Hà Nội

Thực phẩm giả hiệu và nỗi lo của “thượng đế”

27-08-2009 13:05 | Xã hội
google news

Sẵn sàng bỏ tiền ra để được làm "thượng đế" thưởng thức những món ngon, nhưng giờ đây, cho dù "thượng đế" có ngồi quán vỉa hè, hay an tọa trong những nhà hàng sang trọng,

Sẵn sàng bỏ tiền ra để được làm "thượng đế" thưởng thức những món ngon, nhưng giờ đây, cho dù "thượng đế" có ngồi quán vỉa hè, hay an tọa trong những nhà hàng sang trọng, hay vào hẳn siêu thị mua về nhà ăn cho "sạch sẽ" thì cũng đều không tránh được những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí lừa người tiêu dùng. Ngay cả công ty lớn về nhập khẩu cũng đã mập mờ đưa ra thị trường những lô hàng thực phẩm cận đát, hết đát, nhiễm khuẩn và nghiễm nhiên bày chúng trong siêu thị. Thị trường thực phẩm tiếp tục bị đặt trong tình trạng báo động về chất lượng.

Thực phẩm giả hiệu từ hè phố...

Thời gian gần đây, hàng chục những hàng chim quay nối tiếp nhau mọc lên trên các đường phố Hoàng Hoa Thám, Nghĩa Tân, Trần Duy Hưng, Nghi Tàm... (Hà Nội) với giá 2.000 - 2.500đ/con. Giá rẻ bất ngờ và món thịt "chim sẻ quay" thơm ngon khiến không ít thực khách tỏ ra háo hức thưởng thức... và họ giật mình khi biết rằng, chim sẻ quay thực chất là vịt đực nhỏ, giá bán buôn có 482đ/con. Các cửa hàng không gọi là vịt vì sợ khách chê là tanh, còn gọi là chim sẻ nghe... sạch sẽ, thơm tho. Vậy là chỉ khác cái tên gọi, mà thực khách đã bị lừa. Cách đây vài năm, loại vịt đực con chỉ dùng làm thức ăn cho cá. Nhưng gần đây, các "phù thủy" chế biến món ăn đã nghĩ ra cách tiêu thụ món vịt siêu bao tử này. Vịt nở trong vòng vài giờ sẽ được làm thịt ngay, chưa cho ăn gì cả nên vị thịt không tanh hay khó ăn. Sau khi làm thịt, rửa sạch, vịt được cắt mỏ tù cho nhọn, cắt chân để trông cho giống chim và bán đi. Khi ra đến thành phố, vào đến các quán, nhà hàng, người ta tẩm ướp và quay thành chim thơm béo ngậy.

Ngoài miền Bắc có món "vịt đực đội lốt chim sẻ", thì miền Nam cũng chẳng chịu kém. Món "gà xác đội lốt gà ta" còn tung hoành mạnh mẽ hơn nhiều. Gần đây, các quán "gà ta" mọc lên như nấm ở Sài Gòn. Thật bất ngờ, món gà "hương đồng gió nội", thịt dai dai vì được cho rằng nuôi ở quê "đi bộ nhiều" lại chính là những con gà đẻ trứng, nuôi công nghiệp bị loại thải mà dân trong nghề gọi là "gà xác"! Chúng được mua gom từ các tỉnh miền Tây, miền Đông, Tây Nguyên và miền Trung. Thịt gà xác săn, chắc không khác gì gà ta, có khi còn... dai hơn. Thực khách thưởng thức trước nồi khói nghi ngút, cứ thấy miếng thịt dai dai thì gật gù "khen": "Gà ta thịt nó phải chắc thế chứ", mà không hề hay biết mình đang phải trả giá cao để ăn loại thực phẩm mà trước đây... chẳng ai thèm ăn. Hiện nay, một con gà xác tại trại được đầu nậu mua với giá rất rẻ, đổ đồng khoảng 48.000 - 50.000đ/con. Nhưng khi làm thịt, bán cho các quán (khoảng trên dưới 100.000đ/con). Ngoài các tỉnh phía Nam có bán gà xác, gần đây, gà xác cũng xuất hiện khá nhiều ở các tỉnh phía Bắc.

 Các cơ quan chức năng kiểm tra kho thực phẩm đông lạnh của Công ty Vinafood.

... Đến cả những công ty nhập khẩu lớn

Thời gian qua, lực lượng liên ngành Hà Nội liên tiếp bắt giữ số lượng lớn nội tạng động vật đông lạnh nhập lậu qua các cửa khẩu Lào Cai, Móng Cái, Lạng Sơn tràn vào thị trường nội địa. Tại Hà Nội, chỉ tính riêng trong tháng 4 và 5/2009, Đội quản lý thị trường số 15 đã bắt giữ hơn 1,2 tấn nội tạng dê, lợn (tim, gan, nầm, tràng...). Tang vật bị thu giữ hoàn toàn không có giấy kiểm dịch hay hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Chúng được bọc kín trong nhiều bao tải lớn và nhét dưới gầm ghế xe khách.

Như báo Sức khỏe & Đời sống đã phản ánh, chỉ trong tháng 7/2009, cơ quan chức năng tại TP.HCM liên tục phát hiện nhiều vụ thịt nhập khẩu quá đát, tráo lận hạn dùng. Hàng trăm tấn thịt đông lạnh, dù đã bị lập biên bản, nhưng nhà nhập khẩu vẫn ngang nhiên tẩu tán, bán ra thị trường. Sáng 21/7, 600 thùng sườn nạc đầu lợn của Vinafood đang chứa trong kho lạnh Sea Sài Gòn, Khu công nghiệp Sóng Thần bị đoàn kiểm tra ATVSTP phát hiện có hiện tượng dán nhãn mới với hạn dùng đến tháng 1/2010. 50 tấn gan heo khác cũng bị phát hiện ghi sai thành phần từ "gan lợn" thành "thịt lợn". Tại kho lạnh khác ở Thủ Đức, đoàn cũng phát hiện thêm 3 lô hàng thịt lợn rọi khoảng trên 50 tấn không có nhãn hàng hóa của nhà nhập khẩu.

Cơ quan chức năng gặp khó, doanh nghiệp "phủi tay"

Theo như các cán bộ quản lý thị trường Hà Nội thì: Việc xử lý các vụ việc liên quan đến nội tạng động vật nhập lậu vẫn còn rất chồng chéo và khó giải quyết bởi có nhiều cơ quan chức năng cùng phối hợp xử lý, quản lý thị trường chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hoá, thú y kiểm tra về dịch bệnh, y tế kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm...

Trong quá trình phối hợp xử lý hàng nội tạng nhập lậu chưa có sự thống nhất. Hay như việc tiêu hủy nội tạng nhập lậu cần phải nhanh chóng (sau khi bắt giữ phải tiêu hủy ngay trong vòng 2 tiếng mới đảm bảo quy trình). Tuy nhiên, trình tự xử lý mà bấy lâu nay vẫn đang áp dụng là khi cơ quan công an phát hiện có hàng động vật nhập lậu, Chi cục Quản lý thị trường sẽ lập hồ sơ, sau đó bàn giao cho Chi cục Thú y phun thuốc và tiêu hủy. Quá trình kết hợp này diễn ra rất lâu khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, vệ sinh môi trường không được đảm bảo.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu khác lại vin vào cớ tái xuất lô hàng thịt “bẩn” là... cực khó. Vì kết quả xét nghiệm của Cục Thú y Việt Nam không được quốc tế công nhận, nên đối tác sẽ không chấp nhận chứng thư yêu cầu đền bù thiệt hại và nhận lại lô hàng.

 Chim quay thực chất là vịt đực cắt mỏ.

Không thể giải quyết thịt "bẩn" qua việc chiếu xạ?                                  

Không phủ nhận quy trình an toàn của các nhà máy sản xuất thịt từ phía nước ngoài, nhưng không thể căn cứ vào đó để khẳng định những loại thực phẩm nhập về không nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh (bẩn). Thực tế, từ trước tới nay, doanh nghiệp vẫn săn lùng hàng rẻ, hàng cận đát để mua; quá trình xuất kho tại nhà máy ở các nước, đến khi hàng vận chuyển trên biển, bốc dỡ về kho dễ phát sinh mầm bệnh nếu không đảm bảo yêu cầu. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện khá nhiều trường hợp thịt "bẩn" của doanh nghiệp.

Trong hầu hết các vụ việc được phát hiện, nhà nhập khẩu đề nghị được chiếu xạ những loại thực phẩm "bẩn" để tiếp tục đem bán hoặc làm thức ăn cho... cá sấu. Theo ý kiến của chuyên gia trong ngành thực phẩm, phương pháp chiếu xạ được các nước quy định rõ là phải thực hiện ngay từ nguồn. Và biện pháp này chủ yếu nhằm phòng tránh tác nhân gây bệnh chứ không phải giải quyết hậu quả khi thực phẩm đã bị "bẩn". Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, trong một cuộc họp mới đây vẫn còn khẳng định do "quy định chưa rõ ràng" nên cơ quan thú y cho xử lý thịt "bẩn" bằng phương pháp chiếu xạ để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau đó ông thừa nhận bây giờ đã có nhiều kết luận khoa học khẳng định thực phẩm đã nhiễm khuẩn, vi sinh thì không thể phục hồi hoàn toàn chất lượng bằng chiếu xạ. Chính vì vậy nên mới đây, trong hai văn bản 1167 và 1168 (14/7/2009), Cục Thú y quy định lại "phải chuyển đổi mục đích sử dụng, tiêu hủy hoặc buộc tái xuất" những lô thịt nhiễm vi sinh, nhiễm khuẩn chứ không được chiếu xạ như trước. Ông Anh cũng cho biết, Cục Thú y sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nghiên cứu để đưa quy định chiếu xạ ngay từ đầu nguồn vào quy định bắt buộc đối với thịt đông lạnh nhập khẩu.

Nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn đó, và nó còn trở nên nặng nề hơn khi mà các "thầy phù thủy" của công nghệ chế biến đang ngày càng cho ra lò nhiều "tiết mục" với sự biến hoá khôn lường nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Phóng sự của Hoàng Dương


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn