“Thừa” và “thiếu” trong cơ thể người - Lỗi do tạo hóa?

22-03-2010 16:58 | Thời sự
google news

Người ta vẫn bảo "thừa còn hơn thiếu", tuy nhiên, câu nói này chẳng đúng chút nào nếu áp dụng cho một số bộ phận của cơ thể người như răng và ruột.

Người ta vẫn bảo "thừa còn hơn thiếu", tuy nhiên, câu nói này chẳng đúng chút nào nếu áp dụng cho một số bộ phận của cơ thể người như răng và ruột. Dù được coi là một động vật cấp cao nhất và khi hoàn hảo, nhưng kết cấu của cơ thể người cũng vẫn có những "lỗi" mang tính hệ thống mà chưa biết bao giờ mới khắc phục được...

Răng khôn

Răng khôn (răng số 8 hay răng hàm lớn thứ ba) là răng mọc cuối cùng, thông thường ở độ tuổi từ 17 - 25 chúng mới bắt đầu mọc dại, khiến không ít người "há miệng mắc... răng khôn" không ăn, không uống được. Hầu hết, chúng ta cũng như những nha sĩ vẫn còn tranh cãi nhau quanh việc răng khôn dùng để làm gì và có nên nhổ hay để chúng tự do phát triển. Lý do thật đơn giản vì hàm răng của chúng ta không đủ chỗ cho chúng. Phần lớn hàm chỉ đủ chỗ cho 28 răng, 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới.

Nhưng thực tế là ta có tới 32 răng vì thêm 4 răng khôn, 2 ở hàm trên và 2 ở hàm dưới và mọc sau cùng. Phiền toái xảy ra khi chúng không đủ chỗ để mọc theo hướng bình thường mà tự tìm đường khác, ví dụ như mọc ngược về phía xương hàm hoặc đâm thẳng về phía răng hàm lớn thứ hai ở bên cạnh. Chúng có thể mọc bình thường, nhú lên khỏi lợi được một phần thì bị tắc và ngừng lại vĩnh viễn. Lợi trùn, viêm tấy nướu quanh bề mặt răng khôn cũng là những biến chứng thường gặp.

Răng khôn chỉ có tác dụng trong thời cổ đại khi nó giúp tổ tiên chúng ta nhai tất cả các thức ăn sống chưa qua chế biến. Nhưng hiện nay, tác dụng chính của nó không còn nữa, không những thế nó còn gây ra những cơn đau cho con người. Và cách giải quyết đơn giản, gọn nhẹ nhất hiện nay mà bất cứ nha sĩ nào cũng áp dụng với người bị tai biến răng khôn là... nhổ quách nó đi.

 Răng khôn mọc lệch gây tai hại cho khổ chủ.

Ruột thừa

Người ta vẫn bảo "thừa còn hơn thiếu", tuy nhiên câu nói này chẳng có vẻ đúng chút nào nếu áp dụng cho... ruột. Mặc dù theo nghiên cứu, ruột thừa cũng có một số tác dụng như tăng khả năng đối phó với các chứng bệnh liên quan đến đường ruột.

Tuy nhiên, đó chỉ là một tác dụng nhỏ của ruột thừa mà tới nay người ta mới phát hiện được, còn trên thực tế hiện nay ngay cả khi đã tiến hành rất nhiều cuộc nghiên cứu nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định rõ chức năng chính của ruột thừa là gì. Còn điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là tác hại mà nó gây ra với cơ thể khi bị viêm nhiễm là rất nghiêm trọng, nếu không phẫu thuật kịp thời, ruột thừa có thể vỡ, gây bệnh và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Khoảng 5-10% người trên thế giới đã từng bị viêm ruột thừa cấp tính trong đời. Trong trường hợp này, ruột thừa sẽ được phẫu thuật loại bỏ. Một điều thú vị khác là hầu hết các động vật có vú dường như có cấu trúc ruột thừa tương tự như con người, nhưng nó lại được sử dụng để tiêu hóa. Điều này có thể cho thấy rằng, ruột thừa được thừa hưởng từ tổ tiên xa xôi của chúng ta.

Ngoài ra, theo nghiên cứu mới đây cho biết, loại bỏ ruột thừa có thể làm giảm nguy cơ bị viêm loét đại tràng. Và một thực tế là không có ảnh hưởng gì khi phẫu thuật cắt ruột thừa.

Điểm mù

Đôi mắt của chúng ta không phải là tốt nhất trong giới động vật nhưng "thiết kế" đặc biệt làm cho đôi mắt của chúng ta trở nên dễ quan sát hơn. Tuy nhiên vẫn có một lỗi nhỏ của đôi mắt mà chúng ta gặp phải.

Võng mạc là nơi ánh sáng tác động lên nhiều đầu dây thần kinh hình nón và hình gậy. Những dây thần kinh tụ lại một điểm ra phía sau cầu mắt theo dây thần kinh thị giác vào não. Vì điểm này của võng mạc không có dây thần kinh đón nhận ánh sáng nên gọi là điểm mù và do đó thường sinh ra ảo giác. Liên kết giữa võng mạc và dây thần kinh thị giác rất mỏng manh, khiến cho võng mạc dễ bị bong ra.

Khi che một mắt lại và chỉ nhìn bằng mắt kia thôi, có thể sẽ có một vật nào đó nằm trong vùng nhìn mà bạn không thể thấy được, dù đấy là con mắt có thị lực 10/10.

Tại "điểm mù", võng mạc không thể nào tiếp thu được tín hiệu ánh sáng từ bên ngoài. Nếu nhìn bằng cả hai mắt thì hai điểm mù nằm lệch nhau, nhờ đó ta mới có thể thấy được tất cả các vật trước mắt.

Tĩnh mạch gần hậu môn

Bệnh trĩ là căn bệnh do giãn tĩnh mạch ở xung quanh hậu môn gây viêm. Chúng có thể gây sưng đau và dấu hiệu là tình trạng chảy máu khi đi cầu. Nguyên nhân chủ yếu liên quan với gen, do áp lực lên trực tràng trong quá trình mang thai và do táo bón kéo dài. Ước tính khoảng 50% người ở độ tuổi 50 bị trĩ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tĩnh mạch gần hậu môn không có tác dụng nhiều mà nó còn chứa nguy cơ tiềm ẩn của bệnh trĩ. Trĩ đề cập đến tình trạng tĩnh mạch trong và xung quanh hậu môn bị viêm. Nó có thể gây ngứa và đau đớn, thường có dấu hiệu nghi ngờ khi đi ngoài ra máu. Nguyên nhân có thể bao gồm yếu tố di truyền, áp lực gia tăng trong trực tràng trong khi mang thai và táo bón kéo dài.

Khí quản và thực quản

Một vấn đề nữa trong "thiết kế" cơ thể con người là không khí và thức ăn cùng chia sẻ đầu vào. Đây có thể là một sự thiếu trong cơ thể người, do phải dùng chung một đầu vào như vậy nên con người có thể bị nghẹt thở khi ăn. "Tạo hóa" đã sáng chế ra một van nhỏ, tựa như một cái nắp được gọi là nắp thanh quản, giúp đóng khí quản khi nuốt thực phẩm. Nhưng van này không giải quyết được triệt để các rắc rối, vì khi nuốt thức ăn người ta không thể... không thở được, đặc biệt là ở trẻ em.

Hơn nữa, nắp thanh quản có thể trở thành "thủ phạm" gây ra các viêm nhiễm. Mặc dù dễ điều trị nhưng nó có thể gây nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời.

Các nhà khoa học cho rằng, có thể có một "thiết kế" hoàn hảo hơn, nếu như không khí và thức ăn được đi qua 2 ống tách biệt, khí quản (không khí đi qua) và thực quản (thực phẩm đi xuống) hoàn toàn độc lập.

            Phương Anh (Theo NewScientist)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn