốc này.

DS. Hoàng Thu Thủy


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn