Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim (không phải lớp ngoài - ngoại tâm mạc và lớp trong - nội tâm mạc) của cơ tim bị tổn thương do nhiều tác nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng viêm, hoại tử tế bào cơ tim mà không do nguyên nhân tắc mạch máu nuôi tim (nhồi máu cơ tim).
Tần suất mắc và cơ chế bệnh sinh
Tần suất mắc của bệnh hiện nay chưa được rõ do bệnh cảnh lâm sàng rất phong phú từ nhẹ đến nặng dẫn đến nhiều trường hợp bị bỏ qua và triệu chứng không đặc hiệu (chẩn đoán chỉ được xác định chính xác bằng sinh thiết cơ tim - một việc khó làm trên thực tế) nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Trong một số nghiên cứu, có khoảng 1 - 9% số bệnh nhân (có triệu chứng nghi ngờ) được chẩn đoán chính xác là viêm cơ tim khi làm sinh thiết cơ tim và ở người trẻ, 42% đột tử là do viêm cơ tim cấp. Ở người nhiễm HIV, có tới trên 50% mẫu sinh thiết cho thấy những biểu hiện viêm rất rõ của tế bào cơ tim.
Cơ chế cơ tim bị tổn thương sau nhiễm virut có lẽ chủ yếu do cái gọi là phản ứng tự miễn dịch. Virut và các thành phần của nó có cấu trúc tương tự như sợi myosin của cơ tim nên khi cơ thể sinh ra kháng thể chống lại virut thì lại “đánh nhầm” sang cả cơ tim. Bên cạnh đó, hàng loạt phản ứng viêm xảy ra sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập tế bào cơ tim dẫn đến hiện tượng phù nề, xung huyết, hoại tử cơ tim và quá trình viêm kết thúc bằng việc cơ tim bị xơ hóa, phì đại dẫn đến chức năng co bóp tống máu bị giảm hay tim bị suy (nếu bệnh nhân qua được giai đoạn cấp của viêm cơ tim). Có thể tổng kết lại quá trình gây thương tổn cơ tim do virut gây ra gồm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu là những thương tổn trực tiếp do virut gây ra khi virut xâm nhập và phá hủy tế bào cơ tim; giai đoạn hai là những thương tổn do quá trình tự miễn dịch được hoạt hóa sau khi virut xâm nhập và giai đoạn ba, muộn hơn, là giai đoạn “hàn gắn” tổn thương biểu hiện bằng việc “tái cấu trúc” tế bào cơ tim dẫn đến hậu quả là bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị bệnh cơ tim phì đại sau này. Các tác nhân gây bệnh khác như vi khuẩn, ký sinh trùng, độc chất… thì gây thương tổn trực tiếp hoặc qua các chất trung gian hóa học của quá trình viêm lên tế bào cơ tim.
Nguyên nhân nào gây viêm cơ tim?
Có nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim, nguyên nhân hàng đầu là nhiễm một số loại virut. Những loại virut này là adenovirus (ADV), enterovirus (EV), rubella, HIV... Điều ngạc nhiên là có tới 90% dân số trên thế giới tiếp xúc hoặc bị nhiễm ít nhất với một trong số những loại virut trên, kể cả khi đã có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nhưng viêm cơ tim lại chỉ xảy ra trong một số rất ít cá thể đặc biệt nào đó. Viêm cơ tim nhiễm khuẩn cũng hay gặp và thường do các loại vi khuẩn như Brucella, Vibrio cholerae, Rickettsia… gây ra. Một tỷ lệ nhỏ viêm cơ tim do nhiễm một số loại nấm như Aspergillus, viêm cơ tim do động vật nguyên sinh và viêm cơ tim do ký sinh trùng. Viêm cơ tim không do nhiễm bao gồm viêm cơ tim do thuốc, do rượu, do dinh dưỡng, ngộ độc kim loại nặng; viêm cơ tim do miễn dịch dị ứng và viêm cơ tim trong một số bệnh cảnh đặc biệt như rắn độc cắn, điện giật, do hóa chất hoặc tia xạ, ngộ độc CO.
Biểu hiện khi bị viêm cơ tim
Biểu hiện của viêm cơ tim rất phong phú và đa dạng, có thể chia làm 3 nhóm chính: nhóm không có triệu chứng, nhóm có triệu chứng điển hình và nhóm có biểu hiện rất nặng, đột tử ngay từ khi vừa xuất hiện.
Với nhóm bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng hoặc có nhưng quá nhẹ khiến cho bệnh nhân và thầy thuốc không chú ý đến, các thương tổn cơ tim diễn biến âm thầm và chỉ được phát hiện nhiều năm sau đó với các dấu hiệu của bệnh cơ tim phì đại.
Ở nhóm có triệu chứng điển hình, khởi đầu bệnh nhân thường có hội chứng nhiễm virut không đặc hiệu: sốt cao, đau mỏi cơ, đau đầu, chảy nước mắt, nước mũi, xung huyết kết mạc, tiêu chảy, mệt mỏi, khó thở, ăn uống kém. Sau 1-2 ngày, khó thở tăng lên, bệnh nhân có cảm giác đau ngực, đánh trống ngực, nặng hai chi dưới, đau tức vùng gan. Khám thấy nhịp tim nhanh, tiếng cọ màng ngoài tim, có thể thấy tiếng thổi hoặc tiếng tim thứ ba. Khi triệu chứng suy tim xuất hiện, bệnh nhân có triệu chứng phù hai chi dưới, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, khó thở nhiều, nhịp ngựa phi hoặc các triệu chứng suy tim trái cấp (phù phổi cấp): khó thở dữ dội, khạc bọt hồng. Nặng hơn nữa là tình trạng sốc tim: bệnh nhân kích thích vật vã, mạch nhanh nhỏ, da tái lạnh, huyết áp tụt hoặc không đo được, bệnh cảnh sốc tim có thể nặng dần, không đáp ứng điều trị và bệnh nhân sẽ tử vong.
Bên cạnh các triệu chứng nêu trên, các rối loạn nhịp tim bao giờ cũng có, nhẹ nhất như các cơn nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh trên thất, nặng hơn như ngoại tâm thu thất dày, cơn nhịp nhanh thất… Viêm cơ tim có rối loạn nhịp tim nguy hiểm bao giờ cũng báo hiệu một tiên lượng không tốt cho bệnh nhân. Ở nhóm đột tử, bệnh diễn biến tối cấp, bệnh nhân tử vong nhanh chóng do sốc tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Chẩn đoán viêm cơ tim do virut dựa vào các bằng chứng lâm sàng như đã mô tả ở trên kết hợp với làm điện tim, siêu âm tim, chụp XQ tim phổi, xét nghiệm nồng độ men tim và kháng thể kháng virut, tìm kiếm độc chất… và sinh thiết cơ tim là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định.
Điều trị thế nào?
Điều trị viêm cơ tim chủ yếu là điều trị triệu chứng như tăng cường co bóp cơ tim, chống loạn nhịp, chống sốc… đặt bóng động mạch chủ và một số trường hợp nặng có thể dùng liệu pháp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) để chờ cơ tim hồi phục. Ghép tim là giải pháp cuối cùng cho một số trường hợp nặng, tim không còn khả năng trở về chức năng bình thường.
Lời khuyên của thầy thuốc
Dự phòng viêm cơ tim chủ yếu vẫn là các biện pháp giữ gìn sức khỏe (nhất là đối với trẻ em, người già, phụ nữ có thai, những người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch…), giữ gìn vệ sinh chung, chống ô nhiễm môi trường, cách ly đối với những bệnh nhân bị nhiễm virut có nguy cơ viêm cơ tim cao và tiêm chủng đối với một số virut như rubella, influenza…
TS.BS. Vũ Đức Định