Hà Nội

Thuốc chống lo âu trong nha khoa

28-08-2012 18:07 | Thông tin dược học
google news

Có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân phải điều trị nha khoa bị rơi vào trạng thái lo âu, quá lo lắng khi các biện pháp điều trị được tiến hành. Ở một góc độ nào đó, sự căng thẳng này dẫn đến những phản ứng quá mức với các thủ thuật điều trị gây mất an toàn.

(SKDS) - Có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân phải điều trị nha khoa bị rơi vào trạng thái lo âu, quá lo lắng khi các biện pháp điều trị được tiến hành. Ở một góc độ nào đó, sự căng thẳng này dẫn đến những phản ứng quá mức với các thủ thuật điều trị gây mất an toàn.

Lý do dùng thuốc

Thường thì trạng thái lo âu này của người bệnh không đến mức hệ trọng. Nhưng ở một góc độ nào đó nó có thể gây căng thẳng cho người bệnh, dẫn đến những phản ứng quá mức với các thủ thuật điều trị. Chẳng hạn như đỏ bừng mặt và rối loạn nhịp tim khi bác sĩ chuẩn bị can thiệp vào răng. Với một số người còn phản ứng bằng những động tác cơ học. Có người do sự căng thẳng lên đến đỉnh điểm mà có thể gây ra phản ứng như một phản ứng thuốc thực thụ. Điều này là rất không có lợi trong điều trị.

Nguyên nhân gây ra sự căng thẳng trong điều trị liên quan đến nha khoa vì đây là một lĩnh vực phải thực hiện nhiều thủ thuật và thao tác y học. Các thủ thuật này thường phải tiếp cận với nhiều dụng cụ mang tính “nhạy cảm”. Ví dụ như dao, kéo, kìm, nỉa, kẹp... dễ gây nên sự sợ hãi cho người bệnh. Các thao tác với các dụng cụ lại được thực hiện khi người bệnh đang tỉnh cho nên các phản ứng tâm sinh lý lại càng rõ ràng. Chính thế mà sự lo âu thường hay xảy ra.

Để đảm bảo an toàn và có một diễn biến thuận trong điều trị, đôi khi các bác sĩ phải dùng đến một số thuốc chống lo âu để giảm căng thẳng cho người bệnh.

 Những dụng cụ khám nha khoa dễ gây tâm lý hoảng sợ cho bệnh nhân.

Có thể dùng thuốc nào?

Các thuốc chống lo âu hay được dùng trong nha khoa thực chất cũng là các thuốc chống căng thẳng lo âu được sử dụng trong lĩnh vực thần kinh, tâm thần. Chúng thường được sử dụng như một liệu pháp điều trị dự phòng thay vì điều trị triệu chứng dành riêng cho nha khoa. Nhiều thuốc có tác dụng chống lo âu nhưng hay được dùng nhất là các thuốc thuộc nhóm benzodiazepin. Đây là các thuốc có nhiều ưu điểm trong điều trị và có ít nhược điểm trong khía cạnh tác dụng phụ và sự ngộ độc do quá liều.

Hoạt tính của benzodiazepin thực chất dựa vào sự hoạt động của chất trung gian thần kinh GABA, là một chất trung gian thần kinh mà hoạt động của nó liên quan đến sự ức chế. Nếu như GABA được giải phóng ra quá nhiều thì các tế bào thần kinh sau nó, tức là tiếp nhận nó sẽ rơi vào trạng thái ức chế thay vì trạng thái hoạt động. Điều này tạo ra một hiệu quả có lợi là người bệnh có thể rơi vào trạng thái thư thái, giảm căng thẳng, buồn ngủ, hết co giật và hoàn toàn giãn cơ. Những hiệu ứng này được sử dụng trong từng trường hợp một.

Ở đây, benzodiazepin có tác dụng làm tăng cường hoạt tính của GABA, tức là làm cho một nhóm các tế bào thần kinh chọn lọc bị ức chế mạnh hơn khi có mặt thuốc. Điều đó có nghĩa là benzodiazepin hoàn toàn có thể gây ra các tác dụng như GABA. Cái hay ở chỗ, đó là thuốc không gây các phản ứng đồng loạt mà từng hiệu ứng sẽ được tạo ra tùy thuộc vào liều sử dụng. Các hiệu ứng của thuốc có được lần lượt là an dịu, chống lo âu, gây ngủ, chống co giật và giãn cơ. Khi dùng liều thấp chúng ta tạo ra được một trạng thái an dịu, không lo âu và người bệnh giảm hẳn các phản ứng không có lợi trước các biện pháp điều trị. Chính vì lợi thế này mà người ta dùng benzodiazepin như một biện pháp “tiền điều trị” trong nha khoa (tức là chuẩn bị cho điều trị).

Về mặt điều trị, các thế hệ benzodiazepin có nhiều loại khác nhau và chúng cũng có nhiều công dụng khác nhau. Có loại thiên về an dịu, có loại thiên về chống lo âu, có loại thiên về chống co giật. Ở khía cạnh nha khoa, người ta có thể dùng các loại sau: alprazolam, bromazepam, clotiazepam, diazepam…

Và lưu ý

Khi dùng với liều thấp, diazepam chưa gây ra các tác dụng vượt tầm kiểm soát như giãn cơ hay gây ngủ hay chống co giật. Tuy nhiên nó cũng gây ra một số bất lợi mà đôi khi có thể ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh.

Thứ nhất đó là tác dụng mất sự kiểm soát chủ động của thần kinh trung ương, làm  giảm sự kiểm soát chủ động của người bệnh. Chính do tác dụng an dịu, an thần nên trương lực thần kinh giảm xuống. Điều này là không có lợi trong các hoạt động chủ động như hoạt động thể lực, hoạt động kỹ thuật, những công việc đòi hỏi sự phối hợp và sự khéo léo. Đối phó với tình trạng này không còn cách nào khác làm tạm ngừng các hoạt động này trong ngày dùng thuốc ít nhất là 24 giờ  sau đó. Nếu công việc là bắt buộc, bạn không thể hoạt động một mình mà cần phải có người cùng giúp để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối.

Thứ hai là tác dụng gây ngủ gà. Tuy rằng liều diazepam sử dụng ở đây không chạm đến ngưỡng gây ngủ ở ngày hôm sau nhưng người dùng có cảm giác gà gật và hơi an thần. Vì thế mà nếu như bạn là cán bộ kỹ thuật hoạt động trên cao, tài xế lái xe, người điều khiển dây chuyền sản xuất thì chúng tôi khuyên bạn dừng hẳn công việc tối thiểu một ngày tính từ thời điểm dùng thuốc cuối cùng. Vì đôi khi sự phản ứng kém nhanh nhạy của hệ thần kinh có thể dẫn đến những tai nạn không đáng có. Việc dừng công việc hoàn toàn là bắt buộc vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn tính mạng của chính bạn.

Bạn cần chú ý về liều như sau. Với người già, người có hệ thần kinh yếu thì chỉ cần dùng liều bằng 1/2 liều thông thường. Tuyệt đối không dùng cho trẻ em vì những tác dụng không có lợi với hệ thần kinh ở lứa tuổi này.  

 

  BS.Lê An Viên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn